"Bà Hai quân y"

V.MẾN - NG.ĐỨC 27/02/2019 06:31

Về xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn), hỏi bà Trương Thị Kha thì nhiều người biết và đặt cho bà cái tên thân thương “bà Hai quân y”. Bà không chỉ là chiến sĩ quân y đầu tiên của xã trong kháng chiến chống Mỹ mà còn là người thầy thuốc đức độ, có nhiều đóng góp trong công tác khám chữa bệnh (KCB) trên địa bàn xã nhiều năm qua…

Bà Trương Thị Kha sinh năm 1942 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại thôn Thủy Bồ (xã Điện Thọ). Năm 15 tuổi, bà Kha xin cha mẹ vào du kích làm liên lạc, đến 18 tuổi thì trực tiếp cầm súng chiến đấu. Chính nhờ sự thông minh, gan dạ nên đến năm 20 tuổi, cô gái Kha nhỏ nhắn lúc ấy đã trở thành nữ du kích duy nhất của xã Điện Thọ được cử đi học lớp quân y và trực tiếp tham gia chiến đấu khắp các chiến trường Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn, Nông Sơn…

Khi đất nước độc lập, thống nhất, bà Kha được phân công nhiệm vụ làm trạm trưởng của Trạm Y tế xã Điện Thọ. Lúc bấy giờ, cơ sở vật chất của trạm rất thiếu thốn. Không trông chờ vào sự đầu tư của cấp trên khi biết cả huyện lúc bấy giờ đều khó khăn, bà lặn lội khắp nơi để đi vận động, gõ cửa nhà những người quen, những đồng đội cũ để nhờ sự kêu gọi giúp đỡ. Chính sự nhiệt tình của bà mà chỉ sau một năm vận động, trạm đã nhận ủng hộ hơn 18 triệu đồng (lúc bấy giờ là một khoản tiền lớn) để thực hiện việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và thuốc men để phục vụ nhân dân. Bên cạnh đó, bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, bà cũng chính là người đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm chuyên môn cho những thế hệ y tá, y sĩ đầu tiên của trạm. Nhiều năm liền sau giải phóng, Trạm Y tế xã Điện Thọ luôn là mô hình điểm trong công tác KCB, phòng chống dịch trên địa bàn huyện Điện Bàn lúc bấy giờ. Với nhiều người dân nghèo khó tại xã Điện Thọ, “bà Hai quân y” không khác gì là người chị, người bà thân thiết trong gia đình, bởi gần như ngày ấy, nhà nào có bệnh nhân là ở đó có bà trực tiếp chữa bệnh, bất kể ngày đêm, mưa gió, gia đình giàu có hay nghèo khó.

Cả cuộc đời gắn bó với công tác KCB, nhưng có lẽ ấn tượng nhất khi nhắc đến bà Kha trong mắt người dân là một bà đỡ rất mát tay. Suốt giai đoạn 1975 - 1986, đã có không biết bao nhiêu đứa trẻ ở khắp các thôn trên địa bàn xã Điện Thọ được ra đời trên chính đôi tay của bà; nhất là những trường hợp sinh khó, bà đều có mặt để trợ giúp bất kể thời gian nào trong ngày. Rồi mỗi bước lớn lên của những đứa trẻ này đều có bóng dáng của bà trong công tác tiêm chủng, theo dõi sức khỏe định kỳ. Với bà, hạnh phúc nhất là mỗi khi ra đường, được nghe nhiều đứa trẻ gọi mình là “bà nội” “bà Hai đỡ đầu”…

Năm 1998, bà Kha về hưu theo chế độ, nhưng đối với bà, về hưu chỉ là không trực tiếp làm cho một cơ quan nào thôi, còn công việc, còn niềm vui được chữa bệnh cho mọi người và y đức nghề nghiệp thì vẫn còn mãi. Bà chia sẻ: “Hơn 50 năm gắn bó với nghề, dù ở cương vị nào, giai đoạn nào của lịch sử đất nước và cuộc sống, bản thân tôi luôn giữ cho mình ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê; không ngừng học hỏi, nghiên cứu để nâng cao chất lượng chuyên môn và luôn xem nỗi đau của bệnh nhân như nỗi đau của chính mình”. Ở tuổi 77, nhiều người đã chọn cách nghỉ ngơi bên con cháu, nhưng đối với bà, được tiếp tục công việc mình yêu thích, được có cơ hội cứu chữa cho nhiều người thoát khỏi bệnh tật thì đấy mới là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

V.MẾN - NG.ĐỨC

V.MẾN - NG.ĐỨC