Quyền cơ bản
Trong dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2, một sự kiện đáng chú ý là lễ trao giải LGBTI+ Việt Nam tôn vinh lần thứ 6 vừa diễn ra với sự tham gia của nhiều người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính & chuyển giới). Đặc biệt, hạng mục “Nhà vận động chính sách của năm” đã vinh danh ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). Ông là một trong những nhân vật hiếm hoi không thuộc cộng đồng LGBT từng chiến thắng giải thưởng này. Phát biểu sau khi nhận giải, ông Quang cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng để có được một thể chế, một chính sách tốt nhất, tôn trọng sự đa dạng về giới tính trong cộng đồng LGBT. Chúng tôi tôn trọng những quyền cơ bản nhất như quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc. Đó chính là lý do chúng tôi vận động hết sức để có được một thể chế tốt nhất, để không có ai bị phân biệt đối xử hay bị bỏ lại phía sau” - ông Quang nói.
Quyền cơ bản đã được hiến định, nhưng với cộng đồng LGBT và qua cách diễn giải của ông Quang trong lĩnh vực y tế thì có vẻ mới. Điều đó không có gì quá ngạc nhiên, bởi trong thực tế lâu nay những người thuộc giới tính thứ ba vẫn chưa được xã hội quan tâm, nhìn nhận một cách thấu đáo; và so với các nước, Việt Nam vẫn đi sau về việc “cụ thể hóa” những quyền cơ bản của riêng cộng đồng LGBT. Được vinh danh là một nhà hoạt động chính sách vì cộng đồng LGBT, hơn ai hết ông Quang có lẽ đã thấu hiểu điều đó nên chúng ta có quyền hy vọng những điều mới mẻ hơn, như ông đã nói: “Với cương vị của mình, tôi xin hứa sẽ cố gắng phấn đấu để cộng đồng LGBT của chúng ta được thừa nhận trong thực tiễn!”.
Quyền cơ bản cho riêng cộng đồng LGBT đã có tín hiệu vui, còn mở rộng ra trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân thì sao? Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Y tế vừa có công văn “bác” lại 2 công văn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc hướng dẫn bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Bộ Y tế cho rằng cả 2 công văn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là không thiết thực, chưa đầy đủ, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh, thậm chí là không phù hợp với các văn bản hiện hành. Nội dung chủ yếu 2 công văn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là nhằm siết chặt quản lý trong công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Công tác này thời gian qua đã tồn tại nhiều bất cập. Hãy nhìn vào thực tế quỹ bảo hiểm y tế năm nào cũng thâm thủng; tình trạng bệnh viện “giữ bệnh”, cho thuốc vô tội vạ để có thêm khoản chi trả từ bảo hiểm sẽ thấy công tác quản lý khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế hiện chưa hiệu quả. Và nếu siết chặt quản lý mà “gây khó khăn cho các cơ sơ khám chữa bệnh, không phù hợp với các văn bản hiện hành” thì vô tình đã tạo thêm bước lùi trong công tác phối hợp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân - một nhiệm vụ đã được “cụ thể hóa” trong quyền cơ bản của người dân mà các ngành có liên quan phải thực hiện trong quá trình quản lý nhà nước.
C.B.L