Triết lý của các phép tính

LÊ TRƯỜNG AN 26/02/2019 06:21

Ai cũng biết có bốn phép tính cơ bản là cộng, trừ, nhân, chia. Thế nhưng, dường như ở đời, người ta thích phép cộng và phép nhân hơn. Thì đấy, từ thời tiền sử, người ta luôn tìm cách hái lượm được nhiều hơn, săn bắt được nhiều hơn. Rồi khi xã hội có giai cấp, người ta muốn có ruộng đất nhiều hơn, có trâu bò nhiều hơn. Bây giờ người ta muốn có xe hơi nhà lầu, muốn có trang trại thẳng cánh cò bay để sinh lợi nhiều hơn. Cuộc sống vợ chồng có đôi có cặp nhưng người ta lại muốn có thêm bồ nhí... Khi chết đi, người ta muốn có lăng mộ to vật vã để bàn dân thiên hạ trầm trồ...

Có thể người ta không để ý đến cái thú vị của những phép tính còn lại. Có câu chuyện về một người làm đầy một cái thùng bằng cách bỏ vào đấy những hòn đá, sau đó chèn thêm vào những viên sỏi nhỏ, rồi đổ thêm cát, cuối cùng là đổ nước vào cho đầy. Con người chỉ có một cuộc đời để sống nên người ta cũng chia cuộc đời ấy ra làm nhiều phần lớn nhỏ như vậy, nhưng tựu trung lại chia thành ba phần: phần cho xã hội, phần cho gia đình, và phần cho bản thân. Đó rõ ràng là một phép chia cần thiết và tất yếu.

Trong một ngày cũng vậy, ngoài thời gian làm việc, ăn, ngủ, nghỉ và đi lại, người ta chia thời gian ấy cho gia đình, bạn bè và những sở thích riêng. Mục tiêu cũng được chia đều cho việc kiếm tiền trang trải cuộc sống và học hỏi để bồi dưỡng tinh thần. Người khéo sẽ làm phép chia ấy một cách tròn trịa và không thiên lệch. Họ sẽ đạt được sự cân bằng và có hạnh phúc viên mãn. Khoa học làm con người văn minh hơn và giúp con người chinh phục vũ trụ bên ngoài càng xa rộng thì nghệ thuật làm con người thêm dày bản lĩnh văn hóa và khám phá thế giới nội tâm cũng thâm sâu không kém. Vẻ đẹp logic của một phép tính cũng không kém gì vẻ đẹp mượt mà của một câu thơ. Các cấu trúc sinh học cũng đẹp như những quy luật vật lý. Những bí ẩn lịch sử cũng hấp dẫn chẳng kém chi những vùng đất lạ. Để thưởng thức được càng nhiều, chúng ta lại phải dùng phép chia: Chia tâm hồn và thời gian của chính cuộc đời mình.

Ở những việc nhỏ hơn, phép chia cũng rất là cần thiết. Có đi giữa chợ cũng nên mua hàng này một ít, hàng kia một ít. Rồi việc thưởng thức các món ấy cũng nên chia cho nhiều người. Như vậy niềm vui không có nghĩa bị chia đi mà nó lại được nhân lên. Đến uống một ly bia cũng chia đều cái thú ấy cho năm giác quan, da cảm được cái lạnh, mắt nhìn thấy màu vàng sóng sánh, mũi ngửi được mùi thơm hoa bia, lưỡi nếm được vị nồng nàn và tai nghe được tiếng cụng ly giòn giã. Khi mà không có gì cả chúng ta vẫn có thể chia được. Đó là chia niềm vui cho mọi người và chia sẻ nỗi buồn của người khác. Thiết nghĩ trên đời này không có phép tính nào đẹp đẽ hơn thế.

Cũng như vậy, phép trừ cũng rất quan trọng. Cuộc đời này vốn đã có quá nhiều thứ xô bồ rắc rối rồi. Người ta sẽ sớm lâm vào bế tắc nếu không dùng đến phép tính trừ. Không nói đến việc trừ những thứ to tát như chiến tranh, ô nhiễm môi trường... thì bản thân mỗi người hoàn toàn có thể trừ đi những niềm nhỏ nhen ích kỷ, những toan tính tỵ hiềm và lòng tham vô độ... Có phải phép nhân và phép cộng làm người ta giàu lên, còn phép chia và phép trừ tuy giúp cho người ta hoàn thiện nhưng lại thua thiệt hơn nên chẳng mấy ai thích?

LÊ TRƯỜNG AN

LÊ TRƯỜNG AN