Chuyển biến y tế cơ sở ở Đại Lộc
Sự nỗ lực, phấn đấu của công chức, viên chức lao động Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc trong công tác y tế dự phòng và khám chữa bệnh đã góp phần quan trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Người dân đến đăng ký khám chữa bệnh tại phòng khám đa khoa Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc. Ảnh: K.KIÊM |
Chăm lo phòng bệnh
Những buổi tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh Trường THCS Phù Đổng (xã Đại Hồng), phòng chống dịch bệnh tại các trường THPT Đỗ Đăng Tuyển (xã Đại Thắng), THPT Lương Thúc Kỳ (thị trấn Ái Nghĩa) hay THCS Nguyễn Du (xã Đại Quang) là hoạt động nổi bật về truyền thông tư vấn sức khỏe, cách thức phòng bệnh mà Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc thực hiện năm 2018. Hàng chục lượt truyền thông lưu động, hoặc qua mạng lưới truyền thanh cấp huyện và xã được tiến hành. Tại các buổi tư vấn, giải đáp, người dân phần nào nắm bắt được kiến thức về cách phát hiện, phòng chống và điều trị các bệnh mãn tính không lây, suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, các vấn đề về tiêm chủng mở rộng… Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc - ông Võ Hồng Hải cho biết, lớp tập huấn truyền thông giáo dục sức khỏe cho 40 cán bộ y tế xã, khoa phòng và lớp tập huấn khác liên quan đến truyền thông phòng chống dịch bệnh cho 70 nhân viên y tế thôn, bản cũng được tổ chức. Truyền thông giáo dục sức khỏe triển khai theo tháng, quý với chủ đề cụ thể góp phần nâng cao nhận thức nơi nhân dân về bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng.
Tuân thủ phương châm “phòng hơn chống”, Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc đã sớm tham mưu UBND huyện ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, lập kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A H5N1, vi rút Zika… Đặc biệt, đơn vị triển khai giám sát 6 ổ dịch cũ sốt xuất huyết tại 6 địa phương; diệt bọ gậy, xử lý hóa chất tại các hộ thôn Xuân Đông (xã Đại Thắng) và Trường Mầm non Đại Thắng. Nhờ dự báo, giám sát và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh kịp thời, kết quả năm 2018 không để xảy ra ca tử vong do dịch trên địa bàn. Người dân xã Đại Đồng cũng chủ động tham gia các buổi tuyên truyền tư vấn chăm sóc sức khỏe triển khai tại địa phương. Trạm trưởng Trạm y tế xã Đại Đồng - bà Võ Thị Kim Vân cho biết, truyền thông giáo dục sức khỏe phát huy tác dụng khi hơn 95% hộ nắm được kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho bà mẹ, trẻ em tại gia đình và cộng đồng; phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A (H5N1 và H7N9), bệnh tả. Trạm phối hợp vận động nhân dân xây dựng, cải tạo 3 công trình vệ sinh, nâng tỷ lệ hố xí hợp vệ sinh lên 99,2%, nhà tắm hợp vệ sinh 98,8%, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh 98,7%; xử lý rác, phân gia súc đúng quy định đạt 95%.
Nhiều chuyển biến
Ngoài Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Đại Lộc, đầu năm 2019, Phòng khám khu vực vùng A (trực thuộc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam) cũng được sáp nhập và do Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc quản lý. Đến nay, đơn vị có tổng cộng 170 công chức, viên chức lao động (trạm y tế chiếm 90 người). |
Đầu năm 2016, Trạm y tế xã Đại Đồng có 2 tầng kiên cố, gồm 12 phòng chức năng và các phòng phụ trợ khác có tổng diện tích sử dụng hơn 400m2, tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng được đưa vào sử dụng. Qua đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị bệnh ban đầu. Đặc biệt, trạm y tế góp phần hoàn thành tiêu chí số 15 trong xây dựng nông thôn mới của xã Đại Đồng. Theo bà Võ Thị Kim Vân, vườn thuốc nam tại trạm được trồng đủ 60 loại cây thuốc mẫu theo quy định của Bộ Y tế; tỷ lệ bệnh nhân khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền đạt hơn 31% số bệnh nhân đến khám và điều trị.
Hoàn thành tiêu chí số 15 về nông thôn mới vào năm 2016, Trạm Y tế xã Đại Hòa tiếp tục duy trì, giữ vững thành quả này liên tục 2 năm sau đó. Việc thực hiện quy tắc ứng xử và thay đổi thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh luôn được quan tâm. Trạm trưởng Võ Văn Bảy chia sẻ, năm 2017 đơn vị cập nhật và triển khai sử dụng quản lý hồ sơ sức khỏe phần mềm điện tử… Riêng năm 2018, tổng số lần khám bệnh chung đạt 11.934, số lần khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chiếm 7.177 lượt người. “Người tàn tật tại cộng đồng được chúng tôi quản lý và có hướng dẫn một số bệnh nhân tập phục hồi chức năng” - ông Võ Văn Bảy nói.
Giám đốc Võ Hồng Hải cho biết, trung tâm chú trọng phát huy và sử dụng có hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe; khâu giáo dục y đức, tiếp đón, hướng dẫn tư vấn, ứng xử đều hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Vì vậy, các trạm y tế xã, thị trấn và phòng khám đa khoa tại trung tâm duy trì tốt khám điều trị, sơ cấp cứu ban đầu, xử trí và chuyển lên tuyến trên kịp thời và không để sai sót chuyên môn. Tính riêng năm qua, phòng khám đa khoa thực hiện 39.517 lượt khám bệnh, trong đó khám bệnh bảo hiểm y tế 39.348 lượt (đạt 103,55% kế hoạch giao). Các trạm y tế xã và thị trấn đón 124.506 lượt người đến khám bệnh (bảo hiểm y tế 94.018 lượt). Hướng đến tương lai, Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, truyền thông dân số và kế hoạch hóa gia đình, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, mở rộng khám chữa bệnh đông y và phục hồi chức năng… Để chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, đơn vị mong muốn được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhất là xây dựng lại các trạm y tế xã Đại Chánh và Đại Tân hiện đã xuống cấp nặng…
KHẢI KHIÊM