Bài ca người lính thợ
Nhiều năm qua, những người lính thợ Đội thi công xây dựng số 1 (Xí nghiệp 260, Đoàn kinh tế quốc phòng 206, Quân khu 5) thầm lặng góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê...
Một cung đường cơ động của lính thợ Đoàn 206. |
Địa bàn hoạt động của Đội thi công xây dựng số 1 trải dài từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đến hết dải đất Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào. Tham gia khảo sát, làm đường tuần tra biên giới, cắm cột mốc, xây trường học, dựng nhà tình nghĩa… ở vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn là nhiệm vụ chủ yếu của đội. Có những công trình, để đảm bảo tiến độ thời gian, đội phải làm cả ca đêm, vừa bạt núi, mở đường công vụ cho các loại xe ben, máy xúc ra vào, vừa băng rừng, lội suối đến các bản làng tìm thuê lao động phổ thông. Vất vả nhất là những công trình nằm ở khe sâu hay đỉnh núi cao, toàn bộ vật tư, trang bị thi công đều phải dùng sức người gùi, vác. Thế nên, mỗi bao xi măng, xẻng cát, cây đinh, xô nước khi tập kết đến công trình đều được lính thợ trân quý và sử dụng rất tiết kiệm.
Thiếu tá Nguyễn Minh Tâm - Đội trưởng Đội thi công xây dựng số 1 nhớ như in lần chỉ huy các lực lượng lội rừng đi khảo sát địa hình, phục vụ công tác phân giới cắm mốc trên địa bàn huyện Tây Giang cách đây không lâu. Khe suối cạn mọi người vừa đi qua lúc sáng, đến khi tối muộn quay về đã bị nước lũ dâng cao, chia cắt. Để đảm bảo an toàn cho người và các trang thiết bị chuyên dụng mang theo, anh lệnh cho cả đội tạm dừng, tìm chỗ cao ráo mắc tăng võng, thổi cơm ăn, đợi nước rút đến ngang ngực mới cho anh em vượt suối. Mới đây nhất, khi thi công Điểm trường Tiểu học Khe Chữ (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My), hai chiếc xe ben của đội bị sa lầy ngay cung đường hiểm trở, một bên vách đứng cheo leo, bên kia vực sâu hun hút, đội phải huy động máy xúc, máy kéo và nhân công từ công trình cách đó hàng chục cây số quay ngược lại trợ giúp.
Quanh năm ăn rừng ngủ núi, cuộc sống tạm bợ trong những mái nhà tôn chật hẹp đã quá quen thuộc với những người lính thợ. Mùa mưa bão, quần áo ẩm ướt, đường đi sạt lở nên nhiều khi cả tuần các anh không có nổi một bữa ăn tươi. Khổ nhất là vào mùa khô, nước sinh hoạt khan hiếm, có lúc phải dùng xe bồn đi cả chục cây số để mua nước. Thế nhưng, vượt qua tất cả, tinh thần lạc quan, yêu đời vẫn luôn ngập tràn. Thi công các công trình lớn, thời gian dài, các anh đều mở đất trồng rau, nuôi gà cải thiện.
Giữa núi rừng, không sóng điện thoại, ti vi, radio nên sau bữa cơm chiều, họ thường trò chuyện để thời gian qua mau. Gần 13 năm gắn bó với cái bay, xô vữa, anh Lê Doãn Mát - lao động hợp đồng, tổ trưởng thi công được anh em, đồng đội đánh giá rất cao bởi đức tính cẩn thận, chịu khó, trách nhiệm trong công việc. Thế nhưng nay đã ngoài 40 tuổi mà anh vẫn chưa có gia đình, bởi tính chất công việc nay đây mai đó. Hạnh phúc của những người lính thợ là niềm vui trong công việc, góp công sức nhỏ bé góp phần thay đổi nhiều làng quê, nhất là vùng sâu vùng xa nơi đơn vị đi qua. Sau kỳ nghỉ tết, những người lính thợ Đoàn 206 lại hăng hái lên đường đến những vùng đất mới với khát khao cống hiến, dựng xây.
NGUYỄN TRỌNG AN KHANG