Nghĩ về trò chơi dân gian

NHƯ QUỲNH 25/02/2019 05:51

Xét trên nhiều khía cạnh, trò chơi dân gian là một nét văn hóa có giá trị, ảnh hưởng tích cực và cần thiết đến đời sống tinh thần của nhân dân, nhất là với trẻ thơ. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển thì con người lại có xu hướng quên mang theo những giá trị văn hóa đi cùng. Những giá trị văn hóa tinh thần vì thế mà biến đổi, dần dần mất đi, không loại trừ trò chơi dân gian. Ngày nay, trò chơi dân gian trở nên hiếm thấy và ít bắt gặp trong đời sống, không phải vì bản thân nó tự mất đi giá trị mà vì xã hội đang dần quên đi giá trị hữu ích của nó.

Trẻ em chơi rồng rắn lên mây. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trẻ em chơi rồng rắn lên mây. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Trong cuộc sống hiện đại, hình thức giải trí của trẻ em và cả người lớn đều theo xu hướng “công nghệ hóa” như game, máy tính, điện thoại thông minh... Thậm chí trẻ em ở các làng quê hiện nay cũng rất hiếm quây quần để chơi các trò bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, ném banh, nhảy dây, ô ăn quan… Ngày nay, trò chơi dân gian hầu như chỉ xuất hiện trong các lễ hội, sự kiện, nhưng cũng chỉ là hình thức, thú tiêu khiển cho du khách mà thôi. Bên cạnh đó, trẻ em ngày nay không còn thích những trò chơi dân gian là do sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí hiện đại như phim ảnh, games trên internet. Ngoài ra, các em không còn nhiều khoảng không gian sinh hoạt chung với nhau vì mỗi nhà đều “kín cổng cao tường”, sân chơi trường học thì bị thu hẹp do đô thị hóa; hay do không còn thời gian vì phải theo lịch học hè, học thêm dày đặc… Khía cạnh khác cũng cần nói thêm là những bậc phụ huynh ngày nay đã không còn hướng con trẻ đến những điều thú vị, bổ ích mà những trò chơi truyền thống mang lại, cũng như không tạo điều kiện để chúng có thể tham gia những trò chơi đó... Trước thực trạng trên nhiều người cho rằng trò chơi dân gian, nhất là những trò dành cho trẻ em đang đứng trước nguy cơ mai một.

Thực tế cho thấy, việc hướng giới trẻ quay về với văn hóa giải trí dân tộc không phải là một bài toán dễ, nhất là khi công nghệ đã và đang tác động quá sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, việc bảo tồn và duy trì trò chơi dân gian trong các lễ hội dường như chưa đủ để hấp dẫn con trẻ. Có một điều thú vị khi đến Hội An chúng tôi còn thấy được trò chơi dân gian được biểu diễn như trò chơi bịt mắt đập nồi, đi cầu kiệu, đập trống, ném vòng… Tuy nhiên, không gian văn hóa ấy cũng chỉ là trình diễn nhằm phục vụ du khách, với mục đích kinh doanh chứ không phải là dạy trẻ em tìm hiểu về giá trị văn hóa truyền thống.

Để có thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa này thì gia đình, nhà trường và xã hội nên tổ chức, phổ biến để các em được tiếp cận, vui chơi những trò chơi dân gian nhiều hơn. Bởi đây không chỉ là phương thức giải trí lành mạnh cho trẻ em mà còn là một phần của bản sắc văn hóa dân tộc.

NHƯ QUỲNH

NHƯ QUỲNH