Sóng vỗ Sơn Trà
Chỉ còn tiếng sóng vỗ và gió. Phía xa kia, những ồn ào lấp lánh của phố thị dường như không chạm tới, họ sống một đời sống khác, một hành trình khác. Những con thuyền dong tấm lưới mành lớn trước mũi, thi thoảng lóe lên ánh đèn pin. Đêm ròng săn lộc biển, nụ cười ấm lại những khuôn mặt đã sạm nắng gió, với mẻ ruốc biển đầu năm ngay dưới chân Sơn Trà (TP.Đà Nẵng).
Chợ ruốc họp vào mỗi sớm mai, ngay bên mép biển. Ảnh: T.C |
1. Anh Thành hẹn tôi nơi mép biển. Phía sau lưng, là ồn ã những hàng quán, thanh âm đã thành quen thuộc. Tôi nhảy lên chiếc thúng chai, hướng ra biển. Chiều vừa tắt. Quen với sóng, anh Thành chỉ mất ít nhịp chèo, chúng tôi đã ra đến tàu, nổ máy, chạy về phía mũi bán đảo Sơn Trà. Đặc quánh mùi biển và bóng tối xung quanh.
Nơi đánh ruốc, thứ đặc sản của biển Sơn Trà, cách bờ chừng chục hải lý. Anh Thành chỉ tay, một mành lưới lớn treo trên hai cây sào dài chừng hơn chục mét căng theo gió lướt qua, in bóng trên vệt sáng hắt lên phía phố. “Giàn lưới trủ. Thuyền cứ chạy dọc biển, cứ thấy luồng ruốc thì hạ lưới, vừa xúc vừa chạy. Cất lên, hạ xuống, nhìn thì đơn giản, nhưng không phải dễ ăn. Cứ ngó sóng lắc như ri, thì hiểu” - giọng anh Thành vang, át tiếng động cơ đang gầm gào trên mặt biển. Tôi ngó xung quanh, có hàng chục chiếc tàu giương mành lưới đang quần đảo khắp một vùng. Loang loáng ánh đèn pin. Những ánh đèn pin không chỉ soi đường, ngó sóng, mà còn giúp những ngư dân như anh Thành nhìn xuyên mép sóng, thấy luồng ruốc di chuyển. Một cuộc “rượt đuổi” giữa biển. Con ruốc lọt vào mành, trôi vào đáy trũi. Cứ thế, những con tàu di chuyển liên tục suốt đêm. Mành lưới nhấc lên khỏi mặt nước, có khi thu về cả chục ký ruốc. Tất nhiên, cũng có cả những lần không đầy một vốc tay.
Mùa ruốc năm nay đến sớm. Anh Thành và những ngư dân ở dưới chân Sơn Trà đã ra khơi từ ngày mùng 3 tết. Hai năm, con ruốc mới quay lại vùng biển này. Năm ngoái, không hiểu vì lý do gì mà vắng bắt ruốc, ngư dân thất thu nguồn lộc biển. Đầu năm mới, ngó ruốc xuất hiện dày đặc ở gần bờ, tết chưa lắng, ngư dân đã chộn rộn ra lộng. Một chuyến, có thể kéo dài cả đêm. Những ngày đầu trúng ruốc, chừng vài ba giờ tàu đã quay vào bờ, bán ngay cho thương lái rồi lại ra biển, chạy hai ba chuyến một đêm. Lãi ròng tiền triệu. Anh Thành nói, nghe chừng thiệt, rằng không được chừng nớ thì còn lâu mấy ông mới rời chén rượu mà đi cả đêm ngoài biển, khi nhà nhà vẫn còn ăn nhậu, người người du xuân. Xung quanh tôi, có một cuộc “hội ngộ” khác giữa biển. Chỉ khác, ở nơi này, tiếng chào nhau chừng như tan mất giữa ngàn con sóng…
Trái với những rộn rã của các con tàu săn ruốc bằng mành ngoài biển, phía gần bờ, là cuộc đợi chờ suốt đêm về sáng. Ngư dân neo thuyền thúng, đặt lưới quây chìm sâu dưới đáy nước, thắp đèn suốt đêm. Ruốc theo ánh đèn tìm tới, quanh quẩn kiếm ăn quanh ánh đèn. Bốn giờ sáng, ngư dân cất lưới. Cả đêm, gói trọn hy vọng vào chừng mười lăm phút thu lưới. Ba người đứng trên thúng, cẩn thận kéo từng tấc lưới, rũ cho ruốc trôi dần xuống đáy. Trúng mùa, một đêm có thể thu được vài chục ký đến vài tạ. Ruốc tươi có hình dạng và màu sắc như con tép, nhảy lách tách trong đáy lưới. “Mùa ruốc có thể kéo dài đến tháng 3. Có những gia đình ngày mùng 1 tết đã ra khơi lấy lộc. Mùa nào thức nấy, chúng tôi sống nhờ biển. Mùa này, là ruốc” - anh Lê Minh Trí, ngư dân phường Mân Thái (Sơn Trà) nói.
2. Dưới ánh đèn soi ruốc, vùng nước ánh lên một màu xanh ngọc. Tôi để ý kỹ, chỉ có vài con ruốc nhỏ li ti nhẩn nha quanh ánh đèn. Như để giải thích cho cách đánh bắt đặc biệt này, anh Thành dùng thúng nhỏ bơi xung quanh bẫy ruốc, lôi từ đáy nước phần “đụt lưới”, là chóp đuôi của mành lưới được buộc thêm viên gạch nặng cho chìm sâu dưới đáy. Chỉ có dăm ba con ruốc bám vào thành lưới. Bây giờ, đã gần nửa đêm. “Nhiều năm trước, chỉ cần độ vài giờ đã nhấc lưới một lần, rồi lại ngâm. Nhưng giờ thì khác. Có năm, như năm ngoái, ruốc không xuất hiện. Rất lạ. Chúng tôi không phải là nhà khoa học, chỉ đánh bắt dựa theo kinh nghiệm, và theo… biển. Biển giã bây giờ cũng khó lắm. Được chừng nào thì nhờ chừng đó” - anh Thành kể. Người đàn ông đã có hơn hai chục năm gắn liền với biển bỏ dở câu chuyện. Sự im lặng của anh, như một thông điệp. Tôi nhớ, đận về bãi ngang Tam Tiến ở Núi Thành, theo ngư dân đi chụp mực, bốn lần thả lưới chụp, chỉ có mẻ cuối cùng may mắn bù được “tiền tổn” (chi phí) của một chuyến đi. Cũng là một sự im lặng tựa như anh Thành bây giờ, khi kể về nghiệp biển. Họ chấp nhận như quy luật của một cuộc chơi - có được, có mất. Lúc thắng, và cả những lúc trắng tay. Nhưng, đã là nghiệp, họ cứ thế dong thúng, dong ghe ra biển mang theo niềm hy vọng. Như cái cách họ đương đầu với sóng và gió, nơi đó vẫn là miền đất hứa. Ngư dân trên con tàu chụp mực mà tôi đã có dịp theo cùng đều rất trẻ. Bạn bè họ, không ít người lựa chọn vào nhà máy, ra thành phố làm thuê và vô vàn việc khác. Anh Thành, người chở chúng tôi đi dọc theo biển Sơn Trà đêm nay, có nhiều hơn một lựa chọn, khi nơi anh sống đã là một thành phố lớn. Nhưng, giữa muôn nẻo mưu sinh, họ đã chọn biển, chọn lấy tự do theo cách của mình.
Ngư dân chong đèn dụ ruốc ở biển dưới chân Sơn Trà. Ảnh: T.C |
Chợ họp ngay sát mép biển, giữa lao xao tiếng sóng buổi sớm mai. Ngan ngát vị ruốc biển giữa bán mua, nói cười, giữa tấp nập người đứng chen chân chờ từng chiếc thúng chở ruốc vào bờ. Tôi nhớ lại khoảnh khắc lênh đênh đêm qua, lúc nhìn về phía bờ, bắt gặp bóng những chiếc mành lưới giương cao. Những chiếc bóng ấy đã chồm lên mặt sóng không biết bao nhiêu lần, lao đi mạnh mẽ, cần mẫn, nhưng cũng đầy cô độc. Sáng và tối, dữ dội và dịu êm. Những con tàu từng đứng trước nguy cơ xóa sổ vào năm 2016, với đề án giảm số lượng tàu cá công suất dưới 20CV. Nhưng, dù nổi nênh với biển, anh Thành, anh Trí vẫn không muốn lên bờ. Họ sẽ sống bằng gì, nếu không là biển. Câu hỏi rơi vào thinh không. Mới đây, chính quyền thành phố vừa phải tạm dừng đề án, vì ngư dân… thất nghiệp. Khoản tiền hỗ trợ đã trôi đi theo cơm áo rất nhanh, và rất nhiều ngư dân không biết giờ đang ở đâu, khi mùa ruốc rộ?
Rời chợ chỉ vài bước chân lên con đường mang tên Hoàng Sa, đã là phố, là thênh thang hàng quán, là cao ốc, nhà hàng… Nhưng ngư dân không ở đó. Làng chài co lại trong cơn lốc đô thị hóa, nhỏ bé và mỏng manh. Những thuyền thúng máy, tàu gỗ… nép mình bên chân sóng, và họ cứ lặng lẽ đi về phía biển, phía của những vô chừng. Họ chọn neo mình với sóng. Đêm trên ngàn con sóng, tôi đã nghe họ kể về ký ức làng chài, về những phen vẫy vùng biển giã, về mùa ruốc mà chỉ cần hạ lưới là đen đặc mành… Ký ức đó đã xa dần rồi. Và họ, có lẽ, cũng đang dần thành ký ức. Ngay cả bây giờ, muốn xuống biển, nhiều người phải băng qua san sát nhà cao tầng, băng qua dòng người xe. Và những dự án chực chờ nuốt biển. Biển, không còn trong một tầm tay. Biển, đã lọt vào một tầm nhìn khác.
Săn ruốc. Hành trình kiếm tìm và rượt đuổi, hay lặng lẽ đợi chờ, gom nhặt từng con ruốc biển nhỏ nhoi giữa đại dương muôn trùng. Đêm không dài, khi nhiều người trong số họ chỉ có quãng nghỉ ngơi đúng bằng một điếu thuốc cháy giữa màn đêm đen đặc. Tôi không kịp nghe họ kể về bao nhọc nhằn giữa màn đêm đen và những con sóng. Xấp xỉ một triệu đồng, nếu may mắn, cho một đêm ròng giữa biển trong mùa ruốc. Nhưng còn đó rủi may. Lộc biển, càng không là vô tận.
Hừng đông lên rồi. Đỏ rực trên mặt biển, và trên cả những nong ruốc đang vào bờ. Đã có rất đông thương lái chực chờ nơi bến. Tôi gặp một cụ bà đang tỉ mẩn rửa từng rổ ruốc. Đôi bàn tay gân guốc vuốt thành rổ rất gọn, xếp đầy đặn một rổ ruốc tươi roi rói. Ánh lên trên gương mặt đã chằng chịt màu thời gian, là cái cười thật ấm, đầu xuân…
Phóng sự của THÀNH CÔNG