Sinh viên & những cạm bẫy đầu đời
Khi khoác áo sinh viên, sống xa nhà, nhiều bạn trẻ phải đối mặt với vô vàn thử thách trong cuộc sống thường ngày. Và không ít bạn trẻ mất tỉnh táo để rồi trở thành “miếng mồi ngon” của các tệ nạn xã hội...
Các bạn trẻ nhậu nhẹt để thể hiện “đẳng cấp dân chơi”. (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Internet |
Dạo quanh những tuyến đường gần các trường đại học, tôi bắt gặp vô số tiệm cung cấp dịch vụ internet từ bình dân tới cao cấp. Tiếng gõ bàn phím lạch cạch, mùi thuốc lá trộn lẫn mùi mồ hôi của các “game thủ” tạo nên cái mùi tổng hợp khê nồng rất khó chịu khi tôi bước chân vào một tiệm internet gần khu vực Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng. Theo chủ tiệm cho biết, khách sử dụng dịch vụ ở đây hầu hết là các bạn trẻ, trong đó có các bạn sinh viên của các trường đại học lân cận.
Điều đáng nói là nhiều sinh viên nghiện game bỏ học và dành một khoản chi phí không nhỏ để thỏa mãn nhu cầu chơi game online của mình (đầu tư nộp tiền vào trò chơi để nâng cấp trải nghiệm). Họ dành phần lớn thời gian trong ngày để “cắm” ở những tiệm internet, nếu ngày vẫn chưa cảm thấy hả hê, họ tiếp tục chơi xuyên đêm. Với thân hình gầy gò, hai mắt hốc hác, N.T.N, sinh viên một trường đại học chia sẻ với tôi: “Game online trở thành niềm vui thiết yếu mỗi ngày của em rồi, tối nào gặp “đồng đội” cùng “chiến” thì em chơi thâu đêm là chuyên thường”. Là hình thức giải trí tiện lợi, dễ dàng thử qua, lại tốn chi phí không cao (3 - 5 nghìn đồng/giờ sử dụng) nên hầu hết các bạn sinh viên đều không ý thức được tác hại thực sự của game online. Và một khi đã trót “nghiện” game, họ không thể tìm cách để vượt thoát ra được. Ban đầu là chơi để giải trí sau những giờ học chịu nhiều sức ép, xả stress vì những áp lực trong cuộc sống sinh viên, dần dà nó trở thành thói quen và họ bị “nghiện” game lúc nào không hay.
Thực tế cho thấy, tác hại của game online đang ngày càng trở nên đáng báo động bởi nó gây ra nhiều nhiều vấn đề tiêu cực cho những ai lỡ nghiện. Đó là dễ bị lôi cuốn vào các cuộc vui chơi không lành mạnh, tập tành sử dụng các chất kích thích bị cấm. Do cần có sự tỉnh táo để chơi game nên không ít bạn sinh viên đã dùng chất kích thích và rơi vào tình trạng nghiện ngập. Tại các buổi tiệc như sinh nhật, liên hoan của các bạn sinh viên, thường có rượu bia cùng với các chất kích thích như thuốc lá, cần sa, bóng cười… để các “dân chơi” sử dụng với nhau. Đây được xem là những thú vui được nhiều sinh viên ưa chuộng mặc dù những sinh viên này thừa biết đó là những chất gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe.
Nhậu nhẹt tại các quán vỉa hè bình dân cũng là cái mốt mà không ít bạn sinh viên nhiệt tình tham gia để thể hiện mình. Khi trời tối, tôi đi dạo dọc theo các tuyến phố như Yên Khê 2, Nguyễn Tất Thành, Phan Tứ, Ngô Thì Nhậm… ở TP.Đà Nẵng, ở đâu cũng thấy quán nhậu san sát nhau, lúc nào cũng tấp nập khách, trong đó có rất nhiều bạn trẻ là sinh viên các trường đại học. Họ xem việc sử dụng rượu bia là chuyện bình thường. Nguyên nhân khiến không ít sinh viên ngày càng lún sâu vào game online và trượt dài trong tệ nạn nhậu nhẹt, sử dụng chất kích thích bị cấm là do họ thích khám phá thử, thích thể hiện bản thân để chứng tỏ “đẳng cấp dân chơi” với bạn bè. Bên cạnh đó, có nhiều sinh viên phải xa nhà để theo học tại các trường đại học dẫn đến việc thiếu đi sự quản lý, quan tâm của gia đình nên dễ dàng bị kẻ xấu lôi kéo vào các tệ nạn…
NGÔ TÙNG