Lập chốt chặn cát lậu
Trước tình trạng “loạn” bến bãi và phức tạp của tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát sỏi trái phép ở lòng sông Thu Bồn (đoạn qua thị xã Điện Bàn), hôm qua 20.2, lãnh đạo chính quyền tỉnh đã thị sát và làm việc với địa phương nhằm lập lại kỷ cương, siết chặt quản lý trong hoạt động khoáng sản.
Lập trạm chốt chặn trên sông Thu Bồn, đoạn qua thôn Cẩm Đồng, xã Điện Phong. Ảnh: T.H |
“Điểm nóng” trước và sau tết
Lợi dụng sự lơ là của lực lượng chức năng, thời điểm trước và sau tết, nhiều đối tượng đã lén lút khai thác, vận chuyển cát lậu trên sông Thu Bồn, đoạn qua thị xã Điện Bàn. Nhiều bến bãi tập kết kinh doanh mua bán cát sỏi ở Điện Phương, Điện Minh, Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) bị đình chỉ hoạt động đã hoạt động trở lại. Khi cơ quan chức năng địa phương, nhất là cán bộ Phòng TN-MT và Đội Cảnh sát kinh tế thuộc Công an thị xã Điện Bàn cứng rắn xử lý thì bị đe dọa, uy hiếp. Điển hình, giữa tháng 1.2019, ông Phạm Ngọc Anh - Phó Trưởng phòng TN-MT thị xã Điện Bàn bị các đối tượng khai thác cát lậu nhắn tin đe dọạ.
Theo báo cáo của UBND thị xã Điện Bàn, từ đầu năm đến nay, địa phương phát hiện 13 trường hợp khai thác cát sỏi trái phép ở lòng sông Thu Bồn, ra quyết định xử phạt hành chính gần 250 triệu đồng. Tại phường Điện Ngọc, dù đã đóng mỏ nhưng thực tế vẫn tái diễn nạn khai thác, mua bán, vận chuyển cát. Đại tá Lê Trung Hai – Trưởng Công an thị xã Điện Bàn thông tin, thực trạng khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Đơn cử năm 2018, địa phương xử phạt 70 vụ liên quan đến khai thác, vận chuyển cát lậu (tăng 50 vụ so với năm 2017). Trên địa bàn có 120 phương tiện ghe thuyền tham gia hút, vận chuyển cát sỏi lòng sông. Cái khó là hiện chưa có vị trí tập kết, neo đậu tài sản vi phạm. Lâu nay các tàu thuyền bị xử phạt hành chính, thường di chuyển về neo đậu dưới cầu Vĩnh Điện nhưng mất an toàn, bởi đã từng xảy ra chuyện đối tượng lén lút lấy lại phương tiện bị tạm giữ. Trước đây Điện Bàn có 19 bến bãi tập kết cát sỏi lòng sông, nhưng nay địa phương tập trung quy hoạch bến bãi lớn ở Điện Ngọc, Điện Minh, Điện Phước… dẫn đến tình trạng các chủ bến bãi, hộ gia đình cá nhân chưa đủ điều kiện cấp phép đã ngang nhiên hoạt động trái phép. Ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở Giao thông - vận tải cho rằng, sở dĩ việc cấp phép bến bãi tập kết cát gặp vướng mắc do lâu nay đơn vị và Sở Xây dựng có cách hiểu không thống nhất về khái niệm bến thủy nội địa.
Lập chốt chặn đường đi cát lậu
Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Minh Hiếu cho hay, song song với kiểm tra, xử lý các bến bãi đã đình chỉ nhưng tái hoạt động, chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành và UBND các xã, phường lập rào chắn hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa để hạn chế việc các phương tiện vận chuyển cát sỏi trái phép ra vào bến không phép. “Các bến bãi đã bị đình chỉ hoạt động nếu tiếp tục vi phạm sẽ không được xem xét bố trí vào khu quy hoạch bến, bãi đã được UBND tỉnh phê duyệt” – ông Hiếu quả quyết.
Bãi tập kết cát ở sông Vĩnh Điện, đoạn qua phường Điện Ngọc. Ảnh: T.H |
Tại lòng sông Thu Bồn thuộc thôn Cẩm Đồng (xã Điện Phong) – cửa ngõ đưa cát lậu ra bên ngoài, địa phương đã lập trạm kiểm soát cát sỏi liên ngành. Trên phương tiện chốt chặn, luôn có 6 cán bộ của ngành công an, tài nguyên – môi trường túc trực 24/24 giờ. Để lực lượng này duy trì thường xuyên, địa phương bố trí 18 cán bộ, chiến sĩ thay phiên nhau chốt chặn trên sông. Theo Công an thị xã Điện Bàn, nếu lập trạm ở cửa ngõ sông này thì gần như kiểm soát được “đường đi” của sa tặc, bởi hầu hết tàu thuyền chở cát lậu qua lại tuyến sông huyết mạch này. Địa phương đề xuất, cần sớm xây dựng hệ thống điện thắp sáng đoạn sông ở Cẩm Đồng và hỗ trợ kinh phí cho cán bộ, chiến sĩ làm việc. Đầu năm nay, UBND tỉnh cho phép UBND thị xã Điện Bàn mua 1 ghe máy vỏ thép gắn động cơ với mức giá tối đa không quá 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách của UBND thị xã để phục vụ công tác quản lý tài nguyên khoáng sản.
Trước kiến nghị của ngành chức năng và chính quyền thị xã Điện Bàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đồng ý hỗ trợ kinh phí cho địa phương xây dựng vị trí lưu giữ tàu thuyền vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển cát sỏi lòng sông; đồng thời xúc tiến nhanh các thủ tục đầu tư xây dựng trạm chốt chặn kiểm soát cát sỏi ở Cẩm Đồng – xã Điện Phong. “Quan điểm trước sau của tỉnh là các bến bãi không có trong quy hoạch bắt buộc phải xóa, nhưng với các bến bãi hoạt động bến thủy nội địa gặp khó khăn về thủ tục cấp phép nếu cho gia hạn thì địa phương cân nhắc lựa chọn vị trí không nhạy cảm; đồng thời quản lý chặt các bến trên bờ” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý.
HỮU PHÚC