Say đất
Từ sau tết, nhiều người quen bỗng chộn rộn rủ nhau đi “lướt sóng”. Theo giải thích của bạn tôi, đó là việc tìm thông tin về các lô đất và mua đi bán lại trong ngày, hoặc mua đất dự án, kiếm lời từ chênh lệch.
Mọi câu chuyện gần như xoay quanh cụm từ “trúng đất”. Ai nghe tiền nhiều cũng dễ ham. Một người bảo trước tết mua 1 lô vùng ven đô Đà Nẵng, chỉ nửa tháng có người trả cao hơn 200 triệu đồng. Người khác nói mua 5 lô đất ở Điện Nam – Điện Ngọc, chênh lệch giờ đã hơn 2 tỷ đồng. Một người nữa nói mua 2 lô đất ở Nồi Rang, chênh lệch nếu bán ở thời điểm này là 500 triệu đồng. Thật – giả thì chưa có gì kiểm chứng được, vì đó chỉ mới là giá “hô hét” trên thị trường và những người này đều… chưa bán. Nhưng nó cũng tạo ra cơn sốt mơ hồ cho những người ngồi nghe. Có người còn tính chuyện gom tiền tiết kiệm, vay tiền ngân hàng để theo bạn đi “lướt sóng”.
Chẳng có ai nói mình mất tiền vì đất. Một người làm nghề môi giới đất khẳng định rằng, giá đất sẽ còn tiếp tục lên trong vòng 2 năm nữa, và nháy mắt đầy ý tứ rủ tôi: “có tiền nhàn rỗi thì hùn đầu tư, chí ít cũng được vài chục triệu mỗi tháng”. Người non gan, không hiểu chuyện gì đang xảy ra trên thị trường bất động sản như tôi thì ậm ừ cho qua. Nhưng bạn bè, nhiều người bạo gan mạnh tiền thì nhanh chóng cuốn vào vòng xoáy.
Hôm 19.2, báo Tiền Phong đưa tin: “Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng vừa lên tiếng cảnh báo khách hàng cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để tránh gặp phải rủi ro trước tình trạng nở rộ giao dịch bất động sản thông qua việc đặt cọc giữ chỗ tại các dự án nhà, đất trên địa bàn thành phố”. Theo khẳng định của sở này, mua đất, nhà theo hình thức “đặt cọc giữ chỗ” là trái pháp luật. Tôi chuyển thông tin này cho vài người quen, ngay lập tức nhận được thái độ phớt lờ, thậm chí là chê bai: “ôi trời, hơi đâu mà nghe. Cảnh báo chỉ là cảnh báo, không theo kịp thực tế đâu”.
Có ai dợm hoang mang khi chấp nhận đặt cọc giữ chỗ? Hay thấy chuyện kiếm tiền dễ mà hào hứng như con thiêu thân lao vào chỗ sáng. Không chỉ là cảnh báo, rất nhiều vụ người đầu cơ và cả người có nhu cầu thực sự về nhà đất lâm cảnh nợ nần, tan gia bại sản bởi không nắm rõ thông tin cũng như quy định của pháp luật từng được báo chí phản ánh. Họ ăn phải bánh vẽ bởi dự án do một nhóm người bắt tay nhau vẽ vời rồi phân lô bán nền, hay sập bẫy vì các dự án nhà/đất chưa đủ điều kiện vẫn mở bán. Nhưng, hình như với người đang say đất, thì đó là chuyện của ai đó không phải mình. Do xui xẻo/chưa gặp thời mà thôi.
Tôi nhớ có lần lênh đênh trên biển gần nửa tháng trời, khi tàu cập bờ, bước chân chạm đất, là say nháo nhào. Đi không yên ổn, ngồi không vững vàng nhưng cơn say đất chỉ âm âm chừng nửa buổi. Còn cơn say đất của những người đang nuôi mộng “làm giàu không khó”, có lẽ chẳng biết khi nào dừng. Hình như, bong bóng bất động sản cứ xì hơi ở chỗ này, dăm ba bữa lại căng phồng chỗ khác…
C.B.L