Những người trẻ ngược chiều

C.B.L 20/02/2019 02:25

Tôi gặp lại Huy tại một quán cà phê ở quê trong dịp tết vừa rồi. Huy hiện là sinh viên năm 3 Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh. Hoàn cảnh gia đình không khá giả, nhưng vì mê nhạc, từ năm lớp 10, Huy xin cha mẹ cho vào TP.Hồ Chí Minh để tự lập học rồi thi vào hệ trung cấp của nhạc viện. Tôi quen Huy trong một lần vào Sài Gòn, được nhóm thanh niên đồng hương dẫn đi dạo phố, ăn uống rất thân tình. Những người trẻ mà tôi gặp hôm ấy tràn đầy năng lượng. Nhiều người trong số họ từng học tại TP.Hồ Chí Minh, ra trường bám trụ ở đây và đang tìm thấy niềm vui trong công việc. Một bạn trẻ nói vui rằng “bọn em sống ở đây chứ không phải tồn tại”.

Huy thì lặng lẽ hơn, cu cậu tới trễ sau một cua dạy thêm về đàn guitar và tâm sự rằng em phải vừa làm vừa học, kể cả học phổ thông mới đủ “sống” như các anh chị. Tôi ấn tượng đặc biệt với phong cách tự tin của Huy, sau đó vào facebook tìm kiếm thì thấy ngay nhóm bạn trẻ này. Họ rất năng đi đứng, hoạt động xã hội và có nhiều trải nghiệm thú vị trong cuộc sống, công việc. Điều ấn tượng nữa là họ viết facebook rất hay, không thấy lỗi chính tả và giữ thái độ điềm tĩnh trước các sự kiện nóng. Hôm ngồi cà phê với tôi, Huy nói nhóm vẫn thế, trước tết có rủ nhau về quê bằng xe máy, nhưng sau đó thì nhiều thành viên không thực hiện. Một mình Huy chạy chiếc cup 50 phân khối từ TP.Hồ Chí Minh về quê, tôi thấy hai bàn tay đỏ ửng vì nắng mà tự dưng xúc động. Trước lúc rời quán, khi tôi đòi trả tiền cà phê, Huy tỏ ra ái ngại và nói “em mời mà” cũng với phong cách rất tự tin.

Những người trẻ như nhóm của Huy mà tôi gặp đang sống rất vui, khỏe và thật đáng mơ ước. Họ có nhiều cơ hội và tích trữ những năng lượng cần thiết cho hành trang cuộc đời của mình. Ngược lại với “diện mạo” của nhiều thanh niên mà tôi thường gặp, dù vẫn xài smartphone hiện đại, viết facebook rào rào, nói năng gân cốt, nhậu liên hồi kỳ trận... nhưng vẫn “nghèo túng” với nhu cầu vật chất và tinh thần của mình. Nhiều thanh niên không có nghề ngỗng gì, vẫn tiêu tiền của gia đình và chơi vơi với định hướng cuộc sống. Họ dễ trở thành những “con mồi” của những tệ nạn đang gây nhức nhối cho xã hội, đặc biệt là sử dụng ma túy - thứ “thần dược” có thể thỏa mãn cơn buồn chán ngay tức khắc và dễ kiếm tiền phi pháp nếu lôi kéo rồi bán cho những thanh niên khác. Hôm qua, báo chí đưa tin lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện hàng chục thanh niên trong một bữa tiệc ma túy tổ chức tại Điện Bàn...

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH vào cuối năm 2018, cả nước có 1.061.500 người không có việc làm, trong đó có 511.200 thanh niên thất nghiệp. Điều đáng nói là dù nhiều thanh niên đã có nghề nhưng không chịu lao động vì cho rằng tiền công một ngày không đủ đi một cái đám cưới, hoặc không đủ mua một thùng bia loại bình dân thì làm chi cho mệt... Tiền bạc đang gây áp lực lớn lên đời sống xã hội, nên dễ nhận ra nhiều thanh niên chơi vơi khi không có việc làm và đủ tiền cho nhu cầu tối thiểu của mình, trong khi họ không phải là đối tượng để nhận được một khoản “phúc lợi” nào!

C.B.L

C.B.L