Nỗi niềm ở một khu dân cư đô thị

TRI KIẾM 19/02/2019 12:01

Tam Kỳ đã lên phố từ lâu, nhà cao tầng, đèn điện, đường sá, các khu đô thị, khu dân cư mọc lên san sát, dân cư ngày càng đông đúc; trong sự phát triển chung ấy, vẫn còn đó những cư dân đô thị sống trong điều kiện của một làng quê đúng nghĩa: đường không nhựa, không bê tông, nhà không số, phố không đèn...

Tổ đoàn kết số 2, khối phố An Hà Nam (phường An Phú).
Tổ đoàn kết số 2, khối phố An Hà Nam (phường An Phú).

Nằm lọt thỏm giữa các khu dân cư An Hà - Quảng Phú với đường láng nhựa phẳng lỳ, điện sáng trưng hàng đêm, một khu dân cư nhỏ với 23 hộ sinh sống nằm dọc theo con đường đất đỏ dài hơn 200m của Tổ đoàn kết số 2, thuộc khối phố An Hà Nam (phường An Phú) là một trong những khu như vậy. Có đến, có ở đây mới cảm nhận được nỗi niềm của người dân. Mỗi khi trời mưa, đường trong khu dân cư lầy lội, trơn trượt; mất điện, hư đường ống nước thì người dân tự mày mò, tự sửa lấy. Nước, điện thì phải kéo dây, ống hơn 500m rồi tự tìm trụ mà mắc lên nên chằng chịt, lùng bùng như ổ nhện; ống dẫn nước thì chôn xuống con đường đất, giăng ngang dọc...

Tâm sự với chúng tôi, ông Trương Công D., một trong những người đầu tiên ra sinh sống ở đây cho biết, cuối năm 1999, sau khi cưới vợ, ông ra làm nhà ở đây, lúc đó khu vực này chỉ có vài cái nhà, xung quanh toàn cây xương rồng, dương liễu, mồ mả và cát trắng. Ông D. nói: “Con đường Lê Thánh Tông bây giờ lúc đó chỉ là những đồng ruộng, bãi cát; còn các khu dân cư trước trụ sở Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Cục Hải quan tỉnh, Khu dân cư An Hà - Quảng Phú chưa có; giờ nhiều khi nhìn qua các bên nứ, rồi nhìn lại nơi mình ở thấy buồn và chạnh lòng lắm. Chỉ mong Nhà nước quan tâm làm cho con đường, bê tông cũng được để đỡ lầy lội vào mùa mưa, bớt bụi vào mùa hè, chứ không mong gì cao xa”.

Ông Phan Quang M. (người dân sống ở địa phương) chia sẻ thêm: “Khu dân cư ni là một những khu dân cư đầu tiên khi phường An Phú được thành lập, mà nó đâu phải xa xăm gì, nằm gần kề ngay đường Lê Thánh Tông, xuống Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, qua trung tâm thành phố có bao xa. Xung quanh các khu dân cư khác đường thì được đổ nhựa, điện, nước thì được dẫn đến tận trước ngõ, còn khu dân cư ni không có gì hết, người quen hay bà con hỏi nhà mi ở chỗ mô, đường chi, chịu không trả lời được, chỉ nói lòng vòng là nó ở chỗ ni, chỗ nớ, chỗ Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đó; đô thị chi lạ rứa”. Còn anh Nguyễn Văn T. (quê Thăng Bình)lấy vợ ở  An Phú, lập nghiệp ở đây thì nhận xét: “Ở thành phố mà còn tệ hơn ở quê, đường không tên, nhà không số, điện, nước tự lo trong khi các nghĩa vụ với Nhà nước thì thực hiện như dân thành phố”.

TRI KIẾM

TRI KIẾM