Kết nối để thúc đẩy du lịch vùng

QUỐC TUẤN 18/02/2019 05:26

Câu chuyện liên kết giữa các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhằm thúc đẩy du lịch vùng tăng tốc đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực sự phát huy tương xứng với tiềm năng.

Ngành du lịch miền Trung - Tây Nguyên đón lượng khách hàng năm rất lớn nhưng thu nhập từ du lịch chưa tương xứng. Ảnh: Q.T
Ngành du lịch miền Trung - Tây Nguyên đón lượng khách hàng năm rất lớn nhưng thu nhập từ du lịch chưa tương xứng. Ảnh: Q.T

Chưa lan tỏa mạnh mẽ

Cuối tuần qua, hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên diễn ra tại TP.Huế với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ và đại diện 19 tỉnh, thành trong khu vực một lần nữa “hâm nóng” vấn đề cũ nhưng vẫn mang tính thời sự này. Là nơi hội tụ đa dạng các nguồn tài nguyên với đầy đủ các loại hình du lịch nhưng ngành du lịch của miền Trung - Tây Nguyên vẫn chưa tạo được sự bứt phá trong bối cảnh thị trường du lịch Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, các địa phương trong khu vực cần liên kết du lịch “biển, hải đảo và rừng núi” để khai phóng và kết nối được tiềm năng giữa vùng phía bắc và phía nam đèo Hải Vân, giữa khu vực duyên hải với khu vực Tây Nguyên.

Thời gian qua, các địa phương trong khu vực đã phần nào tạo được mối liên kết qua các chương trình như: “Con đường di sản”, “Hành trình di sản miền Trung”, “Ba địa phương, một điểm đến”..., qua đó tạo hiệu ứng tốt để kích cầu du lịch. Tuy nhiên, nỗi trăn trở của ngành du lịch vùng nằm ở việc dù đón khoảng 60% tổng lượt khách du lịch của cả nước, trong đó có 9,5 triệu lượt khách quốc tế nhưng thống kê cho thấy miền Trung - Tây Nguyên chỉ chiếm chưa đầy 20% tổng thu nhập từ du lịch của quốc gia. Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam được xem là “mô hình điểm” trong liên kết du lịch vùng với những nỗ lực tham gia các hội chợ quốc tế, chương trình giới thiệu du lịch kết nối đối tác lữ hành… nhưng nhìn chung các địa phương vẫn chưa thoát khỏi việc khai thác “thô” tài nguyên với các sản phẩm du lịch còn tương đối đơn điệu. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam nhìn nhận: “Mối liên kết du lịch giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam đã được xác lập từ năm 2006, tuy nhiên sau 12 năm vẫn còn lỏng lẻo, điều này không chỉ biểu hiện ở cơ quan chức năng mà các doanh nghiệp thậm chí càng lỏng lẻo hơn”.

Chờ khởi nghiệp du lịch

Điều dễ nhận thấy trong bức tranh du lịch miền Trung - Tây Nguyên là tiềm năng của khu vực còn rất lớn và cần sự khai phá hiệu quả. Và để tài nguyên du lịch không bị hoặc hạn chế sử dụng theo dạng “thô” và ít đem lại hiệu quả thì các ý tưởng khởi nghiệp du lịch là điều được khuyến khích. Ông Lý Đình Quân - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Sông Hàn (Đà Nẵng) cho biết: “Khu vực miền Trung nhìn đâu cũng thấy cơ hội khởi nghiệp từ du lịch và đây là thời điểm tốt để chúng ta đánh thức nguồn tài nguyên quý giá này”. Các chuyên gia khởi nghiệp giàu kinh nghiệm cũng đưa ra nhận định về lợi thế lớn trong khởi nghiệp du lịch nếu có ý tưởng đột phá nằm ở việc có thị trường rộng lớn để “thử nghiệm” sản phẩm và có thể thu được hiệu quả kinh tế ngay trong giai đoạn đầu.

Hiện nay tại khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam, khởi nghiệp du lịch bắt đầu được “nhen nhóm” nhờ vào sự năng động của những start-up và các hỗ trợ từ chính quyền địa phương, cơ sở ươm tạo với các dự án như: “Adei House”, “Danang Free Walking Tour”, “Cung cấp khách sạn chất lượng giá rẻ”… Khởi nghiệp du lịch có thể sẽ là một hướng đi để khai phóng nguồn tài nguyên du lịch vô cùng dồi dào ở Quảng Nam, chia sẻ áp lực với hai di sản Hội An, Mỹ Sơn. Tuy nhiên, để làm được điều này thì các start-up sẽ phải tích cực sáng tạo, áp dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm thu hút du khách.

Theo ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, du lịch là một trong những mảng trọng tâm cùng với nông nghiệp dược liệu, cơ khí chế tạo mà Quảng Nam đang khuyến khích các start-up khởi nghiệp. Do vậy, người trẻ hãy mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo các dự án khởi nghiệp du lịch chất lượng để tiếp tục giúp sản phẩm du lịch địa phương ngày càng đa dạng, đặc sắc hơn.

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN