Thủ tướng: Xử lý nghiêm nạn "chặt chém" du khách cùng vấn nạn taxi dù
(QNO) - Nêu lên tình trạng “chặt chém” du khách cùng vấn nạn taxi dù, chèo kéo, mất vệ sinh, thiếu an ninh, Thủ tướng yêu cầu các địa phương xử lý thật nghiêm...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VOV |
Sáng 16.2, tại điểm du lịch nổi tiếng cố đô Huế diễn ra Hội nghị Phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các vị khách quốc tế, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Khu vực miền Trung - Tây nguyên có 19 tỉnh, thành phố, dân số 24 triệu người, có gần 1.900km bờ biển với chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp tầm cỡ thế giới trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Đây là vùng quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam với 12 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế; 10 cảng biển loại 1, trong đó cảng nước sâu Chân Mây, Thừa Thiên - Huế đón được tàu biển lớn nhất thế giới.
Vùng có tiềm năng du lịch sinh thái đồi núi, thác hồ nổi tiếng tập trung ở Tây Nguyên. Ngoài ra còn có 9 vườn quốc gia, 11 di sản văn hóa thế giới. Năm 2018, trong gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, hơn 80 triệu lượt khách nội địa, thì miền Trung - Tây Nguyên chiếm 9,5 triệu lượt khách quốc tế và 56 triệu lượt khách nội địa.
Phát biểu tại hội nghị, dù đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch vùng miền Trung - Tây Nguyên, nhưng nói như PGS-TS. Trần Đình Thiên, “thế mạnh” lớn nhất của vùng lại là mạnh ai nấy làm. Do đó, cần có thúc đẩy liên kết vùng thông qua cơ chế điều phối cấp vùng hiệu quả thay vì rời rạc như hiện nay.
Cùng chung quan điểm này, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, không thể phát triển du lịch theo điểm và địa phận hành chính mà phải phát triển du lịch theo vùng. Một điểm nữa theo TS. Trần Du Lịch, đó là gắn phát triển kinh tế tư nhân với phát triển du lịch.
“Với ngành du lịch, vai trò của kinh tế tư nhân quan trọng hơn. Dường như những con sếu đầu đàn tạo điểm nhấn du lịch là các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Cần chính sách để các con sếu đầu đàn này, các tập đoàn tư nhân trong nước làm du lịch. Nếu tổ chức tư nhân này gắn kết với dân cư, doanh nghiệp nhỏ tạo lan tỏa thì sẽ có thế mạnh ghê gớm đúng nghĩa liên kết phát triển du lịch” - ông Trần Du Lịch nói và cho rằng, một trong những động lực giúp du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ thời gian qua chính là nhờ sự phát triển của các hãng hàng không nước ta.
Ông Don Lam (Quỹ đầu tư VinaCapital) đánh giá, muốn phát triển kinh tế du lịch thì điều quan trọng là phải đầu tư sân bay và mở cửa bầu trời hơn nữa. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng, bên cạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ thì cần thiết lập các đường bay thẳng từ các thị trường tiềm năng đến Việt Nam để thu hút khách quốc tế. Bởi thực thực tế có những chuyến bay thẳng đến Việt Nam, nhưng máy bay đó lại không được phép bay ở nội địa Việt Nam nên khó khăn trong thu hút du khách.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet - bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, Vietjet là hãng hàng không tiên phong mở đường bay tới các sân bay địa phương miền Trung - Tây Nguyên và hiện đã có mặt tại 12 sân bay của vùng, góp phần phát triển du lịch và kinh tế địa phương. Cùng chung kiến nghị tạo thuận lợi hơn nữa về phát triển ngành hàng không, bà cho biết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên để tiếp tục tăng cường tần suất các chuyến bay, xúc tiến mở nhiều hơn các đường bay quốc tế các hoạt động thu hút quảng bá du lịch.
Các đại biểu cũng cho rằng, cần nhanh chóng xem xét miễn thị thực và cấp thị thực điện tử một cách nhanh chóng, vì hiện nước ta miễn thị thực cho công dân 24 quốc gia, trong khi Thái Lan miễn cho công dân 57 quốc gia, Indonesia là 168 và Malaysia 162.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến lễ trao quyết định chủ trương đầu tư và hợp đồng chiến lược. Ảnh: TTXVN |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, miền Trung - Tây Nguyên đủ điều kiện thuận lợi phát triển các cụm ngành du lịch như cụm ngành du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch biển đảo, du lịch di sản, đồi núi, hang động...
Một cụm ngành bao gồm nhiều ngành có liên quan, trong đó trung tâm là tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân tạo, xoay quanh là các dịch vụ ăn uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí. Ngoài ra, còn có các ngành cung cấp các yếu tố đầu vào, các dịch vụ hỗ trợ có liên quan như tài chính ngân hàng, bảo hiểm; cung cấp các sản phẩm của địa phương, quản lý tài sản, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, an ninh an toàn. Và như vậy, một cách đặt vấn đề là phát triển cụm ngành đồng bộ chứ không phải lấy tài nguyên du lịch một cách đơn thuần.
Tán thành với nhiều đại biểu, Thủ tướng cho rằng, tài nguyên du lịch của miền Trung - Tây Nguyên vẫn là “viên ngọc thô”, chưa tìm được người “thợ kim hoàn” xứng đáng. Việc có nhiều tài nguyên du lịch đôi khi lại là một bất lợi, khiến khó tìm được một bản sắc, sự nhận diện thương hiệu, lưỡng lự trong lựa chọn ưu tiên, kể cả ưu tiên đầu tư trong bối cảnh nguồn lực có giới hạn...
Thủ tướng cũng chỉ ra các tồn tại trong phát triển du lịch của vùng, như đang có sự mất cân đối, thiếu sâu sát, nhạt bản sắc hoặc sắc thái chưa ấn tượng; thiếu một kiến trúc du lịch mang bản chất du lịch Việt Nam một cách rõ nét. Chất lượng dịch vụ và năng lực phục vụ của các cơ sở lưu trú, các khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách, nhất là khách hạng sang, cao cấp.
Nêu lên tình trạng “chặt chém” du khách cùng vấn nạn taxi dù, chèo kéo, bán hàng rong, mất vệ sinh, thiếu an ninh, Thủ tướng cho rằng, điều này ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch Việt Nam và yêu cầu các địa phương xử lý thật nghiêm.
Cho rằng, ngành du lịch còn chậm đổi mới cả nội dung và hình thức, Thủ tướng nêu ví dụ, từ rất lâu đã nghe về con đường di sản miền Trung dù đã rất thành công nhưng dường như ngành du lịch đang “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Về định hướng phát triển du lịch vùng miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, Thủ tướng chỉ đạo, ngành du lịch tiếp tục trả lời cho được 5 câu hỏi mà Thủ tướng đã nêu ra năm 2016.
“Thứ nhất là làm thế nào để du khách tìm đến Việt Nam đông hơn; thứ hai, làm thế nào du khách ở lại lâu hơn; thứ ba, làm thế nào để du khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu. Chủ tịch, bí thư phải quan sát xem du khách họ mua gì, tâm lý ra sao để họ tiêu thụ sản phẩm. Thứ tư, làm thế nào để du khách kể lại câu chuyện thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi thay vì chê bai, kể điều gì đó xấu ở Việt Nam; thứ năm, làm thế nào để du khách quay trở lại sớm nhất có thể chứ không phải một đi không trở lại. Tôi báo động là so với một số nước bên cạnh chúng ta, số du khách quay trở lại Việt Nam là thấp” - Thủ tướng cho biết.
Nhắc lại việc tổ chức hội nghị phát triển du lịch toàn quốc tại Hội An năm 2016, Thủ tướng cho biết, đó là bởi Hội An là nơi thực hiện tốt việc phát triển du lịch cộng đồng, người dân luôn thân thiện, mến khách. Nêu lên điều này, Thủ tướng nhấn mạnh đến phát triển du lịch cộng đồng, lấy con người làm nhân tố phát triển du lịch bền vững.
Cùng với đó là cần thay đổi cách quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam, đặc biệt không có cách nào hiệu quả hơn là quảng bá hình ảnh mỗi người dân Việt Nam là một đại sứ du lịch. Cùng với đa dạng hóa sản phẩm du lịch là chú trọng phát triển các sản vật địa phương, các sản phẩm du lịch gắn với sinh kế của người dân.
“Cùng với các sản phẩm bản địa, ngành du lịch phải suy nghĩ để đưa văn hóa bản địa đến với du khách một cách sâu đậm, ấn tượng hơn, cùng dấu chân du khách lan tỏa trên toàn thế giới. Đông khách nước ngoài đến với Sa Pa không phải chỉ vì khí hậu tốt, mà cái chính là họ muốn xem đời sống sinh hoạt, văn hóa, ẩm thực, chợ tình Khâu Vai... như thế nào. Còn ở đây (miền Trung - Tây Nguyên) các địa phương đều có văn hóa của mình. Hãy thổi hồn vào các câu chuyện văn hóa lịch sử của đất nước. Nơi đây có nhiều di sản, di tích, mỗi nơi có một đặc điểm. Mà đặc biệt với miền Trung cần phát triển du lịch cộng đồng homestay để đưa thế giới gần với người dân hơn, đưa văn hóa bản địa ra thế giới, tạo thu nhập cho người dân tốt hơn” - Thủ tướng chỉ đạo.
Tán thành với các chuyên gia về vai trò của các tập đoàn kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, thành quả phát triển của du lịch miền Trung - Tây Nguyên có vai trò đóng góp quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp lớn mà phần lớn có mặt tại hội nghị này. Trong đó có các thương hiệu như Sungroup, Vingroup,... các hãng lữ hành, đặc biệt là 4 hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines, Vietjet, bởi 80% lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam qua đường hàng không. Phải tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng giữa các hãng hàng không, tạo thuận lợi cho các hãng hàng không phát triển. Với thực tế đó, Thủ tướng mong muốn các tập đoàn lớn tiếp tục chung tay đồng hành cùng Chính phủ và các tỉnh phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên.
Bên cạnh việc cần đầu tư mạnh mẽ hơn hạ tầng phát triển du lịch, Thủ tướng cho rằng, các địa phương tránh đầu tư phát triển du lịch theo phong trào, tránh tình trạng tỉnh nào cũng làm chợ đêm, tổ chức lễ hội. Các hãng lữ hành không chỉ chú trọng đến khách du lịch hiện có mà phải quan tâm thu hút khách du lịch tiềm năng có khả năng chi trả cao như châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ, Trung Quốc... Ngành du lịch cần nghiên cứu lập danh sách công dân ưu tú ở các nước để tạo thuận lợi hơn như cấp thẻ xanh cho họ.
Thông tin việc Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân 24 nước, visa điện tử 57 nước, Thủ tướng cho biết vừa ký nghị quyết áp dụng visa điện tử thêm 34 nước. Như vậy đến nay đã có 105 nước và vùng lãnh thổ Việt Nam áp dụng visa điện tử.
(Theo VOV)