Người kể chuyện phố cổ
Có lẽ cũng chẳng ngoa khi chọn một chỗ đứng cho người làm văn hóa Hội An như Nguyễn Chí Trung bằng danh xưng: người kể chuyện phố cổ. Ông lặng lẽ tìm kiếm, viết lách, lưu giữ... muôn điều của phố Hội bằng con đường rất riêng của mình.
Nguyễn Chí Trung. Ảnh: NVCC |
Một quãng thời gian nữa thôi, ông sẽ dừng công việc quản lý ở Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An. Nhiều người tiếc, trong đó đặc biệt là cánh báo chí. Bởi mỗi khi di sản có “vấn đề”, chỉ cần gọi điện thoại, Nguyễn Chí Trung sẵn sàng dành hẳn vài tiếng đồng hồ để trao đổi cho thật thấu đáo.
Vàng son đô thị
Thử kiểm đếm lại những tác phẩm nghiên cứu văn hóa, lịch sử của đất Hội An, hầu như Nguyễn Chí Trung đều tham gia. Đào tạo bài bản về ngành sử học, lại là cư dân Hội An, Nguyễn Chí Trung hiểu cặn kẽ từng con đường, góc phố, từng đầu hồi nhà, từng cội rễ lịch sử của mỗi một di tích. Nên hẳn Hội An mới có thể còn đó vẹn nguyên những chỉ dấu vàng son của từng thời đoạn, nhờ những người tâm huyết như ông. UNESCO xem vùng di sản này như một trong những điển hình của câu chuyện bảo tồn di tích. Thì đó, ít nhiều có sự tham gia nhiệt thành không nề hà của những lớp người làm văn hóa như Nguyễn Chí Trung. Học hàm học vị ông đủ để gọi nên một danh xưng khá dài dòng. Nhưng với người phố cổ, người Hội An sau này, ông giản dị là một người thích lắng nghe, góp nhặt nhiều ý tưởng từ cư dân trong vùng di sản, người ưa tìm đến với những ông bà lão trọng tuổi để cà kê chuyện xưa phố Hội. Đồng thời, Nguyễn Chí Trung cũng là người thẳng thắn đưa ra những ý kiến không đồng nhất với chính quyền để có quyết sách về bảo tồn di tích hay dựa trên di tích để phát triển kinh tế du lịch không phải “có lỗi” với tiền nhân.
Ở vai trò người nghiên cứu, rồi quản lý chuyên môn về bảo tồn di sản, Nguyễn Chí Trung có đóng góp lớn vào việc dựng lại những lớp lang của lịch sử trong các công trình nghiên cứu. Để từ đây, những cứ liệu này góp phần giúp cho câu chuyện trùng tu di tích không đi vào vết xe đổ của nhiều đô thị di sản ở Việt Nam. Và tên gọi Hội An gần như là một thương hiệu bảo chứng cho câu chuyện phát triển từ vàng son quá khứ, cho cái tinh thần trân trọng nâng niu giá trị truyền thống, thì hiện tại và tương lai sẽ có những bước đi rất dài.
Và trong cả quãng đường làm về bảo tồn của mình, Nguyễn Chí Trung vẫn cứ đau đáu câu chuyện về thế hệ kế cận. “Giữ một di tích trọn vẹn thì buộc người quản lý phải có động thái kín kỹ, phải trang bị đủ kiến thức chuyên môn về văn hóa lịch sử và kỹ thuật hiện đại. Những kiến thức cũ có thể sẽ còn phù hợp trong nhiều đoạn thời gian, nhưng trong tiến trình đô thị hóa, đặt nó vào hoàn cảnh mọi thứ đều biến đổi, nhưng anh vẫn giữ cách nghĩ cũ, thì có thể nó sẽ không còn phù hợp. Điều này đòi hỏi thế hệ mới cần phải năng động hơn. Hội An, quá trình phát triển đã và sẽ tiếp tục làm biến đổi khu đô thị này, buộc thế hệ tiếp theo sẽ phải biết cách làm gì để đưa ra những giải pháp giảm thiểu sự biến đổi theo hướng tiêu cực. Người lớp trước, người lớp sau phải chung lưng mà nghĩ, với trách nhiệm của một cư dân đô thị cổ, để tìm kiếm giải pháp” - Nguyễn Chí Trung bộc bạch. Và từ nếp nghĩ này mà đã có rất nhiều nhóm nghiên cứu trẻ ra đời, từ tư liệu Hán Nôm đến từng mảng miếng của phố Hội được chia sẻ cho người trẻ hơn, để ghi nhặt và cùng giữ gìn.
Ở Hội An... thì nên là người Hội An
“Thật tình mỗi khi có dư luận không hay về Hội An thì mình buồn chứ. Nhưng đúng là bây giờ, ở các khu phố cổ - phố kinh doanh, rất khó tìm được cư dân gốc. Chủ yếu là những người thuê nhà để kinh doanh. Không còn con người chiều sâu. Trước sự va đập, biến đổi của phố thị, thay đổi kết cấu dân cư đô thị cũng là điều tất yếu. Bạn biết tại sao Hội An được gọi là một “bảo tàng sống”? Bởi cái giá trị “bảo tàng sống” nằm trong lịch sử kiến trúc, lịch sử dân cư đô thị và những sinh hoạt đời thường vẫn còn diễn ra trong không gian của “khu bảo tàng”. Nó sống là vì vậy” - Nguyễn Chí Trung nói. Nhắc lại câu chuyện của hơn 400 năm trước, thì đúng Faifoo là nơi hội tụ. Thời các chúa Nguyễn đã bố trí thương nhân Nhật, thương nhân Hoa ở đâu. Sự hội tụ dân cư đã có từ lịch sử. Và hiện tại, Hội An cũng đang lặp lại quá trình hội tụ đó. Ông cho rằng: “Vấn đề bây giờ, nếu nói theo ngôn ngữ của văn bản, thì Hội An, trong khu vực phố cổ, những người mang hộ khẩu thường trú thì trở thành tạm trú, và người tạm trú thì lại là thường trú. Chính vì vậy, phải xem những người tạm trú - người đang kinh doanh trên phố, như một công dân Hội An và buộc họ phải có trách nhiệm với Hội An”.
Hội An với những nét riêng từ vàng son quá khứ. |
Sự phát triển là tất yếu, không thể ngăn cản chủ sở hữu di tích cho thuê nhà, hoặc chuyển nhượng. Vấn đề trong sự phát triển, chúng ta phải ứng xử như thế nào với những thực tế biến đổi đang diễn ra. “Đã đến lúc các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học và các cấp ngành của thành phố cùng bình tâm nhìn nhận về sự phát triển bền vững của Hội An. Không thể ung dung với những thành tích đạt được và lơ là với phản ứng của dư luận. Nếu như không có những giải pháp để giữ nếp nhà – thứ tất yếu làm nên hồn vía Hội An, không có cách để những người đang sinh sống ở Hội An coi mình cũng là một cư dân đô thị, thì chặng đường phát triển của Hội An còn nhiều gian nan” - một câu chuyện khá dài Nguyễn Chí Trung tâm tình. Và ông nói, điều cần thiết bây giờ đúng như vậy, khi Hội An đã gần như vượt ngưỡng đến mức khó kiểm soát trong hành trình phát triển.
Tệ nạn xã hội ở các vùng ven đô tăng theo hàng năm. Và không thể trách được những người đang ở Hội An lẫn chính quyền đô thị này. Các giá trị văn hóa truyền thống đều hình thành trong quá trình phát triển của cộng đồng, trong đó phần lớn là người nhập cư. Và những thách thức Hội An đối mặt ở hiện tại chính là quy luật tất yếu mà bất cứ đô thị nào cũng đều phải trải qua. Vấn đề là các giải pháp quản lý của chính quyền hiện tại. Nguyễn Chí Trung nói, sự hội nhập dân cư tác động lớn đến sự ổn định nhiều mặt của xã hội. Nếu định hướng tốt thì dòng người nhập cư đến Hội An sẽ nhập cuộc vào sự phát triển của đất này, tăng chất lượng đầu tư vào di sản. Từ cả dòng người trí thức đến lao động bình dân tìm đến Hội An, mang theo bản năng sống của vùng đất mình, nếu biết cách để họ hội nhập cùng văn hóa, con người ở đây, xem trách nhiệm của mình ở phố Hội như chính đất quê hương mình, không tách họ ra khỏi các hoạt động của cộng đồng cư dân gốc. Người đàn ông này còn đau đáu rằng sẽ rất khó, và lẫn mang theo cả sự mơ tưởng, mong muốn Hội An sẽ là nơi đầu tiên xóa bỏ được tư duy hộ khẩu, chấp nhận sự hội nhập dân cư, để người đến Hội An mang theo tinh thần rằng, đã đến đây thì làm người ở đây.
“Quy hoạch, quy chế và con người. Hội An cần phải định hình được 3 nhóm vấn đề này và đồng nhất ngay từ hôm nay để bắt đầu xốc lại hiện trạng của di sản phố Hội hiện tại” - ông Nguyễn Chí Trung nói thêm. Và người kể chuyện này chắc rằng sẽ còn đi dài hơi với những quãng đường ký ức của phố Hội nữa, bởi thứ gì đã thâm sâu như máu thịt, nào dễ dầu quên!
LÊ QUÂN