Lễ hội trăng tròn đầu năm
Tại nhiều quốc gia châu Á, các hoạt động, phong tục truyền thống chào đón trăng tròn đầu tiên trong năm (âm lịch) diễn ra sôi nổi và ý nghĩa.
Nhiều quốc gia tại châu Á đang chuẩn bị đón ngày trăng tròn đầu năm âm lịch. Ảnh: Alamy |
Đối với người dân Hàn Quốc, trăng có một ý nghĩa đặc biệt, là biểu tượng của sự thịnh vượng và may mắn. Lễ hội trăng tròn đầu tiên tính theo lịch Hàn được gọi là Jeongwol Daeboreum, đánh dấu sự khởi đầu của năm nông nghiệp và trở thành một sự kiện quan trọng như Seollal (Tết Nguyên đán). Mùa trăng tròn đầu năm nay rơi vào ngày 19.2 dương lịch. Dịp này, người Hàn Quốc sẽ cầu nguyện cho ông trăng mang lại những điều may mắn, sức khỏe và mùa màng bội thu trong năm.
Trong khi đó, nhiều người thức dậy vào sáng sớm để ăn các loại hạt có vỏ cứng nhưng giàu dinh dường như hạt dẻ, quả óc chó hoặc hạt thông; gạo nấu với các loại đậu rồi ăn kèm với rau. Người Hàn Quốc cho rằng món ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng trong dịp này có thể giúp phục hồi sức khỏe sau một mùa đông tuyết lạnh. Nếu như Seollal là tết đoàn viên, các thành viên trong gia đình quây quần thì Jeongwol Daeboreum thường được tổ chức cùng nhau bởi tất cả thành viên trong một cộng đồng, trong làng. Đặc biệt những người nông dân tổ chức một nhóm người đi dạo quanh làng và cầu nguyện để có được vận may. Cũng theo tín ngưỡng truyền thống, mọi người sẽ nhảy múa quanh các đống rơm lớn dựng sẵn và được đốt cháy như để xua đuổi tà ma.
Tại Việt Nam, rằm tháng Giêng hay Tết Nguyên tiêu là một trong những ngày rằm lớn trong năm mà người Việt đặc biệt là phật tử thường viếng chùa lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. Tết Nguyên tiêu cũng là lễ hội đèn lồng (Yuan Xiao) hay Tết Hoa đăng tại Trung Quốc, đánh dấu trăng tròn đầu tiên của năm mới và kết thúc Tết Nguyên đán ngay trước đó. Nhiều người có một buổi lễ thờ cúng tại nhà và một số người đến chùa Đạo giáo để cầu may mắn, sức khỏe cho gia đạo. Khắp phố phường rực sắc, những ngôi nhà được trang trí bằng những chiếc đèn lồng đầy màu sắc và thường có những câu đố được viết trên đó và nếu câu đố được trả lời đúng, người giải sẽ được thưởng một món quà nhỏ.
Ngày này, những chiếc lồng đèn thường làm bằng giấy màu sặc sỡ, với đủ các tạo hình như non nước, các kiến trúc, các nhân vật, hoa cỏ, chim muông. Lễ hội cũng bao gồm nhiều hoạt động thu hút sự tham gia của người dân địa phương và du khách thập phương như múa lân và rồng, diễu hành, bắn pháo hoa, đi cà kheo, biểu diễn nghệ thuật. Nhiều người cùng nhau thưởng thức những loại trái cây hay món có dạng hình tròn như để tượng trưng cho sự trọn vẹn và đoàn kết trong gia đình.
Cũng vào ngày Tết Nguyên tiêu, người Trung Quốc có tập tục cùng nhau ăn bánh trôi ngắm trăng, thắp đèn, đố vui cầu may mắn, luôn sum vầy. Nhất là những khu phố đông đúc và trung tâm văn hóa thường tổ chức hội thi hay triển lãm lồng đèn.
Tại Nhật Bản, Koshōgatsu là lễ hội được tổ chức vào rằm tháng Giêng theo lịch xưa, nhưng nay được chuyển sang tổ chức vào giữa tháng một dương lịch. Các sự kiện chính của Koshōgatsu là nghi lễ và thực hành cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu. Vào ngày lễ này, người Nhật Bản thường ăn món cháo gạo với đậu đỏ vào buổi sáng. Ngoài ra, những thứ trang trí để chào năm mới (theo Tết Dương lịch) sẽ được hạ xuống và tháo dỡ, thay vào đó một số đền đài, chùa tổ chức các sự kiện để người dân tiếp tục cầu nguyện cho sức khỏe và thịnh vượng.
QUỐC HƯNG