Bầu Đức không màng V-League

ANH SẮC 16/02/2019 03:54

Việc cầu thủ Việt Nam chuyển đến thi đấu tại những giải bóng đá có trình độ chuyên môn cao hơn V-League là thông tin tốt lành cho bóng đá nước nhà. Bởi, nó không chỉ khẳng định tài năng của các cầu thủ mà còn góp phần nâng chất cho đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao Hoàng Anh Gia Lai lại để 2 tài năng bậc nhất (Công Phượng và Xuân Trường) và đang là trụ cột của mình ra nước ngoài thi đấu? Phải chăng bầu Đức không màng đến danh hiệu vô địch quốc gia mà đội bóng của mình đã rất lâu rồi chưa với tay tới được? Nó khác hẳn với việc các đội bóng châu Âu thường để các cầu thủ không có được vị trí chính thức ra đi nhằm tích lũy thêm chuyên môn, đồng thời giảm bớt gánh nặng tiền lương của câu lạc bộ.

Công Phượng ra đi để lại một sự trống vắng lớn nơi hàng công của Hoàng Anh Gia Lai ở mùa giải 2019. Ảnh: T.V
Công Phượng ra đi để lại một sự trống vắng lớn nơi hàng công của Hoàng Anh Gia Lai ở mùa giải 2019. Ảnh: T.V

Nhân nói đến việc Hoàng Anh Gia Lai để cầu thủ của mình xuất ngoại cần nhắc lại chuyện họ vung tiền mua cầu thủ trong quá khứ. Đã từng có thời kỳ bầu Đức “làm mưa làm gió” trên thị trường chuyển nhượng khi mang nhiều “sao” Thái Lan về phố núi mà nổi bật hơn cả là mức giá chuyển nhượng và tiền lương kỷ lục với tiền đạo Kiatisuk - người được mệnh danh là Zico Thái. Sở hữu chân sút xuất sắc nhất Đông Nam Á thời bấy giờ cùng với một loạt cầu thủ nội cũng là tuyển thủ quốc gia hàng đầu như thủ môn Văn Hạnh, trung vệ Mạnh Dũng, Hữu Đang, Việt Thắng, Sĩ Hùng…, Hoàng Anh Gia Lai trong các năm 2003, 2004 đã dễ dàng bước lên ngôi vô địch V-League. Một thời gian sau đó, đội bóng phố núi cũng tạo ra một vài vụ chuyển nhượng đình đám trong đó có việc chiêu mộ tuyển thủ quốc gia Mỹ gốc Việt Lee Nguyễn. Dù vậy, chức vô địch quốc gia chưa bao giờ trở lại phố núi.

Nhiều người cho rằng khi sở hữu một dàn cầu thủ trẻ tài năng được đào tạo tại Học viện Hoàng Anh Gia Lai Asenal JMG của mình, bầu Đức sẽ lại mơ vô địch. Thế nhưng, những động thái trong chiến lược phát triển câu lạc bộ thời gian qua không cho thấy điều đó. Họ “đóng cửa” thị trường nội binh và không còn mạnh tay trên thị trường mua sắm ngoại binh. Ngược lại, hết đưa Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng sang Hàn Quốc, Nhật Bản học việc, nay đến lượt 2 trong số họ lại sang xứ sở kim chi và xứ chùa vàng. Mục tiêu là để phát triển tài năng và xa hơn là phụng sự nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc như ràng buộc của bầu Đức với các câu lạc bộ mượn cầu thủ của mình.

Nếu vì thành tích câu lạc bộ thì rõ ràng bầu Đức không làm vậy và không chỉ ở mùa giải này. Khác hẳn với các đội bóng tại V-League, đội bóng phố núi ưu tiên dùng cầu thủ nội do câu lạc bộ đào tạo dù còn non kinh nghiệm để chinh chiến tại đấu trường khốc liệt V-League. Họ cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho những tài năng khác thi đấu tại các đội bóng một thời gian để nâng cao trình độ chuyên môn. Hoàng Anh Gia Lai cũng không cố đạt được thành tích bằng mọi giá, trung thành với lối chơi đẹp, cống hiến cho khán giả. Do đó, không có thành tích tốt nhưng họ lại là đội bóng số một Việt Nam về lượng người hâm mộ trên khắp cả nước. Đó là cách làm bóng đá của bầu Đức hiện nay.

Công Phượng, Xuân Trường đang là những ngôi sao sáng của bóng đá Việt Nam. Nhưng họ vẫn còn trẻ, ra nước ngoài thi đấu để phát triển thêm chuyên môn. Đến khi quay về, lúc đó họ giúp câu lạc bộ lên ngôi vô địch vẫn chưa muộn.

ANH SẮC

ANH SẮC