Nâng tầm Hiệp hội Du lịch Quảng Nam
(QNO) - “Tỉnh sẵn sàng hỗ trợ kinh phí nếu Hiệp hội Du lịch Quảng Nam xung phong đảm nhận những công việc, nhiệm vụ cụ thể mà ngành du lịch đang tập trung thực hiện như quảng bá, xúc tiến, đào tạo, xây dựng môi trường du lịch…”. Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân trong buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam diễn ra ngày 14.2, tại TP.Hội An.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam. Ảnh: VĨNH LỘC |
Chưa lan tỏa
Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2013 - 2018 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2019 - 2023, ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam khẳng định, nhiệm kỳ qua hiệp hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực như phát triển số hội viên từ 40 lên 182 hội viên; thành lập được 5 chi hội thành viên trực thuộc: Hội Homestay, Chi hội Hướng dẫn viên, Hội Khách sạn, Hội Lữ hành, Hội Đầu bếp.
Đặc biệt, đã thực hiện tốt vai trò đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên; trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý của nhà nước. Hiệp hội cũng đã tích cực nắm bắt những khó khăn vướng mắc, kiến nghị đề xuất của các đơn vị thành viên, kịp thời phản ánh tới các cấp lãnh đạo, các cơ quan, ban ngành liên quan nhằm tìm cách tháo gỡ, giúp doanh nghiệp ổn định trong hoạt động kinh doanh sản xuất. Cụ thể như cơ chế chính sách trong hoạt động du lịch, nhất là tại các huyện miền núi; đề nghị miễn giảm thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp; kiểm soát vé tham quan tại TP.Hội An; công tác báo cáo đăng ký tạm trú của khách, tình hình xử lý rác thải…
Ngoài ra, hiệp hội cũng đã chủ động tổ chức tuyên truyền vận động doanh nghiệp thành viên tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch nhằm thu hút khách trong mùa thấp điểm; vận động các doanh nghiệp tham gia Hội chợ ITB Berlin, tổ chức roadshow quảng bá du lịch Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế tại Bangkok (Thái Lan); tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Kansai (Nhật Bản); tham gia các đoàn famtrip; tham gia công tác đào tạo lao động trong ngành du lịch…
Du lịch Quảng Nam phát triển có sự đóng góp không nhỏ của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và các thành viên hiệp hội. Ảnh: VĨNH LỘC |
Dù đạt được nhiều kết quả nhưng theo ông Võ Văn Vân, quá trình hoạt động của hiệp hội cũng còn nhiều hạn chế; chưa thực sự tạo được sự lan tỏa lớn đến tất cả doanh nghiệp du lịch trong tỉnh; vị thế của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam chưa tương xứng với thế mạnh của ngành du lịch tỉnh nhà. Mối quan hệ phối hợp hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong hiệp hội còn hạn chế, chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. “Ngoài nguồn kinh phí khó khăn, chủ yếu thu hội phí hội viên thì việc thiếu địa điểm làm việc ổn định cũng khiến hoạt động của Hiệp hội Du lịch bị ảnh hưởng” - ông Vân dẫn chứng.
Tạo cơ chế
Với vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua du lịch Quảng Nam đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển chung của tỉnh. Trong đó, có vai trò không nhỏ của doanh nghiệp du lịch. Vì vậy, sự kết nối các doanh nghiệp vào mục tiêu chung nhằm thúc đẩy du lịch Quảng Nam phát triển bền vững là nhiệm vụ quan trọng.
Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, bên cạnh kết quả đạt được thì so với các địa phương khác, cụ thể là Đà Nẵng, việc phát triển hội viên của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam vẫn chưa tốt. Ngoài ra, việc tự tạo nguồn kinh phí hoạt động, thời gian qua hiệp hội vẫn chưa thực hiện tốt dù có nhiều công việc quản lý nhà nước hiệp hội có thể tham gia làm được, như phối hợp quảng bá xúc tiến du lịch, tổ chức đào tạo…
“Năm 2019 hiệp hội có thể phối hợp cùng thực hiện một số việc với cơ quan quản lý nhà nước, điển hình như lễ kỷ niệm 20 năm UNESCO công nhận Khu đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới… Kể cả công tác xúc tiến du lịch, nếu hiệp hội đảm nhận, Sở VH-TT&DL cũng sẽ giao hiệp hội phối hợp với Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam cùng làm. Sở cũng rất muốn hiệp hội rà soát lại nhu cầu lao động tại các doanh nghiệp thành viên cung cấp cho sở để giao cho các cơ sở đào tạo… Nói chung, nhà nước chỉ giao kinh phí khi hiệp hội có kế hoạch hoặc sản phẩm cụ thể” - ông Tường nói.
Hiệp hội Du lịch Quảng Nam sẽ là cầu nối giữa hoạt động du lịch với tỉnh. Ảnh: VĨNH LỘC |
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho biết, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam hiện là tổ chức nghề nghiệp duy nhất còn lại của tỉnh và sẽ là thành viên tập thể của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Điều đó chứng tỏ tỉnh rất coi trọng vai trò, vị trí của ngành du lịch, trong đó có các doanh nghiệp du lịch.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, nếu Hiệp hội Du lịch xung phong đảm nhận những công việc mà tỉnh và Sở VH-TT&DL đang thực hiện, kể cả xây dựng môi trường du lịch, khởi nghiệp du lịch… thì tỉnh sẽ sẵn sàng giao và bố trí kinh phí. Riêng với địa điểm văn phòng làm việc của hiệp hội, tỉnh sẽ giao cho TP.Hội An xem xét bố trí một trong hai điểm là số nhà 35 Phan Bội Châu và số 8 Hoàng Diệu. Nếu không được, UBND tỉnh sẽ xem xét vị trí khác tại TP.Hội An nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội Du lịch hoạt động và làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nhà nước, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch Quảng Nam.
VĨNH LỘC