Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Quản lý chặt đất đai vùng đông

VIỆT NGUYỄN 15/02/2019 03:07

Chiều 14.2, chủ trì buổi làm việc của đoàn công tác tỉnh với lãnh đạo xã Bình Dương, huyện Thăng Bình về thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh yêu cầu xã Bình Dương, huyện Thăng Bình chú trọng quản lý đất đai, quy hoạch, sắp xếp dân cư, giải phóng mặt bằng, tái định cư để triển khai nhanh các dự án động lực.

Đồng chí Phan Việt Cường kết luận buổi làm việc. Ảnh: QUANG VIỆT
Đồng chí Phan Việt Cường kết luận buổi làm việc. Ảnh: QUANG VIỆT

Gần đây, nhiều dự án đã đồng loạt triển khai trên địa bàn xã Bình Dương. Trong đó, đường 129 ven biển đã thi công xong nửa lòng đường, đưa vào sử dụng; vạch 50m hai bên đường đang triển khai trồng cây xanh. Dự án đường trục chính từ ngã tư Lạc Câu đến giáp đường bộ 129 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho giao thông, buôn bán của người dân. Dự án Khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương đã đưa vào sử dụng 20ha. Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl Quảng Nam đã hoàn thành, đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho nhiều lao động của huyện Thăng Bình.

Nhiều bất cập

Trong năm qua, công tác quản lý hiện trạng, đất đai được xã Bình Dương chú trọng. Địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Xã vận động nhân dân trong vùng dự án không tự ý xây dựng, cơi nới vật kiến trúc trái phép. Nhân dân có nhu cầu thực sự về nhà ở phải báo cáo UBND xã để được hướng dẫn lập thủ tục cấp phép xây dựng theo quy định. Năm 2018, trên địa bàn xã có 16 trường hợp cơi nới, xây dựng mới nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng, trại chăn nuôi nằm trong vùng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Có 15 trường hợp người dân xây dựng nhà ở, lều trại buôn bán trong phạm vi đất đai dự án Khu tái định cư ven biển. Trong phạm vi dự án đường bộ 129 ven biển có 3 trường hợp xây lán trại buôn bán trái quy định. UBND xã Bình Dương đã tiến hành lập biên bản, báo cấp trên xem xét và xử phạt 11 triệu đồng đối với 11 trường hợp sai phạm.

Tháng 10.2018, Tổ công tác quản lý hiện trạng xã Bình Dương phát hiện có 21 trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, đất rừng thuộc dự án sắp xếp khu dân cư thôn 3 xã Bình Dương. Đến nay, có 18 hộ đã tháo dỡ hoàn toàn, còn 3 trường hợp chưa tháo dỡ. Đối với hộ bà Lê Thị Nga và Cao Thị Khương, hiện trạng trước khi xây dựng nhà ở là đất trồng keo lá tràm. Trường hợp ông Bùi Thanh Tình, hiện trạng trước khi xây dựng nhà ở là đất trồng cây lâu năm trong vườn. Hiện nay, phát sinh thêm 1 trường hợp xây dựng nhà ở trên đất màu của ông Nguyễn Văn Chinh.

Về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư đối với các trường hợp người dân bị ảnh hưởng bởi triển khai các dự án, UBND xã Bình Dương phân công cán bộ địa chính phối hợp chặt chẽ với các đơn vị đo đạc, bồi thường giải quyết những vướng mắc, kiến nghị, tranh chấp đất đai của người dân. Công tác kiểm đếm đất đai, tài sản gắn liền với đất của những hộ bị ảnh hưởng các dự án được tiến hành thường xuyên. Xã phối hợp với các đơn vị bồi thường tổ chức họp hội đồng tư vấn xác nhận thời điểm, nguồn gốc đất, trình thu hồi đất, tổ chức xét bố trí đất tái định cư cho các hộ dân theo đúng quy định. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Tửu - Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương, địa phương đang lúng túng, gặp nhiều khó khăn về quản lý đất đai. Với Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 2.7.2018 của UBND tỉnh, các hộ dân sử dụng đất ngoài vùng dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng, tách thửa cho con cái làm nhà ở không được thực hiện. Việc công nhận đất ở đối với những trường hợp đang sử dụng đất trồng cây lâu năm có nguồn gốc từ đất vườn, ao gắn liền với nhà ở được sử dụng ổn định trước ngày 18.12.1980 vẫn chưa được thực hiện dẫn đến khó khăn trong thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư cho người dân.

Giải quyết vướng mắc

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Việt Cường yêu cầu lãnh đạo huyện Thăng Bình, xã Bình Dương tập trung các nguồn lực để quản lý chặt chẽ hiện trạng, đất đai trên địa bàn, tạo cơ sở để tỉnh triển khai các dự án động lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội trong thời gian đến. Công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận với các dự án lớn cần được triển khai thích hợp hơn. Đồng chí Phan Việt Cường cũng yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Sở Tài nguyên - môi trường tiếp thu các kiến nghị của huyện Thăng Bình, xã Bình Dương, có giải pháp tháo gỡ kịp thời, giúp địa phương quản lý chặt hiện trạng đất đai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cũng như phối hợp với các ngành chức năng đầu tư đồng bộ các yếu tố hạ tầng, nhất là điện, giao thông, nước sạch để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống, đặc biệt là ở các khu tái định cư.

Ông Hoàng Văn Tửu đề xuất UBND tỉnh, huyện Thăng Bình sớm xem xét, rà soát điều chỉnh quy hoạch dự án Khu tái định cư ven biển Bình Dương (228ha) và công bố quy hoạch, cắm mốc thực địa, cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan để địa phương có cơ sở quản lý đất đai, quản lý hiện trạng. Đối với dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Đạt Phương, dự án Thành phố giáo dục quốc tế, tỉnh nên yêu cầu nhà đầu tư sớm triển khai thi công bởi đã công bố quy hoạch chi tiết 1/500. Về dự án Khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương giai đoạn 2 (20ha), Khu tái định cư ven biển Bình Dương (5,5ha), tỉnh quan tâm bố trí kinh phí xây dựng hạ tầng giúp người dân ổn định cuộc sống. Đối với dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, tỉnh chỉ đạo nhà đầu tư có kế hoạch cụ thể về thời gian giải phóng mặt bằng, thông báo thời gian thi công tại phần diện tích đất thuộc xã Bình Dương để địa phương và người dân được biết, phối hợp thực hiện. Hiện tại, Trường Tiểu học Lê Văn Tám nằm trong khu vực C5 của dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, các cơ quan cần sớm kiểm kê áp giá, bồi thường để di dời vào điểm trường trung tâm thôn 2 xã Bình Dương, ổn định dạy, học.

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, Thăng Bình là địa phương có diện tích đất thu hồi lớn để phục vụ các dự án trọng điểm vùng đông; vì vậy, UBND tỉnh, các chủ đầu tư dự án nên xem xét hỗ trợ kinh phí giúp địa phương đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh như xây mới para ngăn mặn, nâng cấp đê ngăn mặn sông Trường Giang, nạo vét sông Trường Giang đoạn qua địa bàn để phục vụ giao thông đường thủy và phát triển du lịch. “Mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm có chủ trương, giải pháp thực hiện công nhận đất ở đối với những trường hợp đang sử dụng đất trồng cây lâu năm có nguồn gốc từ đất vườn, ao gắn liền với nhà ở được sử dụng ổn định trước ngày 18.12.1980. Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cần sớm xem xét, rà soát quy hoạch dự án Khu tái định cư ven biển, ở những khu vực nào không phù hợp với việc xây dựng nhà ở thì khoanh vùng, thông báo để người dân biết là khu vực không cho phép xây dựng” - ông Phan Công Vỹ nói.

VIỆT NGUYỄN

VIỆT NGUYỄN