Giêng hai, nhớ biên cương
Vài hôm nữa, là tròn 40 năm ngày nổ ra cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc giữa Trung Quốc và Việt Nam (17.2.1979 – 17.2.2019). Tôi thuộc thế hệ đầu 8X; thời đi học phổ thông, tôi không biết nhiều về cuộc chiến này. Những con số về thiệt hại của cả hai bên trong cuộc chiến vẫn còn đó khoảng trống bỏ ngỏ. Khi lục sử sách và các tài liệu khác nhau, nó trở thành vết cứa lòng khi tôi nghĩ đến các anh, những người đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Người anh đồng nghiệp, trong các cuộc tụ bạ trà dư tửu hậu, kiểu gì anh cũng phải hát hài “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”.
“Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới
Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương
Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương…”.
Hát xong, thì thể nào cũng kể tôi nghe khí thế hừng hực những ngày viết huyết thư xin tham gia ra chiến trường bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Mọi thứ vẫn mồn một vẹn nguyên trong từng ánh mắt bạn bè anh ngày đó.
“Chiến tranh không mang gương mặt đàn bà” nhưng trong hào hùng câu hát, tôi vẫn cảm nhận rõ rệt nỗi cô đơn của những người đàn bà, hình dung sự hy sinh và chịu đựng của họ. Khó biết mấy, đau biết mấy khi phải lật lại những trang sử riêng đời từng người đàn bà tiễn chồng, tiễn con đi nhưng không có cơ hội đón chồng, con trở về.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên, tác giả của bài hát “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” từng nói: “Lịch sử muôn đời duyệt lại. Không ai lừa được cuộc đời”. Lịch sử về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc sẽ phải có trong chương trình của sách giáo khoa (bộ môn Lịch sử) với phương thức, mức độ, nội dung, thời lượng ở từng cấp học khác nhau. Hơn 1 năm trước, sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử và lấy ý kiến của chuyên gia trong hội đồng góp ý, phản biện và thẩm định về vấn đề này, chúng ta hy vọng, chương trình sẽ sớm được triển khai. Các thế hệ con dân Việt cần được biết đầy đủ về một cuộc chiến đã qua. Bởi, trong cuộc đấu tranh giữ vững (và đòi lại) chủ quyền biển đảo vô cùng gian truân, phức tạp trong hiện tại và cả tương lai, mỗi một cuộc chiến của dân tộc, phải được ghi nhớ một cách trung thực và khách quan.
Bốn mươi năm, cầu nguyện linh hồn các anh yên nghỉ, vì chúng tôi không ai được phép lãng quên. Chúng tôi ghi nhớ nỗi đau của cuộc chiến để trân trọng hòa bình có được, từ xương máu các anh và biết bao người dân vô tội khác.
Từ biên cương, ngó về phía biển, những cái tên Gạc Ma, Hoàng Sa khi đọc lên đã hàm đủ thiêng liêng Tổ quốc vẫn còn nằm trong tay ngoại bang, bao giờ nối về đất mẹ?
C.B.L