Ứng dụng "siêu lọc máu" cho bệnh nhân

CHÂU NỮ 13/02/2019 08:06

Đề tài nghiên cứu khoa học “siêu lọc máu” (lọc máu liên tục) của bác sĩ Trần Vũ Kiệt (Khoa Hồi sức tích cực và chống độc) được ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam 4 năm nay đã cứu sống nhiều ca bệnh nặng, giảm chi phí đáng kể cho bệnh nhân.

Bác sĩ Trần Vũ Kiệt bên bệnh nhân đã được áp dụng phương pháp “siêu lọc máu”. Ảnh: C.N
Bác sĩ Trần Vũ Kiệt bên bệnh nhân đã được áp dụng phương pháp “siêu lọc máu”. Ảnh: C.N

Trước đây, các trường hợp bệnh nặng, có nguy cơ tử vong cao như  suy đa phủ tạng, suy thận, suy gan, rối loạn đông máu, viêm tụy cấp hoại tử... cần lọc máu liên tục đều phải chuyển viện, vừa nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân mà lại rất tốn kém. Theo bác sĩ Trần Vũ Kiệt, lọc máu liên tục là lọc bỏ chất độc và dịch chậm nhưng liên tục. Bằng phương cách lọc ấy, liệu pháp “siêu lọc máu” có thể thay thế chức năng của thận, đóng vai trò như quả thận sinh lý, nên còn có thể gọi là liệu pháp thay thế thận liên tục.

Tại BVĐK Quảng Nam, phương pháp này đã được áp dụng cho hơn 100 trường hợp bệnh nhân huyết động không ổn định và các bệnh liên quan đến thận như vô niệu, thiểu niệu, phù tạng, viêm màng ngoài tim, bệnh thần kinh... Ngay cả một số bệnh không liên quan đến thận, nhiều bệnh nhân cũng từng được cứu sống nhờ phương pháp này, như các trường hợp ngộ độc cấp methanol, bị ong đốt... Đầu năm 2019 này, bệnh nhân N.T.H. (20 tuổi, ở phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) bị viêm đa cơ, đã được y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc BVĐK Quảng Nam cho áp dụng phương pháp “siêu lọc máu” nên qua cơn nguy kịch. Bà P.T.T.T. (mẹ bệnh nhân H.) cho biết, con gái bà đã từng được áp dụng phương pháp “siêu lọc máu” ở Hà Nội tới 13 lần, tốn khá nhiều tiền và thời gian. Từ khi được lọc máu ở BVĐK Quảng Nam, việc điều trị của con gái bà thuận tiện hơn và cũng ít tốn kém hơn.

Theo bác sĩ Trần Vũ Kiệt, ưu điểm của “siêu lọc máu” là giúp kiểm soát được các chỉ số cơ thể của bệnh nhân; giúp bệnh nhân nhanh khôi phục chức năng thận, cải thiện dinh dưỡng; điều trị hiệu quả trong nhiễm trùng đường huyết... Chi phí “siêu lọc máu” hiện vẫn ở mức khá cao (khoảng 15 - 20 triệu đồng/ca), nhưng rất mừng là đến nay, phương pháp điều trị này đã được đưa vào danh mục thanh toán của bảo hiểm y tế. Bác sĩ Kiệt cho biết, tới đây sẽ tiếp tục nghiên cứu để đơn giản hóa quy trình “siêu lọc máu”, nhằm tăng thêm khả năng cứu sống bệnh nhân, vừa giảm bớt sự vất vả cho cán bộ y tế.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ