Xuân mới ở Cù Lao Chàm

ĐỖ HUẤN 13/02/2019 06:44

Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) vào xuân mới với sắc xanh tươi thắm. Xanh núi, xanh cây, xanh rừng, xanh biển, xanh màu áo của lính và lòng người tràn đầy hy vọng.

Gắn kết bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái để phát triển bền vững Cù Lao Chàm.Ảnh: Đ.H
Gắn kết bảo tồn cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái để phát triển bền vững Cù Lao Chàm.Ảnh: Đ.H

Tôi ra Cù Lao Chàm thăm tết khi trời đã tạm yên, biển đã lặng. Tàu cập đảo, Cù Lao Chàm hiện ra trước mắt tôi xôn xao trong chút nắng hửng vàng dù thời tiết vẫn còn se lạnh.

Gặp lại một số người quen cũ, ai cũng tay bắt mặt mừng. Họ vui vẻ báo tin một năm tiếp tục “ăn nên làm ra” trên đảo nên nhà nhà hết sức phấn khởi. Nghề biển, theo lãnh đạo của xã, nhờ đánh bắt các loại hải sản gắn với phục vụ du lịch nên thu nhập của ngư dân ổn định và tăng đáng kể. Ở góc độ khác, hôm nay đến Cù Lao Chàm mà nói chuyện nghề biển thì “xưa như trái đất”. Nhiều người nói với tôi như vậy. Họ bảo: “Phải nói chuyện du lịch, làm dịch vụ du lịch!”.

Đổi đời cùng du lịch

Du lịch ở Cù Lao Chàm mới phát triển trong những năm gần đây và có sức hút ghê gớm, nhiều gia đình mở dịch vụ phục vụ du khách, nhiều lao động nghề biển cũng “bỏ ghe lên bờ” làm du lịch. Năm 2018, lượng khách đến tham quan Cù Lao Chàm đạt gần 400 nghìn lượt dù đã có giới hạn lượng khách ra đảo và thời tiết cũng không thật thuận lợi như các năm trước. Khách tham quan không tăng nhưng lượng khách lưu trú lại tăng cao đến 67%, đạt hơn 16.160 lượt, trong đó khách lưu trú homestay đạt khoảng 10.770 lượt (tăng 86%), khách lưu trú bãi biển đạt hơn 5.390 lượt (tăng 36,8%). Ngành du lịch - dịch vụ - thương mại vẫn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế xã đảo với tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt hơn 56,78 tỷ đồng. Tổng giá trị sản xuất toàn xã (theo số liệu điều tra mới nhất) đạt 84,44 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 42 triệu đồng, tăng 13,42% so với năm 2017, riêng thôn Bãi Hương có thu nhập bình quân đầu người đến 49,1 triệu đồng (tăng hơn 15% so với các thôn khác).

Đến mùa xuân này, diện mạo của cả vùng biển đảo Tân Hiệp đã đổi thay rõ nét. Hệ thống bưu chính, viễn thông, nước sạch đã được xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Hệ thống trường học các cấp, trạm xá khám chữa bệnh, trụ sở làm việc của UBND xã, doanh trại quân đội, trạm kiểm lâm,… được xây dựng kiên cố, khang trang. Chợ, cảng cá, cầu tàu, âu thuyền… cũng được xây dựng, nâng cấp, không chỉ phục vụ sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo mà còn đảm bảo phục vụ cho hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, lưu trú...

Từ năm 2015 đến nay, xã đảo Tân Hiệp đã không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Ông Huỳnh Giang ở thôn Bãi Ông tỏ bày: “Từ chỗ bà con đánh bắt hải sản, làm nghề chài lưới, đi rừng rồi chuyển sang làm dịch vụ du lịch, đặc biệt là nhà hàng, homestay… đến bây giờ mức thu nhập tính trên đầu người hàng năm lên đến 40 triệu đồng. Đặc biệt, có những bà con trước đây không có công ăn việc làm, từ hộ nghèo mà nay đã trở thành hộ khá, giàu”.

Du lịch phát triển làm cho bộ mặt và đời sống nhân dân trên đảo đổi thay rõ nét, từ chuyện học hành của con trẻ, ăn ở của người dân đến công tác vệ sinh môi trường, quản lý bảo tồn biển… Cuộc sống ngày càng thêm sinh khí, người dân năng động, sáng tạo và thức thời hơn. Cơ sở hạ tầng được xây mới khang trang, kiên cố. Hệ thống giao thông được thiết lập liên hoàn, nối liền các khu vực trên toàn đảo và hệ thống đường dân sinh kết nối đến tận khu dân cư. Kéo theo đó là sự hình thành những khu dân cư mới ở thôn Cấm, Bãi Ông, Bãi Hương, Bãi Làng… Điện thắp sáng - niềm mong ước bao đời của các thế hệ cư dân trên đảo cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm, đầu tư gần 500 tỷ đồng, kéo cáp ngầm vượt biển, đưa ra phục vụ nhân dân từ 3 năm nay, mở ra thời kỳ phát triển thuận lợi và đầy triển vọng.

Phát triển gắn với bảo tồn

Vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa chú trọng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sinh thái và tài nguyên nhân văn vùng biển đảo, Tân Hiệp đã và đang trở thành thương hiệu du lịch hấp dẫn với các phong trào: “Nói không với túi ny lon”, “Dán nhãn sinh thái cua đá”, và mới nhất là “Nói không với ống hút nhựa”. Có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, môi trường biển đảo sạch đẹp, con người hiền hòa hiếu khách…, Cù Lao Càm đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, lưu trú, khám phá, trải nghiệm. “Du lịch Cù Lao Chàm được chúng tôi chọn định hướng phát triển trên cơ sở bảo tồn nghiêm ngặt các giá trị về thiên nhiên, môi trường cũng như các giá trị về văn hóa tinh thần của cư dân miền biển. Chúng tôi muốn du khách biết đến Cù Lao Chàm không những là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp và trong lành, mà còn có nếp sống sinh hoạt của người dân đúng chất văn hóa miền biển” - Bí thư Đảng ủy xã Trần Tấn Dũng nói.

Du khách đến với Cù Lao Chàm dịp Tết Kỷ Hợi. Ảnh: D.L
Du khách đến với Cù Lao Chàm dịp Tết Kỷ Hợi. Ảnh: D.L

Năm qua, chính quyền địa phương đã tranh thủ các nguồn vốn đầu tư đẩy nhanh tiến độ và thi công hoàn thành các công trình thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, như: xây mới sân vận động; nâng cấp nhà tránh bão thành hội trường đa năng thuộc Trung tâm VH-TT xã; quy hoạch và xây dựng nghĩa trang nhân dân tại thôn Bãi Làng và thôn Bãi Hương; nâng cấp, cải tạo hệ thống mương thoát nước sinh hoạt và xây mới hệ thống xử lý nước thải ở khu dân cư. Đến nay, Tân Hiệp đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí quy định, đang được các ngành hoàn thiện hồ sơ để thẩm định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Riêng thôn Bãi Hương đã được công nhận đạt chuẩn các tiêu chí xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Cảm nhận cùng xuân, hy vọng Tân Hiệp sẽ ngày thêm đổi sắc thay da, trở nên giàu đẹp hơn, cán bộ và nhân dân xã đảo nắm bắt thời cơ và vận hội, tranh thủ sự hỗ trợ, phát huy nguồn lực và lợi thế về tài nguyên nhân văn, tài nguyên thiên nhiên sinh thái để phát triển, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của người dân. “Trong chiến lược phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển đảo của TP.Hội An, Tân Hiệp - Cù Lao Chàm sẽ là điểm đến khá lý tưởng. Một số dự án đầu tư phát triển du lịch trên đảo đã và đang được triển khai, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Phát triển hiện đại nhưng phải đảm bảo bảo tồn nghiêm ngặt môi trường sinh thái và tài nguyên biển rừng, giải quyết hài hòa giữa kinh tế và quốc phòng, giữa vấn đề nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực với gìn giữ tài sản văn hóa nhân văn của cư dân bản địa, giữa hải đảo với đất liền” - ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ.

 ĐỖ HUẤN

ĐỖ HUẤN