Đông Giang và hướng đi mới
Được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh và các di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc hòa quyện với những lễ hội đặc trưng được tổ chức hàng năm của đồng bào Cơ Tu, là cơ hội để huyện Đông Giang phát triển du lịch, đặc biệt khai thác du lịch sinh thái và du lịch khám phá.
Khai thác tiềm năng
Là huyện miền núi, Đông Giang được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đặc biệt với địa hình đồi núi, sông ngòi phong phú, đa dạng. Đông Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp như thác Tơbhế, thác Adinh, suối Tà Mơi, rừng nguyên sinh Tây Bà Nà, Gợp Teer (Hang Đôi) và nhiều lòng hồ của các thủy điện A Vương, Za Hung, Sông Côn 2,... tựa như bức tranh sơn thủy hữu tình đã tạo nên một sức hút khó cưỡng của du khách mỗi khi đặt chân đến mảnh đất này. Đặc biệt, trong những năm gần đây, huyện Đông Giang trở thành “cửa ngõ” tây nam giáp với TP.Đà Nẵng theo tuyến quốc lộ 14G và kết nối với các vùng lân cận Tây Giang, Nam Giang thông qua trục đường Hồ Chí Minh đã tạo cơ hội cho địa phương phát triển du lịch.
Để khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, Đông Giang đã tập trung nhiều nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn đồng bộ và đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư để thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ... Đây được xem là hướng đi mới phù hợp, tạo động lực cũng như sự đột phá trong tiến trình phát triển kinh tế của địa phương. Năm 2018, Đông Giang là huyện miền núi đầu tiên của tỉnh tổ chức hội thảo có quy mô lớn, với sự có mặt của nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư tham gia với chủ đề “Định hướng phát triển kinh tế Đông Giang trong mối liên kết vùng và xúc tiến đầu tư”, nhờ đó đã gợi mở nhiều vấn đề phát triển kinh tế của huyện Đông Giang trong những năm đến. Ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết: “Trong những năm đến, ngoài chú trọng cơ cấu nông nghiệp - dịch vụ - công nghiệp chế biến, địa phương sẽ tập trung phát triển các loại du lịch gắn với khai thác di tích lịch sử, văn hóa, kết hợp khai thác du lịch nghỉ dưỡng, mạo hiểm… nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế vốn có ở địa phương”.
Phát triển du lịch sinh thái
Đến nay, Đông Giang đã đầu tư nhiều công trình, dự án trọng điểm về kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn và thu hút nhiều nhà đầu tư trên các lĩnh vực nông - lâm, du lịch... đã mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển kinh tế. Đó là, dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang tại thôn A Sờ, xã Ma Cooih do Tập đoàn FVG đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 408 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2019. Tiếp đến là dự án khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng tại xã Sông Kôn do Công ty CP Đầu tư nông nghiệp sạch Phú Sơn làm chủ đầu tư, với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ đưa vào sử dụng vào đầu năm 2020. Ngoài ra, còn có các dự án đang xúc tiến triển khai đầu tư của Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp, Công ty TNHH Hòa Hưng - Đông Giang về đầu tư trồng rừng, chế biến gỗ và xây dựng các khu du lịch sinh thái, với vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Với vùng đất được thiên nhiên ưu ái, Đông Giang có nhiều lợi thế phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, phát triển du lịch ở huyện Đông Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết; công tác tuyên truyền, quảng bá những tiềm năng du lịch của huyện còn hạn chế; chưa xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch và các điểm du lịch chưa đầu tư khai thác hết tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan và môi trường. “Trong những năm đến, Đông Giang sẽ tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch trọng yếu; đồng thời phát triển mạnh hệ thống cơ sở lưu trú gắn với các dịch vụ theo các tuyến, điểm du lịch, đáp ứng nhu cầu cho khách tham quan, du lịch. Trên cơ sở đó, Đông Giang sẽ tập trung khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh về tự nhiên, gắn bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch mang thương hiệu đặc trưng; tiếp tục mở rộng quy mô, phát triển hơn nữa loại hình du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái; tăng cường thu hút vốn đầu tư, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết điểm đến... để tạo động lực phát triển du lịch ở địa phương” - ông Hươm cho biết.
THANH HÀ