Khổ sở vì nhiệt miệng thi nhau mọc sau Tết
(QNO) - Nhiệt miệng là bệnh viêm loét xuất hiện ở miệng do nóng trong người hoặc ăn nhiều đồ cay nóng. Sau Tết là thời gian nhiều người bị nhiệt miệng do ăn uống không kiểm soát.
Theo bác sĩ Trần Văn Phong, khoa Hồi sức cấp cứu tích cực chống độc, nhiệt miệng (Recurrent Aphthous Stomatitis - RAS) là một bệnh viêm loét xuất hiện ở miệng. Nhiệt miệng không gây nguy hiểm, nhưng lại gây ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong việc ăn uống.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng
Nhiệt miệng là một dạng viêm nhiễm gây ra vết lở nhỏ ở niêm mạc miệng có đáy màu vàng nhạt, được bao quanh bởi một đường màu đỏ tươi. Nhiệt miệng khiến người bệnh thấy đau và khó chịu trong miệng, dẫn đến ăn uống khó khăn.
Quan niệm dân gian cho rằng nhiệt miệng xuất hiện là do bị nóng trong người hoặc ăn nhiều thực phẩm cay, nóng. Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân khác khiến chúng ta bị nhiệt miệng như:
- Các bệnh lý về răng như sâu răng, viêm tủy răng,…
- Khoang miệng phản ứng với một thành phần hóa học nào đó như kem đánh răng, nước súc miệng.
- Niêm mạc miệng bị tổn thương do chúng ta vô tình cắn phải hoặc ăn thức ăn quá cay, nóng…
- Nhiệt miệng do thiếu vitamin B12, B9 (axit folic hay folate) và các khoáng chất như sắt, kẽm…
Biểu hiện của bệnh nhiệt miệng
Nhiệt miệng rất dễ nhận biết, bệnh biểu hiện rõ khi thấy trong niêm mạc miệng xuất hiện một hoặc nhiều đốm trắng to khoảng 1-2 mm. Vài ngày sau khi xuất hiện, đốm trắng to dần, mọng nước và vỡ ra tạo thành vết loét. Vết loét to dần, gây đau rát và thường tự lành sau 7-10 ngày.
Làm thế nào khi bị nhiệt miệng?
Khi bị nhiệt miệng, chỉ cần tuân thủ những thói quen sau đây thì tình trạng đau rát có thể được cải thiện đáng kể.
- Tăng cường thực phẩm mát
Những món ăn ngày Tết như bánh chưng, dưa cà, ném rán không chỉ khiến tình trạng càng thêm nặng mà còn gây nóng gan, nổi mụn. Lúc này, bạn nên tăng cường ăn những thực phẩm mát, chứa nhiều chất xơ và vitamin có tính giải nhiệt, mát gan cao để giúp cơ thể thanh nhiệt như cà chua, khế, rau diếp cá, rau má, các loại thịt có tính mát (thịt vịt, thịt ngan),…
- Hạn chế tiêu thụ đồ uống có chứa nhiều axit, caffeine và cồn
Rượu, bia, thuốc lá, nước uống có ga,… gây kích ứng da và làm chậm quá trình phục hồi tổn thương do nhiệt miệng. Do đó, trong thời gian bị nhiệt miệng, tốt nhất bạn nên kiêng các loại đồ uống này.
- Uống nhiều nước, vệ sinh khoang miệng sạch sẽ
Trong quá trình điều trị và phòng ngừa nhiệt miệng, bạn nên chú ý thực hiện vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Đây là điểm mấu chốt để tiêu diệt, đẩy lùi vi khuẩn gây hại.
Để phòng tránh các nguy cơ mắc nhiệt miệng sau Tết, các chuyên gia khuyến cáo nên thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ và tuân thủ các quy định vệ sinh răng miệng sau đây:
- Đánh răng đều đặn hàng ngày sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ
- Khám nha khoa định kỳ ngay cả khi bạn không gặp vấn đề gì về răng miệng.
- Thay bàn chải sau 3 tháng sử dụng để đảm bảo vệ sinh.
Theo news.zing.vn