Xuân bình yên trên đảo
(QNO) - Ngày đầu xuân, những chuyến phà ngang qua Tam Hải (Núi Thành) càng rộn rịp, đông đúc hơn thường lệ. Tiếng sóng vỗ lao xao, tiếng động cơ nổ bì bạch, tiếng người chào xuân í ới… những âm thanh náo nức, hối hả. Bên kia bến, Tam Hải bình yên, mát lành với sắc xanh của dừa.
Ngư dân xã Tam Hải đón lộc biển đầu xuân. Ảnh: H.L |
1. Chuyến phà Tam Hải ngày xuân tấp nập, đông đúc dòng người du xuân. Vừa đặt chân lên đảo đã thấy sắc xuân giăng khắp nơi nơi với khẩu hiệu, cờ hoa, biểu ngữ “Mừng Đảng đón xuân” trên cổng chào dẫn vào xã, trên các xóm làng, khu dân cư, tổ đoàn kết. Nơi những góc nhà, sân vườn còn có sắc vàng của mai, cúc, vạn thọ, sắc đỏ của bông thược dược, mào gà… Tết nơi xã đảo Tam Hải, xe cộ ngược xuôi, đông đúc, tiếng cười nói của trẻ thơ râm ran hơn thường lệ. Vài hàng quán ở cửa Thuận An (Bãi Nờm) và Cửa Lở (Bãi Bấc) với các món hải sản đặc sản cũng lao xao.
Nơi cửa biển Thuận An, bao la một vùng dừa xanh mướt với cả chục héc ta trải dài, xen kẽ với khu dân cư. Chẳng lạ khi nhiều người còn gọi Tam Hải là đảo dừa, đảo ngọc vì nơi đây sở hữu rừng dừa bạt ngàn và vẻ đẹp nguyên sơ của bến, của sóng nước, của những gành đá cổ. Một đôi vợ chồng trung niên mải mê với cuộc mưu sinh từ nghề trèo hái dừa thuê cho các gia chủ có vườn dừa. Những buồng dừa xanh non, căng tràn sức sống được thuê hái để bán sỉ cho tiểu thương và các hàng quán nước giải khát trong tiết xuân. Anh Lê Lâm - chị Võ Thị Huệ cho biết, nếu cuối năm, anh chị hái nhiều dừa khô để bán cho các cơ sở làm món bánh dừa truyền thống, nấu dầu dừa thì dịp đầu xuân, chủ yếu hái dừa tươi, dừa non bán nước giải khát. Mỗi trái dừa hái từ cây xuống, anh chị được trả 3.000 - 5.000 đồng, cả ngày, anh chị bỏ túi cả triệu đồng. Vốn quen tay nên chỉ cần leo lên tới ngọn dừa, những buồng dừa được anh Lê Lâm bẻ, cột dây đã được chị Huệ đứng dưới kéo xuống bằng dây thừng buộc với ròng rọc. Thoăn thoắt, vợ chồng anh Lâm - chị Huệ cùng với “đồ nghề” lần lượt sang các vườn lân cận.
Những người con trở về từ biển. Ảnh: H.L |
2. Chiều nay, trên bến Thuận An, Cửa Lở, ghe thuyền neo đậu, ngơi nghỉ, duy chỉ có những ngư dân đánh bắt gần bờ tranh thủ ra biển bằng thúng chai để lấy lộc biển. Mỗi thúng chai có 3 người với đầy đủ ngư cụ đánh bắt gần bờ đã rời bờ tầm lúc 3 giờ chiều. Chúng tôi rời bến dạo Tam Hải, đi thăm khu vực lăng mộ Cá Ông sau một hồi chạy xe máy song song với mép biển. Những vạt nắng cuối chiều dần buông, biển nguyên sơ, khu lăng mộ Cá Ông cũng nguyên sơ với hàng trăm ngôi mộ trầm mặc với thời gian. Rồi từ khu vực lăng mộ Cá Ông, chúng tôi lại men theo đường biển, về lại bến Cửa Lở khi con nước ròng cũng vừa lên, ngồi ngóng chờ những người trở về từ lòng biển.
Tầm 18 - 19 giờ, những chiếc thúng chai đầu tiên lấp lóa ánh sáng yếu ớt phía biển, rồi dần cập bờ. Có chiếc chở nặng những con cá bạc má, cá cam, cá ngân to từ 1kg tới vài ký lô, là lộc biển đầu năm, có chiếc về không. Những người trở về từ lòng biển cũng nhanh chóng bỏ lại đồ nghề trên bến, chỉ đem cất một ít dụng cụ cần thiết rồi tranh thủ xách những con cá cam, cá chang tươi rói, nhảy đành đạch về làng. Lộc biển từ chuyến đi xắp được chia đều cho số người đi. “Bữa nào tôi cũng ra biển lúc 6 - 7 giờ sáng, về lúc 10 - 11 giờ trưa và chiều lại ra lúc 3 - 4 giờ, về lúc 6 - 7 giờ tối, chủ yếu làm xắp. Nghề này không kể nắng mưa, chỉ trừ những hôm biển động, cũng không kể ngày nghỉ hay tết vì đã gắn với biển rồi” - một ngư dân nói.
Ngày xuân, bến phà ngang qua Tam Hải đông hơn thường lệ. Ảnh: H.L |
Theo lão ngư Huỳnh Văn Đạo (thôn Thuận An), cả thôn có cả trăm ghe thuyền lớn nhỏ mưu sinh từ biển. Người đi biển không lo đón giao thừa, đón tết ở đất liền hay ở biển vì hễ có cá là đi. Có khi theo đàn cá mà phải đón giao thừa rồi ăn tết trên biển là thường. “Dù đón giao thừa hay đón tết trên biển thì vẫn sẵn có rượu, thịt, có bánh mứt lai rai, rồi người thuyền này sử dụng thúng chai bơi qua thuyền kia chúc tết nên ấm lòng. Dịp tết, giá cá, mực, tôm ghẹ, ốc đều đắt gấp đôi so với ngày thường vì nhu cầu tăng mà người đi biển rất ít nên thương lái rất hồ hởi. Trước khi đi lấy lộc biển, các phương tiện ở đây đều đã cúng biển cầu mong một năm thuận buồm xuôi gió” - lão ngư Đạo chia sẻ.
Đêm xuống, Tam Hải chìm dần vào tĩnh lặng, chỉ còn lại tiếng xào xạc của rừng dương, của sóng biển. Chia tay lão ngư nặng lòng với biến, rồi chuyến phà cuối cùng của ngày xuân cũng kịp đưa chúng tôi sang bờ bên kia, mang theo tâm tình và sắc xuân của biển. Gió xuân về đêm mát lành, bỏ mặc những hối hả, tấp nập, chỉ còn là sự chan hòa của đêm xuân…
HOÀNG LIÊN