Cây sâm...cô đơn
Tổ chức chợ phiên hằng tháng để giới thiệu, trao đổi, buôn bán sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu ở vùng đất “nóc nhà Đông Dương” này, vậy thì còn gì nữa không? Bán sâm riết, mà sâm đâu phải là nồi cơm Thạch Sanh, nếu hết thì tính sao đây? Đó là những câu hỏi đeo trong đầu tôi và bao người.
Nóc Tắc Ngo thôn 3 Trà Linh, nơi coi là giàu nhất huyện. Ảnh: Trung Việt |
Sâm Ngọc Linh được Chính phủ coi như quốc bảo. Chuyện này ai cũng nghe rồi. Nhưng ở xứ mình, có biện minh cỡ nào đi nữa, thì giữa nghe và thực hiện, đường còn xa lắm. Cái gật đầu của Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu, không hẳn là mệt mỏi, nhưng như là lẽ đương nhiên. Khách quan mà nói, sâm quý Ngọc Linh, từ nhiệm kỳ này mới… sôi nổi trên diễn đàn, ngoài chợ đến công sở. Lãnh đạo Nam Trà My bám chặt cây sâm, chưa nói làm giàu, nhưng đó là cánh cửa, không dám nói là duy nhất, để tạo cú hích thoát nghèo.
Hỏi - đáp
“Phát triển sâm Ngọc Linh thành tầm quốc gia (tầm thực tế chứ không phải giấy tờ hành chính), ngoài chuyện khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư, thì thực tế Nhà nước cần giúp họ cái gì cụ thể?”. “Hiện nay, 1ha được ký quỹ 100 triệu đồng; mỗi DN chỉ được phép thuê dịch vụ môi trường rừng tối đa là 300ha”. “Có được lãi suất ưu đãi ngân hàng không?”. Câu trả lời là không. “Phát triển vùng sâm, khó khăn chính là giống, vấn đề di thực ra sao? Chế biến sâu để biến thành mỹ phẩm, dược phẩm, lộ trình từ trung ương thế nào?”. “Vấn đề di thực, hiện nay chính quyền địa phương lập dự án; trước tiên di thực ra các huyện miền núi và trung du của tỉnh; tiếp đến là di thực ra các tỉnh có điều kiện tự nhiên tương đồng (đất đai, độ cao so với mực nước biển…). Hiện nay UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban Dân tộc Trung ương xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trình Chính phủ xem xét”.
Bày bán sâm tại chợ phiên hằng tháng ở Nam Trà My . |
“Đến nay, có bao nhiêu bộ vào cuộc, và họ đã làm gì? Nếu cần và đủ, thì còn bộ nào?”. “Đến nay, chỉ có 1 bộ tham gia phát triển sâm Ngọc Linh (Bộ KH&CN) với nhiệm vụ giúp địa phương thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh. Để sâm Ngọc Linh phát triển tầm quốc gia cần phải có sự vào cuộc của các Bộ NN&PTNT (sản xuất giống chất lượng cao, công nghệ chế biến sau thu hoạch…); Bộ TT-TT (tuyên truyền quảng bá); Bộ Công Thương (xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh ra thị trường nước ngoài).
“Vậy Chương trình quốc gia về sâm Ngọc Linh cần có cái gì? Đầu tư chiến lược thực chất, cần gì?”. “Cái này mình nói được, và đã nói nhiều lần. Nhưng trung ương cần tính toán”.
“Huyện và tỉnh nhiều lần đi tham quan Hàn Quốc, có học được “sàng khôn” nào ở xứ sở kim chi không, khi sâm của họ, nhìn đâu cũng thấy?”. “Chúng ta phải dần dần chuyển giao từ nhà nước sang cho các DN làm chủ để chủ động trong việc phát triển sâm Ngọc Linh, khuyến khích thành lập hiệp hội sâm trên toàn quốc; Nhà nước chỉ ban hành cơ chế, chính sách, chiến lược nhằm định hướng cho DN phát triển. Nhà nước cần mở rộng xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài; bên Hàn Quốc, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu qua con đường thương mại, còn lại các chợ kinh doanh mua bán sâm thì ít, do vậy, cần phải có chiến lược giới thiệu sản phẩm, tổ chức các hội chợ sâm tại các quốc gia…”.
Dưới nóng trên lạnh
Trên đây là đối thoại giữa tôi và Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Hồ Quang Bửu. Nói hết ra như thế, để thấy cây sâm xứ Quảng đang… cô đơn. Ai cũng thấy nó quý, mình trong cuộc càng thấy, nhưng đây không phải trồng để bán. Cây sâm khi chỉ đi qua một công đoạn mua - bán, là “cầm vàng mà để vàng rơi”. Cái mình cần là sản phẩm chất lượng từ sâm, trong đó đặc biệt là mỹ phẩm và dược phẩm. Đường sá khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, là yếu tố khách quan, nhưng liệu câu chuyện “quốc bảo” sẽ thành hiện thực hay chỉ là ước vọng của riêng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi như đã nói, mọi thứ còn… bấp bênh lắm? Nói thẳng, để bộ ngành trung ương coi chuyện phát triển sâm là chuyện sinh - tử để thoát nghèo, làm giàu, là chuyện không dễ dàng. Đó là lối làm việc “trên nóng dưới lạnh”, còn chuyện này thì ở cơ sở nóng ruột, trên thì lạnh tanh.
Ông Bửu trần tình: “Tôi ra Hà Nội miết, cũng vì cây sâm, đến nỗi ngoài đó thấy mặt là nói “à, anh sâm ra đó”. Nói thiệt, cây sâm Ngọc Linh Nam Trà My bây giờ được thiên hạ biết tới, công đầu thuộc về truyền thông!”.
Giấc mơ chuỗi giá trị
Chẳng dễ dàng chút nào. Nếu trồng sâm chỉ riêng cho Nam Trà My, chẳng ai cấm, lãnh đạo huyện cũng chẳng cực nhọc, dân cứ trồng cứ bán, bây giờ họ biết cái giá một củ bao nhiêu rồi. Nhưng nếu chỉ vậy, thì nói làm gì, khi thời buổi của những thương hiệu bao giờ cũng gắn liền với chuỗi giá trị. Trồng, chế biến, bán, rồi tái đầu tư để nó sống khỏe, xem ra ở xứ mình, tư nhân làm giỏi hơn Nhà nước, lẽ đơn giản là họ lời lỗ tự chịu.
Công nghiệp - quy mô lớn - chất lượng tốt, là 3 mắt xích quyết định thắng thua trong điều kiện làm nông nghiệp bây giờ, nếu không sẽ chỉ là bài ca manh mún. Thử nhìn ở Nam Trà My, cây sâm có được gì rồi, khi soi chiếu vào đó? Chưa có gì hết. Ngay cả chuyện làm thế nào để phát hiện ngay sâm thật - giả, cần máy móc hiện đại, giờ cũng chưa có. Tôi nói với ông Bửu rằng, tiền từ sâm là tiền tỷ, nhưng cứ như lâu nay, thì đồng tiền cũng chỉ để xây nhà, mua xe. Chấm hết. Mà chỉ có vậy, thì đó là tư duy trọc phú. Cái này đang nổi lên ở vùng Trà Linh. Lỗi không phải ở người dân. Cuộc cách mạng thay đổi tư duy, để tạo ra cơn đột phá về cảm xúc văn minh hiện đại có từ sâm, không dễ dàng, nhưng nếu không làm, thì không bao giờ có được. Ủy ban Quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh phải ra đời, có cơ chế đặc biệt, làm thực thụ, xem sâm thực thụ là quốc bảo để đi ăn nói với người ta, thì may ra mới chuyển động đem lại chuỗi giá trị lớn. Không có được điều đó, khó lắm…
Hiện có 2 tập đoàn lớn xúc tiến đầu tư vào vùng sâm là TH và VinGroup. Những ông lớn thò tay vào nông nghiệp, bao giờ cũng là điềm lành, bởi thực tế không cần dẫn giải nữa. Thôi thì mong vậy, bởi đôi khi, đừng nghĩ đến kết cục, chỉ bay lượn trong cảm giác chờ đợi, cũng tích được năng lượng tốt. Như bây giờ là mùa đông, cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh đang ngủ đông, mùa tháng ba, nó sẽ ra hoa…
TRUNG VIỆT