Hòa nhịp đập thị thành
Từ núi rừng họ xuôi xuống phố, vào làm việc tại các khu công nghiệp. Những cách biệt về lối sống, văn hóa là những rào cản lớn. Và mỗi ngày họ cố gắng hòa vào nhịp đập đô thị.
Làm việc trong môi trường công nghiệp, lao động miền núi đang từng bước hòa nhịp sống thị thành. Ảnh: Phương Thảo |
1. Xa núi đã hơn một năm, Hồ Thị Phối (sinh năm 1999, xã Trà Tập, Nam Trà My) dần quen với cuộc sống mới ở Tam Kỳ. Theo con đường học nghề dành cho lao động miền núi, Phối rời quê xuống phố. Đã học xong lớp 12, Phối có nhận thức tốt hơn về con đường lập nghiệp. Chỉ có một nỗi buồn mà hàng đêm Phối luôn đối mặt là nhớ cha mẹ và em, nhớ núi rừng Nam Trà My. Quê không như phố. Quê yên bình, tĩnh lặng. Ở phố, nhiều cái “sợ” hơn. Mỗi ngày trôi qua theo một chu kỳ quen thuộc, Phối từ nhà trọ đến công ty rồi về nhà trọ. Ngày nghỉ, bạn bè cùng công ty, cùng quê rủ nhau đi thăm phố. Những hàng quán đông đúc nhưng Phối và bạn bè cảm thấy lạc lõng. Phối kể: “Lúc mới xuống đây, tôi và bạn bè thấy sợ. Vào công ty thì sợ làm không quen, sợ hư hàng sẽ bị la. Ra đường sợ người ta nhìn mình bằng con mắt khác, sợ họ coi thường vì mình là người dân tộc thiểu số. Ra hàng quán thì sợ mình không đủ tiền trả cho ly nước hay món ăn. Nhưng đó chỉ là cảm giác riêng mình, mọi người đối xử rất tốt nên mình cũng dần quen”.
Cuộc sống mới khiến Phối phải thay đổi mọi thứ, từ lối sống, cách ăn mặc, cách làm việc. Đi làm ở trong môi trường công nghiệp có tính khuôn phép chặt chẽ. Mỗi ngày Phối phải nhớ đến Công ty Vast Apparel (CCN Tam Đàn, Phú Ninh) đúng giờ, quẹt thẻ chấm công. Phối tự nhủ phải cố gắng, mục đích lớn nhất là đi làm có thu nhập, phần lo tiền ăn tiền trọ, phần phụ giúp bố mẹ. Phối bộc bạch: “Dù đã một năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn phải học nhiều hơn nữa, cố gắng nhiều hơn để tay nghề vững vàng. Từ nhỏ đến lớn chưa một lần xuống phố, lần này là lần đầu tiên nhưng lại đi lâu, đi để lập nghiệp chứ không phải đi chơi. Nhưng tôi đã xác định rồi, quyết tâm đi làm nên phải hòa nhập với mọi người và làm tốt phần việc của mình”.
2. Ba tháng đi làm ở Công ty Panko (KCN Tam Thăng), mọi chuyện đều còn mới mẻ với chị Nguyễn Thị Thanh Đông (sinh năm 2000, xã Phước Gia, Hiệp Đức). Áp lực cuộc sống chốn thị thành và công việc lớn hơn nhiều so với sự tưởng tượng của Đông khi chưa rời quê. Đông tâm sự: “Áp lực nhiều lắm, nhưng phải cố gắng. Nhưng tôi không vì áp lực mà bỏ về lại quê như nhiều bạn khác. Bạn tôi có người nói về nộp hồ sơ xin đi học tiếp, học trung cấp cũng được, đi học sướng hơn đi làm. Nhưng tôi xác định phải đi làm, vì ở nhà đã có anh trai đang đi học đại học nên tôi không thể học tiếp. Rồi còn ba đứa em nhỏ đang đi học nữa, mình phải đi làm giúp ba mẹ nuôi tụi nó”.
Lớn lên ở quê, thấy cảnh con gái nghỉ học thì lấy chồng, con trai thôi học lấy vợ. Cuộc sống gia đình của những người trẻ cứ quẩn quanh cái nghèo. Phụ nữ ở miền núi thường gánh vác hết mọi việc; phía trước địu con, phía sau gùi củi, rau sắn, Đông thấy sợ. Bởi vậy, Đông cố gắng học hết lớp 12 để được đi học tiếp. Nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép, nên cô gái trẻ rẽ lối. Bởi Đông xác định “học đại học hay cao đẳng đâu phải là con đường duy nhất, học nghề để đi làm vẫn là con đường tốt, nhanh cho thu nhập hơn”. Thế nên Đông chọn học nghề may công nghiệp ngay khi kết thúc lớp 12. Sau 3 tháng học và thực tập, Đông đã trở thành một thợ may trong môi trường làm việc hiện đại. Bắt nhịp nhanh là lợi thế giúp Đông hòa nhập tốt với công việc, với mọi người. Đông vui vẻ khoe: “Tháng này gần tết, hàng nhiều nên công ty tăng ca. Có tăng ca là có thêm thu nhập. Hiện thu nhập của tôi gần 7 triệu đồng. Công việc tuy có phần mới mẻ nhưng mình cố gắng học hỏi, hòa nhập thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn”.
Rẽ lối nào cũng gặp nhớ thương, nỗi nhớ ba mẹ, thương em, nhớ quê cứ cồn cào ruột gan cô gái trẻ. May mắn là trong phòng ở ký túc xá do công ty bố trí, có 8 người cũng tuổi như Đông và từ nhiều miền quê tới, nên họ chia sẻ, động viên nhau cố gắng. Ngày nghỉ, họ góp với nhau, đi vào phố để làm quen với nhịp sống phố thị, cho vơi nỗi nhớ quê, nhớ núi.
Những ấp ủ dựng xây một cuộc sống mới bớt nghèo khổ, nhọc nhằn là động lực giữ chân người trẻ đến từ miền quê nghèo như Đông ở lại với phố thị. Đô thị với họ vẫn còn lạ lẫm nhưng rồi họ sẽ quen, và sẽ sống như những cư dân đến từ khắp nẻo.
LÊ DIỄM