Đặt bia tri ân Alexandre de Rhodes ở Ba Tư

TRẦN TRUNG SÁNG 07/02/2019 06:27

Năm 2019, tròn 100 năm ngày vua Khải Định xuống chiếu chấm dứt các khóa học và khoa thi chữ Hán, công nhận chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thức của dân tộc Việt trên toàn cõi Việt Nam.

GS. Nguyễn Đăng Hưng cùng các thành viên đoàn hành hương chụp ảnh lưu niệm sau buổi lễ tri ân.
GS. Nguyễn Đăng Hưng cùng các thành viên đoàn hành hương chụp ảnh lưu niệm sau buổi lễ tri ân.

Tháng 11.2018, để bày tỏ lòng tri ân linh mục Alexandre de Rhodes – người đã có công lớn trong việc hình thành chữ Quốc ngữ, GS. Nguyễn Đăng Hưng, Viện trưởng Viện vinh danh chữ Quốc ngữ và bảo tồn tiếng Việt (Đại học Duy Tân Đà Nẵng) cùng nhiều thành viên trong và ngoài nước đã tổ chức buổi hành hương thăm viếng và gắn bia tri ân tại mộ phần Alexandre de Rhodes. Đây cũng là lần đầu tiên, suốt mấy trăm năm qua, một phái đoàn người Việt viếng mộ người sáng lập chữ Quốc ngữ. Dịp này, GS.Nguyễn Đăng Hưng đã cho chúng tôi biết:

- Vào sáng ngày 5.11.2018, đúng ngày giỗ thứ 358 năm linh mục Alexandre de Rhodes, tại thành phố Isfahan, Ba Tư (Iran), bia tri ân của đoàn Việt Nam đã được chính thức khánh thành long trọng và trang nghiêm tại mộ phần của ngài. Buổi lễ có sự tham dự của chính quyền thành phố (ông Mazaheri, cộng đồng Hồi giáo tại Isfahan), cộng đồng chủ quản (ông Gestabian, cộng đồng Cơ đốc giáo Armenian tại Isfahan), nhà thờ VANK (bà Gukasian, Trưởng phòng quan hệ dân chúng) và 20 công dân Việt Nam đến từ ba miền đất nước, có cả người Việt định cư ở nước ngoài…

Tại buổi lễ, một tấm lụa lớn mang đến từ Hội An có in hình trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của dân tộc Việt được phủ lên mộ phần Alexandre de Rhodes.
Tại buổi lễ, một tấm lụa lớn mang đến từ Hội An có in hình trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của dân tộc Việt được phủ lên mộ phần Alexandre de Rhodes.

Từ cơ duyên nào giáo sư cùng đoàn đã tổ chức chuyến đi vừa qua?

- GS. Nguyễn Đăng Hưng: Ngày 31.12.2017, lo lắng về đợt tấn công ồ ạt vào chữ Quốc ngữ của một vị nguyên PGS.TS - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, tôi có nêu một đề nghị khá táo bạo trên Facebook với nội dung: “Tôi đề nghị người Việt chúng ta trong và ngoài nước đồng tâm hiệp sức tạo điều kiện di dời hài cốt của cụ Alexandre de Rhodes, chọn một địa điểm chôn cất thật trang trọng, để dân Việt có điều kiện thăm viếng thắp hương tri ân vị ân nhân của toàn dân tộc”. Ý kiến này đã được đón nhận một cách nồng nhiệt và tích cực. Cũng từ hôm ấy, tôi tiếp tục tìm hiểu nhiều hơn nữa về sự ra đời của chữ Quốc ngữ, về những thử thách trong việc vinh danh và tri ân linh mục Alexandre de Rhodes.

“Hôm nay, chúng tôi, những người dân từ Việt Nam xa xôi, là nội trợ gia đình, là hướng dẫn viên du lịch, là chuyên gia nhiếp ảnh, là nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cổ học, giáo sư đại học, đến từ Nam, Trung, Bắc, có người định cư ở nước ngoài hồi hương. Chúng tôi vượt không gian trên 6.000km tụ tập về đây, nhân ngày giỗ thứ 358 của ngài. Chúng tôi kính cẩn đặt bia tri ân, với tư cách là người Việt Nam, nói tiếng Việt và sử dụng mỗi ngày chữ Quốc ngữ.
Chúng tôi ghi rõ lòng biết ơn sâu xa của chúng tôi lên bia đá:
“Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác chữ Quốc ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latinh”. Ngài đã góp phần cho ra đời một sản phẩm văn hóa tuyệt vời giúp cho người Việt có cơ hội nhanh chóng hòa nhập với thế giới văn minh, giúp các trẻ em Việt Nam có thể nhanh chóng biết đọc và biết viết, thoát ra những rối rắm của cách viết tượng hình vay mượn từ Trung Hoa.
Chúng tôi tin tưởng rằng từ nay, tấm bia đá lấy từ Quảng Nam này, nơi ngài lần đầu đặt chân đến học tiếng Việt, sẽ mãi mãi đứng dưới chân ngài, đem đến cho ngài hơi ấm và lòng biết ơn sâu sắc của người Việt chúng tôi!”.
GS. Nguyễn Đăng Hưng (trích bài phát biểu tại Lễ viếng mộ và gắn bia tri ân linh mục Alexandre de Rhodes)

Thay vì phản bác liên tục, có khi nặng nề các đề nghị không hợp lý hợp tình về phương thức cải tổ cách viết tiếng Việt, tôi cho rằng sẽ tích cực hơn nếu ta vinh danh chữ Quốc ngữ và việc nên làm ngay là tri ân các bậc tiền bối đã tham gia cống hiến cho ra đời, phát triển chữ Quốc ngữ. Từ đấy dẫn đến ý tưởng đặt bia tri ân ngài Alexandre de Rhodes tại Isfahan, Iran, nơi ngài mất ngày 5.11.1660, năm năm sau khi ngài được Đức Giáo hoàng gửi sang hành đạo, thay vì cho phép ngài trở lại Đại Việt.

Vậy là vào tháng 11.2018, tôi quyết định tổ chức một phái đoàn công dân Việt Nam sang Isfahan (cố đô xứ Ba Tư, Iran ngày nay) viếng thăm và dâng hoa tại phần mộ của cố linh mục Alexandre de Rhodes. Đồng thời dịp này nếu điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ dựng 3 tấm bia tri ân ngài trong nghĩa địa Cơ đốc giáo của cộng đồng người Armenia tại Isfahan, dưới chân ngôi mộ nơi ngài đã được an táng.

Sau khi đích thân đi tiền trạm, tìm hiểu và giải quyết những thủ tục hành chính địa phương và nhà thờ cho phép đặt bia, tôi đã may mắn nhờ có mối giây liên lạc tốt với những người bản xứ và chuẩn bị kỹ lưỡng trước, nên nhanh chóng vượt qua các vướng mắc. Cuối cùng, kết quả đã diễn ra như mong muốn.

Thưa giáo sư, đoàn hành hương viếng mộ ngài Alexandre de Rhodes vừa qua gồm bao nhiêu thành viên? Có những tổ chức nào cùng tham gia?

- GS. Nguyễn Đăng Hưng: Phái đoàn gồm có tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, nhà văn Hoàng Minh Tường, cùng 17 người Việt Nam là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, doanh nhân, và những người quan tâm đến việc bảo tồn chữ Quốc ngữ. Chúng tôi có đủ sắc thái như một xã hội Viêt Nam thu nhỏ, nhưng không đứng trong bất cứ tổ chức nào, ngoài tôi là Viện trưởng Viện vinh danh chữ Quốc ngữ và bảo tồn tiếng Việt, trực thuộc Đại học Duy Tân Đà Nẵng.

Cảm xúc của giáo sư ra sao khi đứng trước mộ Alexandre de Rhodes?

- GS. Nguyễn Đăng Hưng: Cảm xúc này không chỉ riêng tôi, mà anh em  đi cùng đoàn cũng đã chia sẻ ghi lại trên trang Facebook của tôi: “Chúng tôi tin tưởng rằng từ nay, tấm bia đá lấy từ Quảng Nam này, nơi ngài lần đầu đặt chân đến học tiếng Việt, sẽ mãi mãi đứng dưới chân ngài, đem đến cho ngài hơi ấm và lòng biết ơn sâu sắc của người Việt chúng tôi!”. GS.Hưng đọc mấy lời cuối trong nghẹn ngào vì xúc động. Cả đoàn và ngay cả khách quốc tế đã chứng kiến giây phút bất ngờ: “Không ai cầm được nước mắt vì cảm động dâng trào! Tiếng nói từ trái tim đã đánh động mọi trái tim...”.

Sau chuyến đi vừa qua, giáo sư có dự kiến gì đề xuất với những người có trách nhiệm trong nước về vấn đề này trong thời gian tới?

- GS. Nguyễn Đăng Hưng: Chúng tôi hy vọng mọi người cùng đoàn sẽ gặp lại một ngày không xa, trong buổi khánh thành quan trọng hơn, đó là ngày khánh thành Không gian tri ân và tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ tại Việt Nam. Không gian này sẽ được phát động thiết kế, huy động vốn thực hiện, bắt đầu từ năm 2019, năm kỷ niệm 100 năm ngày vua Khải Định xuống chiếu chấm dứt các khóa học và khoa thi chữ Hán, công nhận chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thức của dân tộc Việt trên toàn cõi Việt Nam.  Mong thay có được sự hưởng ứng đóng góp của đông đảo người Việt ở trong và ngoài nước, thành viên cũng như của các tổ chức văn hóa Việt Nam và quốc tế!

TRẦN TRUNG SÁNG

TRẦN TRUNG SÁNG