Kết nối thị trường ASEAN

NGUYÊN KHẢI 05/02/2019 10:53

Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2019) diễn ra tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh mới đây đã trở thành cơ hội xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam (trong đó có Quảng Nam) đến với đối tác, doanh nghiệp lữ hành ASEAN và thế giới.

Khách thị trường ASEAN đến Quảng Nam còn khá thấp. Trong ảnh: Tam Hải ngày mới. Ảnh: Lâm Tứ Khoa
Khách thị trường ASEAN đến Quảng Nam còn khá thấp. Trong ảnh: Tam Hải ngày mới. Ảnh: Lâm Tứ Khoa

Sự kiện nổi bật nhất của ATF chính là Hội chợ Travex, quy mô 450 gian hàng, thu hút khoảng 1.500 người mua (buyer), người bán (seller) và các cơ quan thông tấn báo chí trong nước, quốc tế. Tham gia lần này, Quảng Nam kết hợp cùng hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế giới thiệu các sản phẩm biển đảo và di sản văn hóa thế giới, hướng đến mục tiêu thúc đẩy thị trường khách từ các nước Đông Nam Á đến miền Trung và Quảng Nam hiệu quả hơn.

Chưa tương xứng

So với các thị trường truyền thống của du lịch Quảng Nam (Úc, Tây Âu, Bắc Mỹ), ASEAN được xem là thị trường gần khi chỉ cách 1 – 2 giờ bay. Tuy vậy, những năm qua khách Đông Nam Á đến Quảng Nam tương đối thấp. Thống kê năm 2018, lượng khách của 5 thị trường thuộc ASEAN đến Việt Nam nhiều nhất (gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia) chiếm tỷ lệ chưa tới 6% trong tổng cơ cấu khách quốc tế. Dẫn đầu là Malaysia với gần 35 nghìn lượt khách (khoảng 2%), Thái Lan, gần 21 nghìn lượt khách, chiếm khoảng 1,5% trong tổng cơ cấu khách. Đặc biệt, Singapore dù được xem là trạm trung chuyển khách lớn của Đông Nam Á nhưng lượng khách du lịch đến Quảng Nam cũng chỉ hơn 11 nghìn lượt, chiếm 0,64% trong tổng cơ cấu khách quốc tế đến Quảng Nam.

Kết quả này được xem là chưa tương xứng so với những tiềm năng, lợi thế của Quảng Nam, dù thời gian qua việc trao đổi các đoàn famtrip hay tổ chức hội thảo thúc đẩy thị trường khách giữa doanh nghiệp, báo chí, nhà quản lý du lịch Việt Nam và một số nước ASEAN diễn ra tương đối thường xuyên. Có nhiều nguyên nhân giải thích điều này như sản phẩm du lịch Quảng Nam chưa có sự khác biệt và chưa phù hợp tâm lý thị trường khách ASEAN; số lượng và tần suất chuyến bay trực tiếp giữa một số nước Đông Nam Á đến Đà Nẵng còn ít. Đặc biệt, xu hướng thiên về khách châu Âu khiến các doanh nghiệp Quảng Nam ít chú trọng đến thị trường khách ASEAN...

Theo ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng, ngoài công tác quảng bá đến thị trường ASEAN còn yếu, thì một hạn chế khác đó là ẩm thực, nhất là với các nước theo đạo Hồi, vì những thị trường này đòi hỏi hệ thống khách sạn, nhà hàng phục vụ phải đủ chuẩn Halal (chuẩn của đạo Hồi). “Không riêng Hội An mà kể cả miền Trung cũng rất ít nhà hàng đạt chuẩn này, bởi  thức ăn Halal food không phải mình tự nghĩ ra chế biến được, nó phải có tiêu chuẩn và bằng cấp, tín chỉ cấp phép đạt chuẩn Halal food thì người đạo Hồi mới ăn” - ông Dũng lý giải.    

Đón đầu

Theo dự báo, thị trường khách ASEAN đến Việt Nam, Quảng Nam sẽ gia tăng trong những năm tới nhờ nhiều chính sách thuận lợi, nhất là chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho công dân ASEAN đến Việt Nam trong vòng 30 ngày và áp dụng chính sách hoàn thuế VAT của chính phủ. Bên cạnh đó, việc ra đời các đường bay thẳng như Kuala Lumpur – Đà Nẵng; Jakarta - Đà Nẵng; Chiang Mai – Đồng Hới; Singapore – Đà Nẵng… với tần suất ngày càng tăng cũng sẽ đã tạo điều kiện thu hút khách ASEAN vào Việt Nam tốt hơn.

Ông Phan Văn Tú – Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam cho biết, hàng năm trung tâm đều có chương trình xúc tiến quảng bá tại một số thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là  Singapore và Thái Lan, kể cả sản xuất phim riêng để quảng bá cho thị trường này. “Thái Lan, Singapore là hai đầu mối, cửa ngõ có khách nhộn nhịp nhất Đông Nam Á, do đó việc quảng bá, giới thiệu du lịch tại đây không chỉ thu hút khách hai thị trường trên mà còn hướng đến đối tượng khách quốc tế trung chuyển đến Việt Nam qua các sân bay này” - ông Tú phân tích. Tuy vậy, ông Tú cũng thừa nhận, một khó khăn hiện nay chính là rất ít đường bay trực tiếp từ các nước ASEAN đến Đà Nẵng, mà chủ yếu qua Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, chính sách miễn visa nhập cảnh của Việt Nam chưa rộng rãi nên khó thu hút dòng khách châu Âu đang du lịch tại Đông Nam Á nhập cảnh vào Việt Nam.

Có thể thấy, ngoài sự tương đồng về văn hóa Á Đông cùng những sở thích du lịch liên quan đến văn hóa, ẩm thực, di sản..., thị trường khách ASEAN rất tiềm năng với du lịch Quảng Nam, nơi có hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng tiện nghi; ẩm thực đa dạng, phong phú… nhất là hai Di sản văn hóa thế giới là khu phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn. Đặc biệt, sự xuất hiện ngày càng nhiều đường bay thẳng từ một số nước ASEAN đến Đà Nẵng với tần suất cao sẽ là những yếu tố thuận lợi thu hút thị trường khách Đông Nam Á. Ngành du lịch, doanh nghiệp cần có những kế hoạch và sản phẩm phù hợp để sẵn sàng đón đầu thị trường khách này.

NGUYÊN KHẢI

NGUYÊN KHẢI