Vạn dặm dưới biển

LÊ XUÂN ÁI 05/02/2019 05:32

Nhắc đến sản vật biển Cù Lao Chàm, khách sẽ nghĩ ngay đến yến sào, đến các món ngon vật lạ từ hải sản, đến những rạn san hô tuyệt đẹp. Nhưng, vạn dặm dưới biển còn nhiều thứ hấp dẫn khác. Và đây là hai trong số đó đang được những người có trách nhiệm ra sức bảo tồn.

Cá hề hồng xám và cá hề đỏ cà chua. Ảnh: Lê Xuân Ái
Cá hề hồng xám và cá hề đỏ cà chua. Ảnh: Lê Xuân Ái

HẢI QUỲ & CÁ HẢI QUỲ

Các nhà khoa học trên thế giới đã thống kê trong lòng đại dương có hơn 1.000 loài hải quỳ nhưng chỉ có 29 loài cá hải quỳ được xác định. Cá hải quỳ có tên tiếng Anh là anemonefish hay còn gọi là cá hề (clownfish) và tên gọi khác là cá khoang cổ. Tại vùng biển Việt Nam đã thống kê được 7 loài, riêng tại vùng biển Cù Lao Chàm, qua khảo sát chúng tôi xác định được 6 loài, trong đó có 5 loài cá hải quỳ sống gần gũi với các rạn san hô cứng và mềm. Đó là cá hải quỳ màu đỏ cà chua (Tomato clownfish); cá hải quỳ vây cam (Ogange-fin clownfish); cá hải quỳ hồng xám (Pink skunk clownfish); cá hải quỳ màu vàng (Yellow clownfish); cá hề đuôi vàng (Yellowtail clownfish) và duy nhất có loài phân bố trên nền cát gần với thảm cỏ biển đó là cá hề yên ngựa (Saddleback clownfish). Việc phát hiện nhóm cá hải quỳ tại vùng biển Cù Lao Chàm đã khẳng định thêm giá trị nổi trội về mặt sinh thái, đa dạng sinh học của vùng biển này.

Hải quỳ và cá hải quỳ là nhóm sinh vật biển mềm mại, màu sắc sặc sỡ rất hấp dẫn cùng tồn tại với san hô và cỏ biển. Hệ sinh thái rạn san hô cùng với hàng ngàn loài sinh vật biển chung sống được xem là hệ sinh thái có năng suất sinh học cao nhất và tuyệt vời nhất về giá trị thẩm mỹ của thế giới đại dương; chúng có quan hệ hội sinh cùng tồn tại cùng phát triển, trong đó hải quỳ, cá hải quỳ là một điển hình cho mối quan hệ cộng sinh, đồng tiến hóa ấy.

Hải quỳ là nhóm sinh vật thân mềm, nhiều màu sắc với rất nhiều xúc tu, trông vẻ bề ngoài như những bông hoa đẹp, vô hại nhưng thực chất chúng là loài “quái vật” ăn thịt rất đáng sợ. Chúng sử dụng các xúc tu mềm mại để tiếp cận con mồi, bất ngờ tiêm nọc độc khiến con mồi bị tê liệt và sau đó nuốt chửng. Thức ăn ưa thích của chúng là các loài cá nhỏ, động vật giáp xác, trai, thậm chí cả chim biển. Duy nhất chỉ có các loài cá hải quỳ được sống yên ổn quan hệ hội sinh với hải quỳ, chúng có thể tung tăng qua lại giữa các xúc tu đầy chất độc của hải quỳ mà không nguy hiểm gì. Có lẽ vì vậy mà con người đặt cho chúng cái tên cá hải quỳ.

Cá hải quỳ là loài cá nhỏ, lớn nhất cũng chỉ dài đến 18cm, thường có một khoang trắng gần mang nên được gọi là cá khoang cổ; còn cái tên cá hề có lẽ do chúng rất hiếu động, bơi tung tăng quanh ngôi nhà (hải quỳ), thậm chí chúng còn tấn công, cắn vào du khách nếu xâm nhập quá gần lâu đài mà chúng đang hội sinh.

Không có giá trị về thực phẩm, nhưng các loài cá hề và hải quỳ là đối tượng được khai thác phục vụ cho ngành thương mại xuất - nhập khẩu cá cảnh biển rất sôi động trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đó là lý do mà nguồn lợi cá cảnh nước mặn trong đó có hải quỳ và các loài cá hải quỳ trong tự nhiên ở nước ta bị suy giảm nghiêm trọng, nhưng chưa được quan tâm bảo tồn đúng mức.
Về giá trị của nguồn lợi hải quỳ, nhà khoa học Dan Rokhsar - Giáo sư di truyền học thuộc Đại học California (Hoa Kỳ) cho biết: “Hải quỳ là động vật bất tử. Chúng có thể sống đến 100 năm, dường như chúng không có tuổi già”.

Ngày nay, một số nhà khoa học trên thế giới đã và đang nghiên cứu khả năng sống kỳ diệu của hải quỳ để tìm ra các loại biệt dược phục vụ đời sống con người. Vì thế, hải quỳ và cá hải quỳ là một bộ phận quan trọng trong các hệ sinh thái biển, rất cần được quan tâm quản lý, bảo tồn và phát triển bằng pháp luật.

LÊ XUÂN ÁI

TRAI TAI TƯỢNG

Trai tai tượng hay còn gọi là sò tượng có tên khoa học là Tridacna gigas, lớn và nặng nhất trong các loài thân mềm. Trên thế giới có con dài tới 1,35m, nặng hơn 260kg, mặt trong trơn có màu trắng ngà, mặt ngoài nổi 6 gờ lớn và có màu trắng hơi xám. Đây là loài thủy sản được mệnh danh “khủng long” dưới đáy biển. Cù Lao Chàm là một trong số ít địa phương trong cả nước sở hữu trai tai tượng nhưng đáng tiếc là đang suy giảm bởi từng bị đánh bắt làm nguồn thức ăn bổ dưỡng, sản phẩm xuất khẩu mang lại thu nhập đến hàng chục triệu đồng/con. Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tổng trữ lượng quần thể trai tai tượng ở Cù Lao Chàm còn khoảng 3.700 cá thể. Loài chiếm ưu thế là Tridacna maxima với tỷ lệ gần 75% tổng số lượng.

Trai tai tượng có xu hướng giảm mạnh số lượng ở nhóm kích thước trên 260mm và rất hiếm gặp ở kích thước chiều dài trên 300mm. Hiện tại, 95% số lượng trai tai tượng ở Cù Lao Chàm có chiều dài nhỏ hơn kích thước cho phép khai thác trong tự nhiên. Trai tai tượng ở Cù Lao Chàm đang chịu tác động xấu của ô nhiễm môi trường biển. Đặc biệt, lắng đọng trầm tích đã tác động trực tiếp đến khả năng sinh tồn của chúng vì trai tai tượng không thể sinh sống được ở những nơi có độ đục cao. Trai tai tượng ở Cù Lao Chàm còn lại rất ít, với mật độ chỉ 1,34 cá thể/500m2 nên khả năng tự phục hồi trong tự nhiên rất khó khăn, cần có những giải pháp nhằm bảo vệ, phục hồi.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, trước mắt cần chuyển vị trí trai tai tượng ở các khu vực khó quản lý, có mật độ thấp về dinh dưỡng sang khu vực thuận lợi hơn để tăng cơ hội thụ tinh giữa các cá thể trong mùa sinh sản, tạo được nguồn giống bổ sung trong tự nhiên. Về lâu dài, phải bảo vệ môi trường nước biển, chất lượng các hệ sinh thái rạn san hô trong khu vực. Đặc biệt, cần ngăn chặn gia tăng độ đục của nước biển, gây lắng đọng trầm tích ở các khu vực sinh sống của trai tai tượng.

QUANG VIỆT

LÊ XUÂN ÁI