Dạo chơi ở xứ người
Canley Vale (thuộc TP.Fairfield) là ngoại ô của Sydney, cách thành phố cảng có Nhà hát con Sò nổi tiếng chừng 30km. Nên mẹ bảo “nó giống từ Ái Nghĩa ra Đà Nẵng”.
nhà thờ chính tòa của Úc ở Sydney. Ảnh: Cô Giang |
Phố Cambridge, nơi em tôi ở, nằm trên xa lộ Canley Heights nên sáng trưa chiều chỉ thấy ô tô và ô tô. Là trục đường chính, nhà ngay chân dốc nên nó gợi nhớ căn nhà của chị em chúng tôi ở chân dốc ngã tư Ái Nghĩa (Đại Lộc). Canley Vale cho cảm giác một thị trấn yên bình, dù nó là nơi đông dân của New South Wales.
Ngày tôi đến Canley Vale, nắng chang nhưng tôi phải co ro trong áo ấm vì cái lạnh 17 độ. Những vạt cỏ bồ công anh, cúc vàng chạy dọc hai bên đường uốn lượn như trailer phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Em tôi bảo, hoa ở đây không trồng, mùa xuân, gió từ biển vào thổi phấn hoa bay đầy, rồi tự mọc.
“Quê nhà xa lắc xa lơ đó…”
Nếu du khách ưng nói chuyện bằng tiếng Việt, chỉ cần ra khu chợ cách phố Cambridge chừng 1km. Các cửa hiệu lớn, quầy hàng lâu đời ở chợ chủ yếu là của người miền Nam di cư “sau bảy lăm”. Vừa bước vào chợ, đã nghe giọng ngọt xợt của Lệ Thủy và Minh Vương: “Anh trách em sao nỡ vội lấy chồng/Không chờ không đợi anh kiếm lá diêu bông…” vẳng lại từ máy cassette nào đó.
Và, nếu muốn ôm trọn Việt Nam vào lòng, thì chạy ô tô thêm 10 phút sang khu Cabramatta. Đây được cho là phiên bản thu nhỏ của Sài Gòn xưa. Cabramatta là “Sài Gòn ban ngày” vì tất cả siêu thị, nhà hàng chỉ mở cửa đến tầm 6 giờ tối. Còn Canley Heights là “Sài Gòn về đêm”, vì các quán cà phê, nhậu hay hàng quán khác được phép mở cửa tới 2 giờ sáng.
Hơn chục năm ở Canley Vale, em tôi bảo, nhiều thứ ở quê mình không còn, nhưng ở đây thì người ta giữ rịt. Tỉ như múa lân đêm giao thừa. Tỉ như ai cũng mặc áo dài ngày tết. Tỉ như đốt pháo vào tất niên, giao thừa và sáng mùng Một. Cả chuyện không quét rác, không quét xác pháo nữa.
Tại Cabramatta, ngay cổng Bằng Hữu (còn có tên Freedom Plaza), người ta khắc câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”. Chữ Việt ấy dễ thu ánh nhìn đầu tiên của bất cứ ai đến đó.
Thịt bê thui, phở Bắc, bún bò Huế, bánh cuốn, bánh da heo Hội An, bánh xèo... Món ngon ở Cabramatta có thể giúp khách đỡ thèm vị quê. Thứ gì cũng có. Riêng với người Quảng thì… hơi khó một chút vì cả khu thương mại rộng lớn này hoàn toàn không bán mắm cái và chuối chát.
Ở Canley Vale, dân cư là người Việt, Trung, Miên và một số nước khác; nhưng người Việt chiếm đa số với gần 30% dân số ở đây. Nên không hề lạ khi rất nhiều bãi biển ở New South Wales, các biển chỉ dẫn đều ghi bằng tiếng Anh, Việt, Trung.
Vạt cải trên đất khách
Hôm vào thư viện công cộng Sydney, tôi lạ lẫm khi thấy một người có vẻ thần kinh bất thường, ngồi nói khe khẽ ở góc đọc sách. Rồi bữa ngang qua dãy cửa hiệu sáng choang đèn điện của Hermés, Gucci, Versace, thấy vài hành khất ngồi ở phía trước xòe tay chờ bố thí; hay cuộn chăn ngủ ngon lành. Tôi “à” lên, ở mình chắc đã bị chủ tiệm “đốt phong long” xua đi. Quin, sinh viên năm 2 đại học Wollongong nói với tôi, ở đây có những thứ lạ lẫm với thói quen của người Việt mình. Họ được phép, miễn họ không vi phạm pháp luật và không ai dám đuổi họ cả.
Cái kiểu làm du lịch cũng thú vị. Một nhóm thổ dân (không hề là người sắm vai) ngồi biểu diễn nhạc cụ dân tộc ngay tại công viên gần cầu cảng Sydney. Họ là thổ dân từ bộ lạc Cabrogal, một nhóm nhỏ của bộ tộc Gandangara, đã sống ở khu vực Fairfield hàng mấy trăm năm. Và cái cách họ cùng du khách chụp ảnh, nhận tiền bo (trên tấm da hổ trải dưới hè phố) lại khiến khách cảm giác mình lạc vào bộ phim “Đến Thượng đế cũng phải cười” của Jamie Uys đắt khách một thời.
Tôi nhớ, buổi chiều ở công viên Dunninggham (cạnh bãi biển Maroubra) mẹ quờ tay vào mấy bụi tử đinh hương, cứ hít hà ngạc nhiên. Đường đến Maroubra chập chùng. Phố hao hao Đà Lạt, nhưng những con dốc ở đây thì dài và cao khủng khiếp. Từ bên đỉnh Dunninggham nhìn sang, nhà cao tầng tựa lưng vào núi, thành cả chục bậc thang, lộng lẫy.
Hai thiên thần bé nhỏ lần lượt chào đời. Bốn cái tết rồi em không về. Cuối thu ở Việt nhưng bên Úc là xuân. Em tranh thủ gieo vạt cải ở vườn sau. Cải trổ bông vàng ươm. Mẹ nói “hắn trồng để… chiều chiều ra đứng ngõ sau/ ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều”.
Hơn sáu mươi tuổi, lần đầu tiên mẹ đón tết ở đất khách. Giao thừa này, em bảo sẽ dẫn mẹ sang Tổ đình Phước Huệ hay qua khu Cabramatta. Mẹ kêu ưng nhìn lại xác pháo, mấy chục năm rồi không thấy. Hồi xưa, nhà bán pháo lẻ, phước ba đời để lại chứ không mấy chị em tôi đã tan xác vì pháo… Nó gợi cái thời khổ cực của ba mẹ, buôn gánh bán bưng. Tôi ừ, “chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi!”
Tết này, mẹ vắng nhà. Như hoa bồ công anh, mùa xuân bay đầy trong nỗi nhớ.
CÔ GIANG