Người đàn bà kể chuyện tháp cổ
Nữ TS. Patrizia Zolese quả là người không bao giờ hết chuyện. Bà nói, công việc của mình chỉ đơn giản là “Archeo Logos” - tìm những câu chuyện cổ xưa và kể lại nó cho các lớp người sau. Sau cái nhún vai, bà nhìn qua Minh và Thọ - vừa là cộng sự vừa là học trò của mình, đều đang công tác tại Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn: “nhưng họ sẽ thay tôi kể tiếp về Mỹ Sơn”.
TS. Patrizia Zolese (Quỹ Lerici, Đại học Milan - chuyên gia về khảo cổ, bảo tồn, trùng tu di tích. |
Cái rùng mình đầu tiên...
Khi tôi nói với Zolese rằng bà chính là “The lady of lost cities” - người đàn bà của những thành phố đã mất, bà đốt một điếu thuốc, trầm ngâm một đoạn, rồi lại kéo cho bằng được người đối diện đến với nhóm tháp G. “Bạn phải đi đến đấy, để xem một khoảng của Mỹ Sơn. Rồi tôi sẽ nói về những câu chuyện mà chúng tôi có được với hành trình hơn 10 năm ở đây” - Zolese nói. Được giới chuyên môn đánh giá là nhóm tháp được trùng tu tốt nhất, giữ lại được nguyên trạng kết cấu di tích, và được chọn là “hình mẫu trùng tu cho những tháp Chăm sau này”, nhóm tháp G được các chuyên gia Ý trùng tu trong hơn 10 năm (từ 2003 - 2013) mới hoàn thành. Riêng nữ TS.Zolese, kết thúc dự án nhưng cứ mỗi 6 tháng 1 lần, lại thấy bà ở Mỹ Sơn.
Không phải người nước ngoài đầu tiên đến với “thung lũng thần linh”, nhưng Zolese là người ở lâu và gắn bó mật thiết với Mỹ Sơn. Và cả vùng Đông Nam Á. Hơn 30 năm, bà đi từ Việt Nam, sang Lào, Campuchia, Myanmar. Nhưng Mỹ Sơn là nơi bà đặt nhiều tâm huyết nhất, Zolese nói. Bà nghe tên và ngay lập tức đến với Mỹ Sơn sau cái rùng mình xúc động vì lời giới thiệu của một chuyên gia UNESCO: Hãy đi và xem! Nhưng hãy nhìn vào đống đổ nát chứ không phải di tích. “Chúng ta phải đối mặt với đống đổ nát do bom đạn trong chiến tranh. Tôi cảm thấy bị xúc phạm bởi sự phá hủy các kiệt tác nghệ thuật của con người” - Zolese nói. Cùng với chồng là TS.Mauro Cucarzi, bà dành nhiều thời gian và tâm huyết để chú tâm nghiên cứu không chỉ khảo cổ, phương pháp trùng tu mà cả những giá trị văn hóa đã chìm sâu trong lòng thời gian.
Đa số công nhân ở Mỹ Sơn là người địa phương. Và khi gặp Zolese, họ không ngần ngại kể với Zolese về những vấn đề mà Mỹ Sơn đang gặp phải, như cỏ mọc trên thân tháp, hay thêm vài điểm dừng chân trong lòng thung lũng... Người đàn bà này gật đầu, rồi lại mang nó về, đưa lên những trang viết, lưu giữ lại ở kho tàng tư liệu của Quỹ Lerici, của UNESCO...
Hãy tìm ra người kế cận...
Patrizia Zolese ôm chầm lấy Lê Văn Minh, rồi quay sang nói vài lời với Nguyễn Văn Thọ. Mạch chuyện của họ, ngay lúc bắt đầu đã không tồn tại đường biên giới, không rào cản về ngôn ngữ, không gian. Vì họ, chỉ mải mê với câu chuyện của Mỹ Sơn... |
Zolese nói, không chỉ trùng tu, khảo cổ - như một chuyên gia nước ngoài với nhiệm vụ bảo tồn di sản của thế giới, quan trọng hơn, bà muốn tìm người thay nhóm chuyên gia Ý, với ý thức trân trọng từng viên gạch vỡ, từng bước chân đặt lên khu đất đền tháp cũng phải sè sẹ nhẹ nhàng.
Nguyễn Văn Thọ - chuyên viên của Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, là người học trò được Zolese lựa chọn vì nhìn thấy những tố chất như vậy ở anh. Zolese tạo mọi điều kiện để Thọ được tiếp cận với các khái niệm, tri thức về bảo tồn, trùng tu của thế giới. Zolese nói, có hai điều lớn nhất trong suốt 10 năm bà phụ trách dự án trùng tu và bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn, chính là đã nghiên cứu, tìm ra vật liệu tương đồng với loại mà người Chăm cổ sử dụng, gồm vữa liên kết và gạch phục chế. Loại nhựa cây (cùng với dầu rái) có ở rừng Mỹ Sơn, còn gạch Chăm được đặt hàng cho cơ sở gạch tại huyện Duy Xuyên theo yêu cầu kỹ thuật của các chuyên gia. Thứ hai, Zolese nói, với bà điều này cực kỳ quan trọng, các chuyên gia Ý đã đào tạo được 50 “chuyên gia nông dân” - những công nhân trùng tu di tích. Họ đã thay Zolese cũng như các chuyên gia Ý quan sát hiện trạng di tích, cùng hỗ trợ đội ngũ chuyên gia về các vấn đề của di sản hiện tại.
Chính Zolese cùng chồng của mình đã đề xuất Chính phủ Ý hỗ trợ để thành lập Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu di tích Việt Nam, đặt tại Quảng Nam. Với họ, sau các khâu trùng tu, phục dựng..., cần phải nghĩ đến câu chuyện sâu hơn. Một thế hệ kế cận với vốn liếng đủ để thay cho những chuyên gia nước ngoài mỗi khi chạm đến di sản. Còn hơn thế, nuôi ý thức rằng, mỗi di sản đều cần rất nhiều thế hệ chung tay để cơi lên những ký ức đã vùi sâu. “Vậy điều bây giờ Mỹ Sơn đang cần nhất, sau nhiều dự án trùng tu của các nhóm chuyên gia ở các quốc gia khác nhau?” - tôi hỏi Zolese. Và bà nhìn Thọ, rồi nói: “Khi việc trùng tu đã gần như đạt đến ngưỡng mục tiêu đưa ra, thì cần những luận cứ từ văn hóa, lịch sử, khảo cổ... một cách sâu sắc, để bắt đầu tiến sâu hơn đến các lớp giá trị khác”.
Hẳn đó cũng là cái cớ, để bà trở đi trở lại Mỹ Sơn. Vì vốn dĩ, Mỹ Sơn huyền bí còn đó rất nhiều kỳ thú...
SONG ANH