Nối kết núi và biển
Cư dân xưa đi biển đã từng lấy những ngọn núi trên vùng đất Quảng làm ngọn “tiêu phong” để tìm về bến đậu. Sản vật từ núi cũng xuôi về các chợ Man, chợ vạn, thương cảng quốc tế Hội An để đi ra khắp xứ. Còn biển, trở về nguồn qua “con đường muối”, đưa vị biển để nuôi sống người ở nguồn. Nối kết núi và biển từ xưa đến nay và tương lai vẫn vậy, cần như vậy…
Nhìn ra biển.Ảnh: Lâm Tứ Khoa |
Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng biển Chăm Pa, hay Biển Đông, là gạch nối giữa không gian văn hóa Sa Huỳnh - Chăm Pa - Óc Eo với Đông Nam Á hải đảo – Mã Lai đa đảo và các không gian văn hóa biển khác, từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương v.v. Do vậy, trên đất liền và thậm chí đến vùng núi vẫn có lưu vết văn hóa biển, đặc biệt như khu vực Trường Sơn Nam, từ Quảng Nam trở vào. Liên tưởng địa - văn hóa, địa - kinh tế như thế khơi gợi cái nhìn về biển, mang “chất biển” của dải đất ngửa mặt ra Biển Đông.
Dòng sông kết nối
Biển và núi kết nối qua sông. Hệ thống trao đổi ven sông đã sớm hình thành ở đất Quảng. Theo sông mẹ Thu Bồn, tuyến trao đổi hàng hóa ven sông từ Chiêm cảng - Cửa Đại, qua An Lương, Trung Phường, chợ Củi, rồi bến làng Thu Bồn, Giao Thủy, Hội Khách, Bến Dầu, lên tới Bến Giằng, Bến Hiên… Theo các sông Trường Giang, Tam Kỳ là các vạn, bến Ván, An Tân, chợ nan, ngược lên nguồn Cà Chớ, các sơn man miền Thượng.
Hàng hóa từ biển lên nguồn là muối qua “con đường muối”, rồi cá mắm, những vỏ ốc trang sức và cả những thứ mua được từ tàu buôn nước ngoài. Đồng bằng góp mặt thêm các sản phẩm làng nghề, như chiêng, ché, rìu rựa, chiếu cói, tơ lụa… Ngược lại, từ nguồn mang về đồng bằng và biển nào là trầm hương, hồ tiêu, mật ong, ngà voi, da cọp, đá quý, dược liệu… qua “con đường hồ tiêu”, “con đường trầm hương”. Có thể nói, qua hệ thống trao đổi này, một kiểu kinh tế logistics sơ khai thời cổ điển đã kết nối núi và biển.
Còn quy hoạch phát triển vùng thì sao? Trên bước chân điền dã Quảng Nam vào những năm 80 thế kỷ trước, GS. Trần Quốc Vượng đã phát hiện có một kiểu “quy hoạch” của người Chăm xưa khi hình thành một tiểu quốc theo trục đông - tây, như đường thẳng nếu nhìn từ Cà Tang, núi Chúa (dưới chân là thánh địa Mỹ Sơn) đến kinh đô Trà Kiệu, ra Chiêm Bất Lao - Cù Lao Chàm. Bên cạnh đó là dòng Thu Bồn nối cả vùng thành tổng thể hệ sinh thái núi - sông - bàu đầm - biển đảo. Theo trục ấy người xưa đã xây đền, khơi giếng, dựng làng, hình thành cảng thị, đô thị. Cũng có thể phác họa các kiểu “quy hoạch” của người xưa ở phía Nam với các trục nối “5 núi, 5 sông” của Tam Kỳ (có di chỉ Bàu Dũ, giếng Bốn Trụ, tháp Khương Mỹ…), hay nhìn từ Ngọc Linh về dãy núi răng cưa qua đồi Yên Ngựa xuống di chỉ Bàu Trám, rồi tới cửa Đại Áp.
Như một sự tiếp nối tự nhiên, trải qua nhiều biến thiên lịch sử, xứ Quảng vẫn chú trọng kết nối trục đông - tây, ngoài mạng lưới đường sông phát triển thêm đường bộ. Đồng thời trục bắc - nam, từ bước chân hành tiến về phương Nam xưa, phát triển chiều dọc men theo sông Cổ Cò và Trường Giang để nối các cửa Hàn - cửa Đại - cửa An Hòa… Không thuần là trao đổi hàng hóa, thương mại, qua các trục đông - tây, bắc - nam hình thành địa - kinh tế, địa - văn hóa, mà tương lai sẽ còn mở biên độ ra cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (theo cả trục tung - hoành).
Ngày nay, Quảng Nam tiếp bước tiền nhân, luôn nhớ biển nên ưu tiên quy hoạch sắp xếp dân cư cùng các nhóm dự án động lực phát triển vùng đông, song cũng không quên núi với các chương trình sắp xếp dân cư, quy hoạch vùng dược liệu, triển khai các dự án phát triển kinh tế rừng…
“Rừng” trong biển, “biển” trong rừng
Hội tụ sản vật núi sông đồng biển “Tại xứ Quảng Nam, ruộng đồng bao la bát ngát, lúa tẻ, ngô kê tươi tốt đẹp đẽ, cho đến các thứ hương vị như trầm hương, tốc hương, cùng tê ngưu, voi, vàng bạc, đại mao (đồi mồi), châu mộc, bông gòn, sáp ong, mật, dầu sơn, cau tươi (binh lang), hồ tiêu, cá muối, các thứ gỗ đều sản xuất ở đây cả”. (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục) |
Chiến lược kinh tế biển giai đoạn mới đặt ra yêu cầu “phát triển bền vững”. Nghĩa là để trở thành quốc gia hay tỉnh thành mạnh về biển, giàu từ biển, thì phải tăng trưởng xanh. Giữ cho biển không ô nhiễm, chống xâm thực xói lở, ăn ở với biển bằng ứng xử văn hóa thuận theo tự nhiên, thích nghi biến đổi khí hậu, giữ gìn và tôn tạo sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái biển. Từ đó mới quản lý, khai thác tài nguyên biển một cách hợp lý, khoa học.
Với Quảng Nam, Khu kinh tế mở Chu Lai được quy hoạch phát triển thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, đã mở rộng, ôm trọn gần hết vùng ven biển đông nam của tỉnh. Quanh khu vực này đã và sẽ triển khai 6 nhóm dự án động lực (gồm: nhóm dự án khu đô thị, du lịch Nam Hội An; nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô; nhóm dự án công nghiệp dệt may và hỗ trợ ngành dệt may gắn với phát triển đô thị Tam Kỳ; nhóm dự án phát triển công nghiệp và dịch vụ gắn với sân bay Chu Lai; nhóm dự án khí - năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, các sản phẩm sau khí; nhóm dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao). Nhưng lưu ý của Thủ tướng Chính phủ khi công bố điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai, là trước hết phải quản lý tốt quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, làm sao cho cư dân ở đây có chất lượng cuộc sống tốt hơn, không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển. Cả “rừng người” với quy mô vài chục năm nữa lên tới chừng nửa triệu dân ở khu kinh tế biển như vậy nếu không tổ chức cuộc sống tốt sẽ bí bách. Cho nên bao bọc các nhà máy, trung tâm công nghiệp cần phải có một hệ sinh thái nhân văn.
Vùng đông Quảng Nam, trên vệt đi qua 6 huyện thành phố ven biển cũng là nơi sinh sống của gần khoảng 2/3 số dân của tỉnh. May mắn là ngoài “mặt tiền” biển giữ được nhiều đoạn dài, còn có vành đai xanh với những cánh rừng ngập mặn, rừng trên đảo, “rừng” dưới đáy biển ở Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, và vùng đầm phá Trường Giang nối với rạn Bàn Than, Chu Lai. Giữ gìn và tôn tạo hệ sinh thái đó, giữ rừng trong biển mới nuôi biển được mà phát triển bền vững.
Trở lại câu chuyện ban đầu về sự kết nối núi - biển. Từ trên những ngọn núi làm “tiêu phong” cũng cần hướng nhìn về biển. Thông thương giờ đây không chỉ qua các con sông mà còn đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Trục hướng đông - tây có thể đưa “vị biển”, “chất biển” từ Hội An, Chu Lai xuyên sơn lên vùng cao, qua tận Lào, Campuchia, đông bắc Thái Lan. Khách và hàng hóa từ núi cũng hướng về biển, qua hệ thống logistics hiện đại. Logistics xứ Quảng đã có hành trình dài từ ghe bầu tới tàu vận tải lớn, càng cần hàng hóa từ hậu cứ kho bãi, vùng nguyên liệu và chế biến trong đất liền thậm chí lên tận biên ải rừng để “ăn hàng”. Hệ thống thông thương đó tiếp nối dòng chảy để rừng trong biển, biển trong rừng, như câu ca nhắn gửi bao đời:
“Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non (hoặc măng le) gửi xuống, cá chuồn gửi lên”.
NGUYỄN ĐIỆN NAM