Từ phố lên rừng

NGUYỄN DƯƠNG 01/02/2019 05:39

Khi nhắc đến Trần Ngọc Hiên (30 tuổi, quê TP.Tam Kỳ) - cán bộ địa chính xã Trà Nam, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My khẳng định, có thể nói đây chính là người nghĩ ra cách lấy đất đổi đất, cũng là tiền đề để việc sắp xếp khu dân cư trên địa bàn huyện Nam Trà My trở nên thuận lợi hơn, như hiện tại. “Để bố trí được một khu dân cư tập trung, phải có mặt bằng. Nhưng việc bồi thường, giải tỏa tạo mặt bằng hết sức khó khăn. Nhờ biện pháp đất đổi đất và vận động bà con hiến đất của Trần Ngọc Hiên, việc đó đã trở nên đơn giản hơn khá nhiều. Đó cũng là mô hình mà chúng tôi đang nhân rộng trên toàn huyện trong đề án sắp xếp lại các khu dân cư miền núi” - ông Mẫn cho hay.

Trần Ngọc Hiên (ngoài cùng bên trái) trong đợt làm việc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại xã Trà Nam.Ảnh: Nguyễn Dương
Trần Ngọc Hiên (ngoài cùng bên trái) trong đợt làm việc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại xã Trà Nam.Ảnh: Nguyễn Dương

Lên xã Trà Nam làm việc sau khi trúng tuyển Đề án Đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn của tỉnh (Đề án 500, ban hành năm 2011), Trần Ngọc Hiên mới 26 tuổi, lúc đó đang là giảng viên hợp đồng của Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam. Chân ướt chân ráo vào vai trò cán bộ địa chính của xã miền núi Trà Nam, Trần Ngọc Hiên chịu khó tìm hiểu, làm quen với nếp sống, sinh hoạt, sản xuất của bà con để có cách ứng xử phù hợp. “Hồi mới lên, tất cả đều là sự bỡ ngỡ. Người dân nơi đây ở cách khá xa nhau, làm nhà tự phát nên có những nơi dễ bị sạt lở. Việc đầu tư hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm gặp rất nhiều khó khăn. Huyện có chủ trương sắp xếp 224 khu dân cư còn 115 cũng nhằm giải quyết bài toán này. Ban đầu bà con phản đối lắm, nên bằng mọi cách mình dần thuyết phục họ để quy về một mối” - Hiên kể.

Cách của Hiên là “mưa dầm thấm lâu”, hôm nay nói một ít, mai kia lại thêm một chút nữa. Xác định đầu mối giải quyết vấn đề chính là đất để bố trí tái định cư nên Hiên đề nghị chính quyền xã thực hiện phương thức đất đổi đất và vận động người dân hưởng ứng. Người nào có nhiều đất ở nơi được chọn làm khu tái định cư thì nhường bớt đất cho người ở nơi khác đến; bù lại họ sẽ được cấp đổi bằng miếng đất rẫy tương đương, hoặc bằng ngày công lao động. Với cách làm này, nhiều hộ dân sẵn sàng hiến cả héc ta đất để hoàn thành khu dân cư mới. “Muốn thuyết phục được người dân, chúng tôi đã dựa vào sự hỗ trợ rất lớn của những già làng, người có uy tín ở các khu dân cư. Phải làm sao cho người dân thấy được lợi ích khi sống tập trung ở khu dân cư mới sẽ như thế nào thì mọi chuyện đơn giản hơn” - Hiên nói.

Hiện nay, tại xã Trà Nam đã hoàn thành 5 khu dân cư mới (lộ trình đến năm 2020 là 7 khu). Trong đó đã có 2 khu dân cư hoàn thành 100% các hạng mục cơ sở hạ tầng, 3 khu còn lại hiện cũng đã đạt 50% so với kế hoạch. “Không chỉ sáng tạo ra cách đất đổi đất, vận động bà con hiến đất, Trần Ngọc Hiên còn tham mưu UBND xã điều tiết hợp lý việc cấp nguồn kinh phí cho người dân xây dựng nhà. Mỗi gia đình khi dời về nơi ở mới sẽ được hỗ trợ chừng 80 triệu đồng. Nhưng chúng tôi không đưa cho họ một lúc trọn gói mà chia ra thành nhiều giai đoạn. Ví dụ hôm nay nhà anh đến giai đoạn lợp tôn, cần tiền thì chúng tôi sẽ rót vốn vừa đủ để làm. Cách này nhằm tránh tình trạng người dân nhận tiền về rồi tiêu xài mà không chịu dựng nhà. Nguồn hỗ trợ của mỗi nhà sẽ được giao cho cán bộ phụ trách giảm nghèo của chính gia đình ấy. Như thế vừa bám sát với dân, vừa đảm bảo được tiến độ” - ông Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND xã Trà Nam nói.

Người dân xã Trà Nam gọi Hiên là “nhà sáng chế” không phải là không có lý do. Hiên cũng là người nghĩ ra cách đổi công lao động với nhau. Mỗi khi có người dựng nhà, mọi người còn sức lao động đều góp sức giúp, cứ thế xoay vòng. “Như vậy số tiền công lao động để dựng nhà cũng sẽ được tiết giảm rất nhiều. Số tiền đó sẽ giúp người dân có được một khoản vốn nho nhỏ để cải thiện sản xuất sau khi dựng nhà như mua con vật nuôi, cây giống...” - Hiên chia sẻ. Ngoài ra, cách vận chuyển cát mà Hiên sáng tạo ra cũng đã góp công lớn trong việc giảm bớt chi phí vận chuyển giúp người dân dễ dàng hơn trong việc xây dựng. Như khu dân cư Tắc Ta (thôn 4 nằm ở lưng chừng núi nên việc vận chuyển cát lên đây mất rất nhiều thời gian và công sức. Hiên đã nghĩ ra cách lấy cát ở trên đỉnh núi, dựa theo dòng suối và máng nước để đưa cát từ đó về.

NGUYỄN DƯƠNG

NGUYỄN DƯƠNG