Đường trong dân
Công cuộc phát triển giao thông nông thôn (GTNT) tại Quảng Nam đã lập nhiều kỳ tích. Những tuyến đường bê tông len lỏi qua nhiều xóm làng, đã trở thành “cánh tay vươn dài” kết nối với hệ thống giao thông đang ngày càng hoàn chỉnh.
GTNT được kiên cố giúp nhiều làng quê khang trang, xanh và sạch đẹp.Ảnh: Công Tú |
Điểm khởi đầu
Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Điện Bàn - ông Đặng Hiệp Lực, nguyên là cán bộ theo dõi mảng GTNT của huyện Điện Bàn (cũ) từng chia sẻ, năm 1995, Bộ GTVT hỗ trợ 250 triệu đồng cho xã Điện Quang bê tông hóa bề mặt tuyến đường nối thôn Xuân Đài với Kỳ Lam dài chừng 830m. Giã từ cảnh bị cô lập giữa thôn Kỳ Lam với trung tâm xã, người dân Điện Quang lưu thông ra ngoài vùng Gò Nổi nhanh chóng hơn. Tiếp đó, năm 1996, Điện Bàn cử đoàn đi học hỏi kinh nghiệm tại Nam Định, đặc biệt là cách huy động sức dân và xây dựng hẳn một đề án nhựa hóa, bê tông hóa GTNT. Chủ trương “huyện hỗ trợ kinh phí, người dân đóng góp ngày công” được bà con hưởng ứng nhiệt tình. Chỉ trong vòng 4 năm (1997 - 2000), địa phương kiên cố hóa 116km và thi công 6 cây cầu lớn với tổng giá trị gần 49 tỷ đồng.
Khoảng thời gian này, các huyện Duy Xuyên hay Đại Lộc cũng đã “khơi mạch” được sức dân để kiên cố GTNT. Từ phong trào làm đường bê tông tự phát của nhân dân thôn Thanh Châu (xã Duy Châu), UBND huyện Duy Xuyên ra Quyết định số 110 về kiên cố hóa GTNT bằng bê tông xi măng. Tại Đại Lộc, nhân dân góp kinh phí và ngày công, các địa phương chỉ hỗ trợ một ít mang tính động viên để làm vài tuyến đường GTNT. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng, nguyên Chánh Văn phòng UBND huyện Điện Bàn cho rằng, GTNT được kiên cố hóa nên không còn “nắng bụi mưa lầy”. Thành công nêu trên là cơ sở để ngày 13.4.2001, UBND tỉnh ra Quyết định số 19, ban hành quy chế về quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và GTNT trên địa bàn tỉnh (gọi là Cơ chế 19).
Và “một cuộc cách mạng”
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 phải kiên cố hóa đạt 70% chiều dài đường xã và 45% đường dân sinh (gọi chung là GTNT). Nhưng ở thời điểm này, toàn tỉnh kiên cố hóa xong 4.461/6.390km (chiếm 69,75%). |
Cơ chế 19 đã tạo nên “cuộc cách mạng” về bê tông hóa GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Làng xóm xúm xít, khơi dậy tình đoàn kết gắn bó. Dù chỉ có 18 nóc nhà, năm 2002, thôn Đồng Me (xã Đại Quang, Đại Lộc) quyết tâm kiên cố hóa đường vào thôn đang lầy lội. Ngoài xi măng được hỗ trợ, người dân bỏ công đan tre kè hai bên, lượm đá dăm thay sạn, tận dụng cát dưới khe trộn bê tông. Qua 4 tháng, con đường dài 450m đã được khoác lên màu áo mới.
Khắp các vùng quê trong tỉnh, người dân không phân biệt già trẻ, gái trai tùy theo sức của mình đã hăng hái gánh nước, trộn bê tông xi măng đổ những con đường rắn chắc, bằng phẳng chạy dọc ngang. Nhà nhà chú tâm sửa sang lại tường rào cổng ngõ. Đèn điện kéo theo sáng bừng, làng quê thêm rạng rỡ. Thương mại - dịch vụ nảy nở. Đất ở tăng giá. Đường bê tông trải dài ra cánh đồng đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa. Nguyên Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc - ông Lê Tấn Ngọc tâm đắc nói, Cơ chế 19 đi vào cuộc sống, “điểm” đúng nhu cầu bức xúc ở nông thôn; góp phần giải quyết hàng loạt vấn đề về kinh tế - xã hội, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
Nhiệm vụ kiên cố hóa GTNT giai đoạn 2001 - 2008 diễn tiến rất thành công với 2.096km đường hoàn thành; tổng kinh phí đầu tư 572 tỷ đồng (nhân dân góp 287 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo ông Võ Công Phúc - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính Sở GTVT, vì thiếu kế hoạch nên một số thời điểm phát triển quá “nóng” không kiểm soát được, ngân sách các cấp mất cân đối. Công tác chỉ đạo, lãnh đạo còn lúng túng; chưa phân công trách nhiệm quản lý, bảo trì. Cạnh đó, thôn nào, tổ nào cũng “tranh thủ” cơ hội được Nhà nước hỗ trợ khiến chất lượng đường ở một số nơi không đạt. Chưa lường trước sức dân bùng lên mạnh mẽ, cho nên tài chính ngân sách tỉnh, huyện không đảm bảo đối ứng…
Để tiếp tục khắc phục tồn tại, các đề án phát triển GTNT theo các Nghị quyết số 143 (giai đoạn 2010 - 2015) và Nghị quyết số 159 (giai đoạn 2016 - 2020) của HĐND tỉnh lần lượt ra đời. Chuyện phát triển GTNT càng đặc biệt hơn khi được xem là bước đột phá xây dựng nông thôn mới. Và lẽ tất yếu, nhiều địa phương đạt chuẩn “Xã nông thôn mới”, “Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” cũng nhờ được thụ hưởng rất lớn từ chương trình bê tông hóa GTNT thời điểm trước đây.
TRẦN CÔNG TÚ