Chỉ dấu mùa xuân

HOÀNG LIÊN 31/01/2019 01:39

Những ngày cuối tháng Chạp, giữa cái lạnh se se, thanh âm của tết và hương xuân lan tỏa khắp các vùng quê xứ Quảng. Đó có thể là vạt cải xanh nõn nà; sắc mai vàng thắm trước ngõ, trên những vườn mai xuân; những vạt đỏ thắm của các con đường, sân phơi nơi các làng làm hương dậy lên những mùi hương. Đó còn là thanh âm náo nức nơi làng nghề; không khí rộn ràng những vựa rau quả các biền bãi ven sông… Tất cả là chỉ dấu của mùa xuân.

Sắc xuân nơi bãi biền ven sông Đại Lộc. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Sắc xuân nơi bãi biền ven sông Đại Lộc. Ảnh: HOÀNG LIÊN

1. Những ngày sót lại của năm cũ, sắc đỏ thắm bao phủ các con đường, hiên nhà nơi làng hương Phú Lộc (xã Đại An), Lam Phụng, Bàn Tân (xã Đại Đồng). Những cây hương trầm thành phẩm ra đời là kết quả của một quá trình vất vả, đi qua nhiều công đoạn, từ trộn, nghiền nguyên liệu cho tới nhào bột, đánh hương, kết hương… Những cây hương được kết thành bó to đỏ thắm được đưa ra sân, đường làng phơi để kịp kết thành bó hay cân ký giao cho khách đưa về muôn ngả đường xuân. Sản phẩm hương Phú Lộc, Lam Phụng, Bàn Tân cũng đã được cải tiến bao bì, mẫu mã, nhãn mác, đa chủng loại để đáp ứng thị hiếu người mua. Không chỉ cho ra đời dòng sản phẩm hương trầm, hương có bột quế với loại hương cây to, cây nhỏ, người dân làng nghề còn sản xuất các loại hương nụ bỏ vào các khay, hộp với đủ chủng loại, kích cỡ. Giá trị của hương còn tùy thuộc vào nguyên liệu sản xuất như trầm dác nhân tạo hay tự nhiên, hay bột quế nhiều hay ít. Có những hộp nhang cây nhỏ như que tăm cho mùi thơm sang trọng, quý phái có giá lên cả bạc triệu thì cũng có những bó hương có giá vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng… Sản phẩm làm ra hầu hết đều bán sỉ cho các đại lý, tạp hóa tại Đại Lộc và vùng lân cận, ra tận Đà Nẵng, một phần được các chủ cơ sở bán lẻ gần xa. Trong gió xuân, chỉ cần nghe mùi hương trầm, hương quế là như nghe mùi tết.

Làng nghề nước mắm Cửa Khe (Thăng Bình) cũng đang chạy đua với thời gian để lọc mắm, cung ứng cho khách xa gần. Được sự hỗ trợ của Sở KH&CN và từ nguồn khuyến công của tỉnh, huyện, nước mắm Cửa Khe đã vươn ra thị trường với mẫu mã, nhãn mác mới. Cơ sở bà Đinh Thị Thu (tên cơ sở Ba Thu, xã Bình Dương) nhận khá nhiều đơn hàng trong tết này. Bà Thu cho biết: “Mọi năm tháng tết chỉ bán được 100 - 200 lít thì tháng tết này lượng đặt hàng cỡ 500 - 600 lít. Mỗi mùa cá, tôi phải trữ gần chục tấn nguyên liệu cá cơm và muối. Nước mắm nhỉ qua 6 tháng sẽ có độ sánh, đậm đặc, thơm ngon, hàm lượng đạm cao, được ưa chuộng. Giờ có chai, can đựng in tên làng nghề, có gắn logo, nhãn hiệu, tên chủ cơ sở, thì người tiêu dùng càng yên tâm hơn nữa” - bà Thu nói. Hiện, làng nghề nước mắm Cửa Khe có 8 hộ sản xuất quy mô, hướng tới thành lập hợp tác xã làng nghề. Sản phẩm làng nghề đã đến với các siêu thị ở Tam Kỳ và Đà Nẵng là tín hiệu vui khi những cơn gió xuân về.

2. Người dân vùng Đại Lãnh, Đại Hưng (Đại Lộc) nổi tiếng với món trưởi để sử dụng trong bữa cơm ngày tết, biếu bà con. Nhiều gia đình còn gói trưởi để bán sỉ lẻ cho người mua. Những bó trưởi (1 chục 10 gói) được các mẹ, các chị gói thành chùm, bán tại các chợ, các ngả đường làng, hoặc theo mối quen, đưa hương xuân bay xa. Món trưởi ở vùng tây Đại Lộc lại ngon nổi tiếng và được nhắc tới nhiều, dường như gói ghém bí quyết, tay nghề của người làm, bởi gói trưởi ngon thì không dễ. Nguyên liệu làm trưởi là tai muôi, da thịt đầu, lưỡi, thịt nạc được xắt mỏng thành sợi nhỏ, trộn với gừng, riềng, ớt xắt, tỏi, tiêu, bột ngột, muối, nước mắm cô đặc... bọc lá ổi, lá chuối rồi buộc chặt, treo giàn bếp chừng 3 - 7 ngày là ăn được. Những món ăn mang đặc trưng miền quê còn được đưa lên mạng xã hội để quảng bá cho ai có nhu cầu tiện đặt.

Làng nghề truyền thống bánh tráng Đại Lộc không chỉ sản xuất tập trung mà còn phân tán ở khắp vùng Đại Lộc, với gần 200 hộ sản xuất lớn nhỏ. Hàng trăm tấn bánh tráng vùng Đại Lộc đã vươn ra khắp mọi miền trong dịp tết đến xuân về. Để đảm bảo đủ số lượng giao cho khách hàng, các cơ sở tráng bánh gần như phải hoạt động hết công suất. Nhiều cơ sở có tới cả chục lao động sản xuất, tráng, úp bánh, phơi bánh, gỡ bánh, cắt bánh, đóng gói, đóng kiện để vận chuyển đi xa, vào tận TP.Hồ Chí Minh, ra Đà Nẵng… Thương hiệu sản phẩm làng nghề bay xa khi có logo, nhãn mác, nhãn hiệu tập thể được gắn lên sản phẩm. Mỗi dịp tết, HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa cung ứng nhiều tấn bánh tráng sạch với bao bì, mẫu mã sang trọng, bắt mắt ra thị trường.

Rong ruổi qua các bãi biền ven sông Khuất Lũy (Điện Minh, Điện Bàn), Bàu Tròn (Đại Lộc) giữa khí trời dần chuyển mùa, cái rét đã lùi xa, nhường chỗ cho nắng ấm, những vựa rau tết cũng non xanh dưới sắc xuân. Những cánh đồng rau từ sáng tinh mơ cho tới chiều muộn vẫn lao xao, tấp nập thương lái đến gom hàng, chuyển đi. Những ruộng khổ qua, dưa leo vùng Bàu Tròn trổ đầy hoa vàng, những ruộng đậu tây trổ hoa tím biếc, nặng trĩu trái đang vụ thu hoạch chính - dấu hiệu của cái tết được mùa, no ấm.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN