Trà bánh ngày xuân
Thưởng trà, ngắm mai, nhâm nhi miếng bánh đầu năm. Phong vị chơi xuân chẳng thể thiếu những thức này. Và những thương hiệu trà bánh một thuở của vùng đất, lại được nhiều người tìm kiếm...
Trà Mai Hạc - thương hiệu đã có từ lâu ở Tam Kỳ. |
Uống trà thưởng xuân
Từ Hội An, anh Trương Nguyễn phải nhờ người vào tận cơ sở của danh trà Mai Hạc để mua cho được loại trà thượng hạng của thương hiệu. “Tết nào gia đình mình cũng để dành mấy gói trà Mai Hạc mời khách. Vị và hương của loại trà này khá đặc biệt, không thể lẫn với các loại trà khác” - anh Nguyễn nói. Uống trà, thưởng trà từ lâu đã là một cái thú với những người trọng tuổi. Và điều này đã thành nếp quen, sâu thẳm ngấm ngầm như một nét văn hóa truyền thống của người Việt mỗi khi đến tết cổ truyền. Chiêu một ấm trà mời khách đến chơi nhà, dọn vài loại bánh mứt và ngồi kể chuyện hôm qua. Từng tách trà vơi là từng câu chuyện theo tết mà về.
Ngay cái tên danh trà Mai Hạc đã gợi nhiều hoài niệm cho người xứ Quảng Đà. Chị Hoa - hiện tại đang nối nghiệp người nhà mình giữ danh “Mai Hạc trà gia” cho biết, cứ mỗi khi đến tháng Chạp là lại có rất nhiều khách tìm đến. Ngoại trừ những bạn hàng lâu năm, khách tìm mua danh trà Mai Hạc thường là những người tìm về quê ăn tết. Vài người khác lại muốn gửi tặng bà con thân thích một món quà xuân. Có chén trà ngày tết, như cách tự mình thưởng thức khoảnh khắc giao mùa, với độ tinh túy trong chén trà thơm xen chút đắng chát... Trà Mai Hạc gần như được định danh ngay từ những năm 1960, với cách sao trà, vị trà hoàn toàn khác biệt so với trà Bắc Thái (Thái Nguyên) hay Ô Long từ vùng Tây Nguyên. Cầm trên tay hộp trà Mai Hạc, dẫu có đi tận đâu, vẫn nghe như thoảng trong không gian hương vị tết quê nhà xứ Quảng.
Tết Việt, mỗi gia đình đều ít nhiều phải chuẩn bị những ấm trà. Ở bàn thờ gia tiên, ba chung trà là vật phẩm cúng trời đất đã là nếp từ bao đời. Ngoài mái hiên, bàn trà có ông già ngồi khề khà, thi thoảng nhấp một ngụm trà thơm, tưởng nghe ra cả sự chuyển động của đất trời.
Bánh trái quê nhà
Dẫu thức ngon ngày tết đa dạng, nhưng người Tam Kỳ, lạ thay, vẫn phải kiếm cho được mấy gói bánh Phú Nhuận, Bảo Hương hay Thái Bình để đặt lên bàn thờ gia tiên. Cái bánh in từ khuôn gỗ, cũng bột nếp, đậu xanh, đường đỏ... vậy mà đủ sức để góp thêm vào hương của tết. Nhịp sống hối hả của phố phường đã kéo dài mãi những ngày vui của các làng nghề thực phẩm truyền thống. Cũng như, đã giữ cho cái hương vị bánh trái của xứ Hà Đông xưa còn thơm mãi đến những ngày sau, đưa đi xa tận những vùng miền cả nước. Những cái tên từng cố cựu trong tâm trí người Tam Kỳ xưa như Bảo Hương, Phú Nhuận giờ có Thái Bình. Cái gốc, cái tâm của người theo nghề truyền thống, không dễ mà lĩnh hội được. Ông Nguyễn Văn Thưởng - chủ hiệu bánh Thái Bình, đã nối nghiệp cha mình theo tinh thần như vậy. Bánh nướng thế nào là vừa độ, bánh dẻo phải thơm, bánh bột bình tinh phải mịn... Và thậm chí, còn cầu thị hơn, khi mỗi mùa bánh trái chộn rộn như tháng Chạp này, lại thấy những chiếc bánh làm nên thương hiệu Thái Bình trong các bao bì đẹp mắt, văn minh hơn.
Thương hiệu bánh trái của xứ Quảng phần lớn từ những lò bánh thủ công đã có tuổi đời gần trăm năm. Dẫu có thế nào, họ vẫn giữ lại cơ nghiệp này, dẫu chỉ còn cái tên, như Phú Nhuận của Tam Kỳ chẳng hạn, vẫn để đó như một vàng son của quá khứ. Giữ cái tên, đôi khi còn khó hơn tất thảy giữ lại những gia sản khác. Bởi đó không chỉ là di sản văn hóa tinh thần của người kế tục, mà còn là bản sắc của người ra đi từ vùng đất. À ở đó, quê tôi, có bánh Phú Nhuận, Bảo Hương và Thái Bình... Tôi vẫn thường nghe những người bạn Tam Kỳ tự hào mỗi bận họ đi đến đất người - nơi đôi khi chỉ nhìn một cái tên thôi đã nghe nỗi nhớ nhưng nhức...
Rồi thì tết này, chỉ cần nhón một cái bánh - dẫu mùi không còn như ký ức, vẫn thấy mình đang thật sự ở giữa những ngày đẹp nhất của đoạn bắt đầu một tuổi đời khác. Ngày tết, để người ta kịp khựng lại, lặng một quãng để nghĩ về những ngày đã qua, về một cái tên cũ...
LÊ QUÂN