Một chuyện chia thịt heo thời chiến
Hiệp định Paris vừa ký kết ngày 27.1.1973 chưa ráo mực thì Nguyễn Văn Thiệu - Tổng thống chế độ Sài Gòn âm mưu phá hoại hiệp định, hô hào “Tràn ngập lãnh thổ”, lệnh cho quân đội lấn chiếm khắp nơi vùng giải phóng. Trong khi đó, quân Giải phóng nghiêm chỉnh chấp hành hiệp định nên bị quân Sài Gòn chiếm mất một số nơi... Do đó về sau quân Giải phóng rút kinh nghiệm, không thể để cho địch tiếp tục vi phạm hiệp định mà không chống trả lại.
Lúc đó, ở xã Bình Lãnh huyện Thăng Bình, lãnh đạo xã với đội du kích đã tìm cách chống lại có hiệu quả mà không bị tổn hao xương máu. Quân chủ lực Sư đoàn 3 ngụy đóng ở đỉnh núi Chóp Chài, đồng thời đưa quân lấn chiếm Gò Mít rồi Cây U (chỉ cách vùng lõm của du kích xã Bình Lãnh 200 mét). Như vậy là quân địch đã bao bọc chung quanh vùng lõm của ta!
Du kích xã Bình Lãnh không thể đương đầu với quân chủ lực Sài Gòn, mà chỉ bằng cách bí mật cài mìn ở các lối quanh Cây U. Đồng thời dùng loa cầm tay (có nạp pin) phát thanh đòi quân đội Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris; rút quân trả lại vùng đất cho quân Giải phóng như trước ngày hiệp định có hiệu lực. Đồng thời cảnh báo chúng không được ra ngoài vùng đóng quân 50 mét.
Chúng coi thường lời cảnh báo ấy, vẫn cứ hung hăng đưa quân ra bên ngoài để càn quyét lấn chiếm… Mỗi lần như thế chúng đều vấp phải mìn của du kích, làm chết chóc, bị thương… Ta theo dõi, quan sát và lúc đó kịp thời phát loa kêu gọi binh lính không nên tiếp tục gây ra chiến tranh vì hiệp định hòa bình đã ký. Hãy giữ mạng sống để về với gia đình, với vợ con… Địch bắt đầu thấy lo sợ nghĩ rằng chúng sẽ bị ta tấn công…
Trong tình hình đó, vào một hôm, bỗng nghe chúng hướng về vùng kiểm soát của ta kêu to: “Xin gặp quân Giải phóng”. “Cái vụ gì đây?”. Một câu hỏi đặt ra cho các đồng chí lãnh đạo xã Bình Lãnh. “Kẻ thù mới hôm qua đã bị ta đánh mìn chết, sao hôm nay xin gặp? Có âm mưu gì đây?”.
Qua nghiên cứu, phân tích, lãnh đạo ta thấy cần cho chúng gặp để biết chúng có ý đồ gì. Nhưng hết sức đề phòng, cảnh giác âm mưu của chúng. Do đó phát loa đồng ý gặp và nêu mấy điều kiện: Địa điểm gặp là Gò Dừa (vùng đất trống trải, có lợi thế cho ta); quân Sài Gòn phải là người chỉ huy cao nhất đến gặp và đến địa điểm trước chờ đó.
Bên ta cử đồng chí Đội phó Đội công tác đến gặp, còn đồng chí Đội trưởng chỉ huy lực lượng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ, nếu địch có âm mưu gì ám hại đồng chí của ta.
Sau gần 20 phút hai bên đàm phán, thì thấy đồng chí Đội phó ung dung quay trở về. Bây giờ bên ta mới thật sự hạ nòng súng. Qua cuộc gặp đó cho ta thấy: Địch thật sự hoang mang lo sợ, nên nhượng bộ xin gặp ta để tỏ bày với ta rằng: ”Vì bị cấp trên thúc ép, xin quân Giải phóng tha thứ để chờ ngày về với vợ con”. Đồng chí Đội phó tố cáo quân Sài Gòn vi phạm hiệp định, lấn chiếm vùng giải phóng, phải rút quân trả lại đất cho quân Giải phóng.
Sau đó ít lâu một chuyện khác tưởng như đùa, trên địa bàn xã Bình Lãnh như sau:
Cây U của quân Sài Gòn chiếm giữ và căn cứ lõm của Đội du kích Bình Lãnh cách nhau một cánh đồng rộng. Thường vào buổi sáng sớm có một đàn heo rừng vài chục con, đi ăn đêm trở về núi, băng qua cánh đồng này.
Quân Sài Gòn ở Cây U nhìn thấy rất muốn bắn, nhưng không dám vì các cuộc gặp trước đây với ta, chúng buộc phải cam kết giữ trạng thái bình yên, bất cứ lúc nào cũng không được nổ súng.
Thế rồi vào buổi sáng nọ, có tiếng cất lên từ phía quân Sài Gòn, xin gặp quân Giải phóng. Cũng như các lần trước, khi nhận thấy không có vấn đề gì, đồng chí Đội trưởng Công tác đồng ý và đích thân đến gặp.
Thì ra quân Sài Gòn gặp ta để đặt vấn đề xin cho bắn heo rừng. Ta đồng ý với điều kiện chỉ bắn 1 con và không được hướng mũi súng, làn đạn vào vùng dân cư và vùng căn cứ của ta.
Sáng hôm sau khi đàn heo rừng đi qua, chúng nhắm bắn đúng con lớn nhất. Còn bên ta từ sáng sớm đã phải trực chiến để đề phòng. Vì biết đâu, địch lợi dụng việc bắn heo để tiến công ta. Sự việc bắn heo như thế đã kết thúc, không xảy ra vấn đề gì để ta nghi ngờ.
Buổi sáng trôi qua, đến 12 giờ trưa lại một lần nữa nghe tiếng quân Sài Gòn xin gặp quân Giải phóng. Bên ta lấy làm nghi ngờ là đã bắn heo xong còn gì nữa đây? Ta nghi ngờ vì thường lệ chủng xin gặp vào buổi sáng, sao hôm nay lại xin gặp vào giờ trưa. Tuy vậy, bên ta cũng đồng ý gặp và khi đó toàn bộ lực lượng của ta ra công sự sẵn sàng ở tư thế chiến đấu. Mức độ cảnh giác lần này còn cao hơn mọi lần…
Khi lãnh đạo ta đến gặp, chỉ huy của địch nói lời cảm ơn quân Giải phóng đã cho bắn heo để có thêm bữa ăn tốt, đồng thời muốn gửi ta một phần thịt để dùng. Bên ta lâu nay cũng thường có thịt rừng như heo, mang, chồn, nhím do chúng vướng mìn, nhưng với lời thành thật của chỉ huy chúng, bên ta cũng chịu nhận. Thế là chỉ huy chúng, ra hiệu cho lính khiêng ra một đùi phía sau và lãnh đạo ta ra hiệu cho du kích đến khiêng về.
(Theo hồi ký của đồng chí Nguyễn Thuyết - nguyên Huyện ủy viên Huyện ủy Thăng Bình, nguyên Bí thư xã Bình Lãnh)
ĐỖ HÙNG LUÂN