Về chưa?

C.B.L 29/01/2019 05:39

Hôm qua, VTV phát đi bản tin: “Lượng vé máy bay dịp Tết Nguyên đán không còn nhiều. Các loại vé rẻ, vé khuyến mại đều đã hết, vé phổ thông dần cạn, khách mua đã lấp đầy 90% lượng vé bán ra. Nhu cầu đi lại tăng 14% so với cùng kỳ năm 2018”. Tôi nghĩ đến những chuyến bay đêm. Những chuyến xe đường dài. Những chuyến tàu lửa xuyên đêm. Tôi hình dung thấy thấp thoáng từng gương mặt thấp thỏm, bần thần. Rồi mừng rơn khi suôn sẻ mua được tấm vé; rồi vật vạ ở bến tàu, xe. Cận Chạp, là dè sẻn từng chút thời gian, từng đồng chi tiêu. Âu lo đường xa mệt nhoài. Toan lo từng tấm quà cho người thân…

Những ngày này, trong mỗi nhóm kín, từ bạn học, bạn cùng làng, bạn đồng nghiệp, bạn tri âm rồi cả bạn sơ giao…, sẽ thấy nhắn nhau trên zalo, messenger, trên điện thoại kiểu như “Về chưa?”. Gọn vậy, nhưng đủ cung bậc gọi mời.

Luôn có một “phố” nào đó, thúc giục bạn bước ra. Để rồi luôn có một “quê” rõ mồn một cho bạn trở về. Với bất kỳ ai, trong dòng dịch chuyển lớn lên của mỗi người cũng như xoay vần áo cơm kiếm sống. Kiều bào về nước. Người ly hương vô Nam, ra Bắc, ngược nguồn hay xuôi biển. Hay thậm chí chỉ cách nơi chôn nhau mươi mười lăm cây số, hoặc chỉ con sông ngang nhà. Cách mỗi người về quê mỗi khác, cái sự gian truân cũng tùy, nhưng niềm thỏa mãn được hít hà mùi quê thì gần như là điều giống nhau để kéo họ về.

Bạn tôi quê Vũng Tàu, bôn ba tứ xứ rồi chọn Đà Nẵng làm điểm dừng chân lập thân lập nghiệp. Sau cúng ông Táo rồi, vẫn chưa thấy bạn khoe “cuối Chạp về với ông bà già” là hiểu. Định thôi không hỏi, nhưng nghe bạn bâng quơ “ông bà mình thường nói, mấy đứa tết không về thắp hương tiên tổ là mất gốc”, lại nghe ngổn ngang trăm mối bên lòng. Trong dòng người rậm rịch về quê, cũng có rất nhiều người như bạn. Đỏ mắt đêm ba mươi. Có người không về được, vì kinh tế eo hẹp. Có người không về, vì đất khách đã thành quê. Trăm ngàn lý do chẳng đặng đừng cho một cuộc trở về. Và họ lần tìm dấu quê trong tâm tưởng, bằng “chút quà” nào đó cho quê nhà, cũng đâu hẳn là họ… mất gốc.

Chớp mắt ngày cuối năm. Nhiều người chậc lưỡi: “mới thôi mà đã một năm. Mới thôi mà đã một đời”.
Chợ hoa ở khắp ngả, người người đã rộn ràng tới lui ngắm ngó, sắm sanh. Nhạc xuân khắp ngõ. Vang lại giọng Khánh Ly buông giai điệu da diết trong bài hát Đóa hoa vô thường của Trịnh Công Sơn “Dù trần gian có xót xa/ cũng đành về với quê nhà”… Nên, thiệt lạ là vẫn có ai đó thỉnh thoảng lại xới lên chuyện bỏ tết âm lịch, bỏ tết cổ truyền. Mỗi năm, nếu không có thời khắc quan trọng này, hối thúc mọi thứ, liệu có gì cuống chân mình, để tự hỏi: bao giờ thì về?

Về rồi đi - là sẽ giấu mọi thứ vào lòng, hay bưng mặt khóc òa. Nhưng, về thôi. Tết mà!

C.B.L

C.B.L