Đại học Duy Tân: Chế tạo xe lăn điện tặng người khuyết tật
(QNO) - Trường Đại học (ĐH) Duy Tân - Đà Nẵng vừa phối hợp Báo Đà Nẵng trao tặng 10 xe lăn điện tự chế đầu tiên cho người khuyết tật TP.Đà Nẵng.
Lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân trao xe lăn điện cho người khuyết tật. Ảnh: N.T.B |
PGS-TS. Nguyễn Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết, với sự phối hợp của Báo Đà Nẵng và sự hỗ trợ của lãnh đạo 5 phường, xã của TP.Đà Nẵng, Ban tổ chức đã lựa chọn được 10 trường hợp người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để trao tặng xe lăn điện. Đặc biệt, đây là những sản phẩm đầu tiên do giảng viên, sinh viên ĐH Duy Tân nghiên cứu, sáng chế và sản xuất hoàn thiện. Sau đó trao tặng nhằm động viên những người dễ bị tổn thương vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Trong không khí đón xuân Kỷ Hợi, những người khuyết tật được ĐH Duy Tân trao tặng xe lăn điện đều xúc động. Trong đó có trường hợp là thương bệnh binh như ông Huỳnh Văn Thanh (77 tuổi, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), ông Lê Văn Chín (75 tuổi), bà Phan Thị Phúc (72 tuổi, cùng phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), hay nạn nhân chất độc da cam như chị Đặng Hồng Anh (25 tuổi, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu)…
Đáng kể là trường hợp ông Trần Minh Hoàng (SN 1974, thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), vụ tai nạn lao động từ 8 năm trước (năm 2011) khiến ông bị dập tủy sống, gãy đốt sống cổ dẫn đến liệt tứ chi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khi 2 con đang học cao đẳng, vợ làm nông ở nhà chăm sóc chồng. Nhận được xe lăn điện, ông Hoàng thổ lộ: “Cám ơn Trường ĐH Duy Tân đã trao tặng chiếc xe lăn điện để tôi có phương tiện đi lại, tự lực vượt khó, chăm sóc bản thân và có thể đỡ đần phần nào cho gia đình”.
ThS. Đặng Ngọc Sỹ - Phó Giám đốc Trung tâm Điện - điện tử (Trung tâm CEE) - đơn vị chế tạo và sản xuất xe lăn điện cùng các đoàn viên thanh niên, sinh viên ĐH Duy Tân gặp từng người khuyết tật hướng dẫn tận tình cách sử dụng xe lăn điện. Theo ông Sỹ, cấu trúc xe lăn điện này rất đơn giản, gồm 2 bộ phận chính: ghi đông tích hợp công tắc điện, ắc quy, hộp số từ 1 đến 4, số lùi và tiến, 2 tay phanh và ga, tốc độ tối đa 30km/giờ; bộ phận ghế ngồi chắc chắn. Hai bộ phận này có thể tháo rời nhau tiện khi sử dụng, di chuyển.
Được biết, lô sản phẩm đầu tiên này chỉ sản xuất trong vòng 2 tháng, trọng tải 20kg/xe, giá thành khoảng 20 triệu đồng/xe, chỉ bằng 1/2 giá xe lăn điện Trung Quốc trên thị trường hiện nay (còn xe lăn điện của châu Âu có giá đến 3.000 euro).
Dịp này, các đại biểu cũng đã tham quan xưởng cơ khí chế tạo tại cơ sở Hòa Khánh Nam của ĐH Duy Tân - nơi nghiên cứu, sáng tạo và sản xuất xe lăn điện đầu tiên của cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Điện - điện tử nhà trường. Đây cũng chính là lò sản xuất ra các robot trứ danh của ĐH Duy Tân không chỉ để tham gia các đấu trường trong nước và thế giới, mà còn ứng dụng vào cộng đồng xã hội. Trong đó, câu chuyện của 2 học sinh Trần Đăng Khoa và Phan Trọng Hiếu tại Đại Lộc từng được Trung tâm CEE “nối cánh tay robot cho người khuyết tật” đã lan tỏa giá trị khoa học - nhân văn sáng ngời của Trường ĐH Duy Tân trong suốt 24 năm qua.
NGUYỄN THANH BÌNH