Góp thêm hương vị quê xứ

BẢO ANH 27/01/2019 01:58

Sau những tìm tòi, thử nghiệm, nhiều văn nghệ sĩ Quảng Nam tự nhận biết sở trường sáng tạo rồi xác định hướng đi. Không chỉ tạo cho mình phong cách riêng, những lối đi theo hướng chuyên sâu của mỗi người còn góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cho đời sống văn học, nghệ thuật quê hương.

Ngày càng có nhiều văn nghệ sĩ sáng tác chuyên sâu về đề tài quê hương, đất nước.  Trong ảnh: Một bức tranh về phố cổ Hội An của Trương Bách Tường.
Ngày càng có nhiều văn nghệ sĩ sáng tác chuyên sâu về đề tài quê hương, đất nước. Trong ảnh: Một bức tranh về phố cổ Hội An của Trương Bách Tường.

“Không có gì trôi đi mất”

Từ mấy chục năm trước, nói đến Hồ Duy Lệ là người ta nghĩ ngay đến bút ký, với những trang viết đậm hơi thở cuộc sống và giàu tính thời sự. Những năm về sau, nhất là từ sau năm 2000, Hồ Duy Lệ vẫn được nhắc đến với tư cách là một nhà văn viết bút ký nhưng được “định danh” cụ thể hơn: người viết bút ký đề tài chiến tranh cách mạng. Những tập sách đầy đặn về một thời chiến tranh bi hùng như “Trong lớp bụi thời gian”, “Những người sót lại”, “Chuyện kể ngày nào”, “Mạ tôi”, “Mười Chấp và một thời kỳ”, “Khu vườn kỷ niệm”, “Không có gì trôi đi mất”, “Dặm trường gian truân”, “Lửa Núi Thành”... quá đủ để xác định “danh vị” ấy cho ông.

Với bút ký về đề tài chiến tranh cách mạng còn có thể kể thêm vài người nữa, là Nguyễn Bá Thâm, Phạm Thông, Nguyễn Tam Mỹ. Viết chậm và ít nhưng Nguyễn Bá Thâm kịp ghi tên mình vào danh sách những nhà văn thành công ở đề tài và thể tài “khó gặm” này, với tập sách đầy đặn “Đất của máu và lửa”. Còn Phạm Thông bén duyên với bút ký chiến tranh. Đến tập sách “Núi Chúa - Hòn Rơm” xuất bản năm 2018, ông đã có cho riêng mình 5 tập bút ký về “Những bình thường lấp lánh” - những con người, những trận đánh và rộng ra là cả một giai đoạn hào hùng của xứ Quảng những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Nói về công việc sáng tác của mình, các cây bút chuyên viết bút ký chiến tranh ít ỏi của Quảng Nam đều cho biết họ vẫn đang và sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài, thể tài mà mình “thuận tay”. Theo nhà văn Hồ Duy Lệ, những câu chuyện của chiến tranh, trong chiến tranh sẽ mãi là đề tài không dễ gì khai thác hết; để ký ức chiến tranh được phản ánh một cách sống động, chân thực và lấp lánh, bút ký là một lợi thế. Ông bảo, những câu chuyện bi tráng của một thời đánh giặc sẽ không bao giờ bị trôi đi mất. Vấn đề là mỗi người - nhất là các văn nghệ sĩ, phải biết gạn tìm trong lớp bụi thời gian và cả sự lãng quên, để làm cho ký ức tỏa sáng...

Cuộc sống muôn màu

Thông qua những góc nhìn, ngôn ngữ riêng của văn chương và nghệ thuật, quá khứ và cả những gương mặt đời thường cũng không bị “trôi đi mất”. Trái lại, cuộc sống muôn màu được tái hiện lung linh, đa dạng với những đường nét được tô đậm qua những sáng tác chuyên sâu của mỗi người.

Từ chỗ vẽ tùy hứng, thấy gì vẽ nấy, nhiều họa sĩ Quảng Nam đã tự gom đề tài cho sáng tác của mình. Họa sĩ Nguyễn Ba sau nhiều năm loay hoay đã chuyển hẳn sang vẽ tranh phong cảnh và đối tượng sáng tác của anh không ở đâu xa mà chính là những cảnh sắc ở chính quê anh: Tiên Phước. Hay với họa sĩ Lê Nguyên Chính, ngoài dăm bức trừu tượng, nhiều năm nay hầu như anh chỉ vẽ về nghệ thuật tuồng, góp phần tôn vinh và làm sống dậy những ký ức sâu đậm về bộ môn nghệ thuật truyền thống vang danh của xứ Quảng. Riêng với mảng tranh phố cổ, “bộ sưu tập” đang trở nên phong phú hơn rất nhiều, bởi bên cạnh những người chung thủy với đề tài này như Hồng Vinh, Vũ Trọng Anh... thì còn có thêm sự nhập cuộc của Trương Bách Tường và một vài họa sĩ trẻ khác.

Theo nhạc sĩ Huỳnh Ngọc Hải - Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc Quảng Nam, xu hướng tìm về với quê hương, nguồn cội trong sáng tác của các nhạc sĩ xứ Quảng cũng ngày càng rõ nét hơn. Trước đây, các ca khúc thiên về ngợi ca quê hương ở Quảng Nam gần như là “độc quyền” của nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Bích. Giờ đây, tham gia sáng tác về đề tài gần gũi và... không dễ viết này còn có một loạt nhạc sĩ khác, như Nguyễn Huy Hùng, Phan Văn Minh, Trần Cao Vân, Lê Xuân Bá, Mạc Ly... Nhiều ca khúc về những miền quê bé nhỏ, cụ thể của các ca sĩ này, đáng mừng thay, lại được chắp cánh bay cao, bay xa khắp muôn phương...

Trong khi đó, thay vì chỉ đắm đuổi với tình yêu đôi lứa, với những dằn vặt riêng tây, những năm gần đây nhiều hội viên văn học đã sáng tác nhiều hơn, có những suy cảm sâu đậm hơn về quê hương, đất nước. Sau mấy tập thơ đẫm vị quê, tình quê, nhà thơ Nguyễn Đức Dũng vẫn đang lặng lẽ “nghe vị mặn mồ hôi thấm đầu sông cuối bãi” để làm thơ. Anh đã có nhiều bài thơ, câu thơ hào sảng, đầy tự hào về đất nước: “có đất nước nào như đất nước ta/ lưng gánh mưa nguồn ngực phơi giông bão/ mỗi góc ruộng bờ cây là mỗi niềm xương máu/ mỗi tên người tên đất cứ rưng rưng” (Cương thổ). Nhiều gương mặt thơ khác như Nguyễn Hải Triều, Ngô Hà Phương, Nguyễn Tấn Sĩ, Đinh Huyền, Thái Bảo - Dương Đỳnh... cũng đã có những tập thơ riêng cho mảnh đất “chưa mưa đà thấm”. Ngay cả những tác giả thơ được xem là phá cách, góc cạnh như Huỳnh Minh Tâm, Phạm Tấn Dũng, Đỗ Thượng Thế, Nguyễn Giúp, Đỗ Tấn Đạt... cũng có nhiều bài thơ, câu thơ rất hay về quê xứ, về đất nước. Ví như mấy câu thơ giàu khí vị xứ Quảng của Phạm Tấn Dũng: “những đứa trẻ Thu Bồn/ chân dừng trên đá/ ngủ mê Hòn Kẽm đốt lửa tuổi thơ/ uống no tinh khí đất trời/ hát vang bài ca mưa nguồn chớp bể”.

BẢO ANH

BẢO ANH