Đâu hồn xưa phố cũ...

HOÀNG LIÊN 26/01/2019 03:29

Đêm ở Hà thành, lang thang qua những dãy phố chọc trời, những con đường sầm uất cho tới cả những ngóc ngách của “phố xưa nhà cổ”... tôi cố lục tìm trong ký ức, nơi mà mỗi kỷ niệm như sợi tơ giăng xưa cũ.

1. Mấy ngày rong ruổi, thay vì gọi điện cho một vài người quen thì tôi chọn cách trải nghiệm cảm giác một mình với Hà Nội. Mười chín giờ, phố vẫn sầm uất, vẫn ngựa xe chật như nêm, song có chút gì đó rất lạ: không có nhiều tiếng còi xe. Hồ Tây vẫn mênh mang trong đêm sâu tĩnh mịch... Hà Nội vẫn còn sót lại những góc phố mà mỗi sợi rêu xanh cũng gợi cảm giác thân quen, xưa cũ...

Trong tôi là bao nhiêu tò mò, thắc mắc, có gì quyến rũ nơi tiệm kem xưa ở một góc phố mà khách ghé nườm nượp, chen chúc chỉ để lấy được những que kem? Rồi cái tiệm bánh gối bình dân nhỏ xíu nơi con hẻm nhỏ đường Lý Quốc Sư có gì độc đáo mà hút khách nườm nượp mỗi đêm? Văn hóa ẩm thực Hà thành đúng là thật lạ. Nam thanh nữ tú thích chọn không gian của phố, của bờ hồ, của những con đường phố ẩm thực làm điểm dừng chân. Nhiều thiếu nữ xinh xắn ăn mặc chỉn chu, sang trọng cũng không ngại ngần bắc ghế đẩu ngồi chật như nêm giữa không gian các hàng quán ăn vặt, nhâm nhi những cốc kem, bún ốc, đĩa bánh gối, bánh quẩy, tràng trứng non cháy tỏi, bánh bầu phô mai Hàn Quốc, dồi sụn nướng…

Qua những địa danh “Hà Nội băm sáu phố phường”, dấu vết xưa đã phai nhạt. Con phố Hàng Đào mà tôi có dịp ghé qua (nay thuộc phường Hàng Đào), địa danh được nhắc tới trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi: “Phường Hàng Đào nhuộm điều” và trong sách “Thượng kinh phong vật chí”; rồi ngay cả con phố Hàng Gai trước chuyên bán các loại dây tước từ vỏ cây gai, cây đay để đan võng, bện thừng, tất cả đã xa xôi. Từ phố Hàng Gai đi ra Hàng Quạt, có phố Tố Tịch (chiếu trắng), rồi kế đó là phố Tạ Hiện, có ngõ Hài Tượng, tức phố Hàng Giày - nơi tập trung của những người thợ làm giày da, đóng giày, khâu hài gốc… giờ là những con phố sầm uất với những cửa hàng, quầy bán các đặc sản, quần áo, giày dép, trang sức... Những tên phố không còn đúng với tên nghề, chỉ còn là những cái tên, miên man trong lớp người cũ…

Hà Nội với những con phố về đêm. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Hà Nội với những con phố về đêm. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Câu chuyện của hai bác xe ôm nhiều đêm rong ruổi cùng tôi qua những ngóc ngách thành phố cứ day dứt. Rằng, phần lớn người dân gốc, chứng nhân của phố cổ đã bỏ phố đi bởi nhiều lẽ: một phần không bắt kịp nhịp sống mới; một phần khoản tiền cho thuê nhà hậu hĩnh trang trải cuộc sống no đủ; một phần không ai chịu nổi được cái ngột ngạt của phố sầm uất, tấc đất là tấc vàng. Không còn hình hài của “phố xưa - nhà cổ”... Hai bác xe ôm tuổi đã 60 vẫn miệt mài chạy xe thâu đêm mưu sinh. Họ giấu nỗi buồn tuổi già vào lòng...

2. Tôi có một ngày để đi qua những cánh đồng bạt ngàn trồng rau với chuối, với bắp, với lúa, cà pháo, cà chua, dưa leo... rồi băng qua những vùng đất nửa phố nửa quê do ảnh hưởng của cơn lốc đô thị hóa mãnh liệt để về Đường Lâm. Thành cổ Sơn Tây man mác, u hoài, nằm e ấp bên vùng thị thành. Có gì rất đỗi thân quen, xưa cũ, sực nhớ đến nhà thơ “Đôi mắt người Sơn Tây”. Tự ngâm tràn “Đôi mắt người Sơn Tây/ U uẩn chiều luân lạc/ Buồn viễn xứ khôn khuây/ Cho nhẹ lòng nhớ thương/ Em mơ cùng ta nhé/ Bóng ngày mai quê hương/ Đường hoa khô ráo lệ”... Từng lớp đá ong khô, từng ngấn lệ của thời gian, rêu phong phủ dày mà chỉ có thể lục tìm ký ức Hà Nội trong mắt người xưa, trong những áng thơ văn xưa, mặc gấp gáp thị thành...

Đường Lâm với cổng làng, sân đình, chùa cổ, cây đa, bến nước, giếng làng... yên bình. Làng còn chừng 100 nhà rường cổ có niên đại 300 - 400 năm, thậm chí 500 năm tuổi. “Biển xanh hóa nương dâu” là lẽ thường, song Đường Lâm vẫn giữ được phần nào nét thơ mộng, yên bình của một làng quê trong cơn lốc đô thị hóa. Nơi mà tôi có thể đi dạo quanh làng, nhâm nhi mấy món hàng rong đặc sản miền Bắc, uống cạn ly nước chè xanh đậm đà từ bàn tay thoăn thoắt và chất giọng đon đả của một chị bày bán ở gian phụ của nhà thờ tộc Đỗ Doãn... Một thoáng yên bình, đối lập với những con đường sầm uất, những phố “nhà giàu”, những tòa cao ốc chọc trời, nơi mỗi căn hộ là mỗi cái nhà di động, mỗi tầng chung cư có cả siêu thị mini và với tất cả dịch vụ thiết yếu nhất, chỉ cần nhích điện thoại là mọi thứ đủ đầy.

Đan xen, lẫn lộn trong tôi cảm giác khó tả: Một Hà Nội với nhiều sắc thái, xưa và nay. Cũng xa vắng rồi những “phố xưa nhà cổ, mái ngói thơm nâu”, những thanh âm xa vắng. Thời gian vụt qua kẽ tay, chẳng biết nên mừng hay tiếc nuối?

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN