Cây thuốc nam: Rẻ và tốt cho sức khỏe

AN DÂN 25/01/2019 07:29

Cây thuốc nam luôn đem lợi ích cho mỗi người trong việc nâng cao thể trạng, làm đẹp và chữa bệnh, nhất là đối với bệnh nhân mãn tính. Bên cạnh đó, nhiều cây thuốc nam cũng là cây làm gia vị cho các món ăn.

Ươm phát triển cây dược liệu. Ảnh: A.D
Ươm phát triển cây dược liệu. Ảnh: A.D

Lương y Trần Văn Thu - Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, Chủ tịch Hội Đông y TP.Tam Kỳ cho biết: “Mạng lưới hội đông y phát triển đến tận các phường, xã, trong hệ thống y tế công lập, các bệnh viện, phòng khám khu vực, trạm y tế đều duy trì vườn thuốc nam mẫu để hướng dẫn nhân dân trồng và sử dụng, đồng thời phổ biến điều trị đông - tây y kết hợp. Hội cũng luôn vận động đẩy mạnh việc sưu tầm và tuyên truyền cho người bệnh hiểu đúng về cách chăm sóc sức khỏe bản thân với những gì sẵn có. Đến nay, hội tổ chức sưu tra được gần 900 loài cây thuốc, trong đó có nhiều cây thuốc quý hiếm. Thực hiện Đề án “Thuốc tại chỗ và thuốc thay thế”, hội đã triển khai rộng rãi và được người dân hưởng ứng tích cực theo hướng “Mỗi gia đình chủ động quy hoạch, khoanh vùng, tìm kiếm cây giống để trồng và phát triển cây thuốc nam. Hiện các trạm y tế đều có vườn cây thuốc nam đa dạng và phong phú chủng loại và phòng khám đông y phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân”.

Trong cuốn sách “Chữa bệnh cho mẹ” của bác sĩ Lê Thân biên soạn, ông nêu quan niệm của Tuệ Tĩnh: “Muốn cứu dân sinh, phải tìm thánh dược. Sách trời đã định phận nước Nam, thổ sản có khác gì Bắc quốc”. Cho nên ông chủ trương “Nam dược trị Nam nhân” có nghĩa “Thuốc nước Nam chữa bệnh cho người nước Nam”. Tiếp thu lời dạy của tiền nhân, bác sĩ Lê Thân đã nghiên cứu thành công nhiều bài thuốc từ thuốc nam chữa bệnh cứu người.

Lương y Phan Mai Huy xã Quế Bình (Hiệp Đức) cho rằng, sử dụng thuốc nam để chữa bệnh vừa rẻ tiền, phù hợp với khả năng của người dân nông thôn, vừa dễ sử dụng, dễ bảo quản. Còn thuốc bắc khó bảo quản, giá thành đắt, đôi khi không biết được chất lượng của thuốc thế nào. Ông cũng cho biết thêm: “Thuốc bắc trong quá trình bảo quản thường cho thêm hoạt chất lưu huỳnh, nhiều loại thuốc bắc không rõ nguồn gốc, vì thế, có thể gây nguy cơ ngộ độc. Các chất độc hại xâm nhập vào trong cơ thể lâu ngày sẽ sinh bệnh. Không thể phủ nhận những lợi ích của thuốc bắc, nhưng với cách chế biến bảo quản như hiện nay thì rất nguy hiểm. Những bài thuốc đơn giản như cảm cúm, đau đầu, mất ngủ, say nắng… người dân nên sử dụng những cây dược liệu sẵn có trong vườn nhà như sả, gừng, đậu đen, lá vông, hạt đậu muồng, lá đinh lăng, lá dâu tằm… để chữa trị rất hiệu quả. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là người dân không nên tùy tiện sử dụng những bài thuốc nam chưa được kiểm chứng”.

Bạn Thiện Bảo ở xã Đại Đồng (Đại Lộc) một người chuyên làm việc từ thiện, bằng cách tìm kiếm cây thuốc nam để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo cho biết: “Trong quá trình tìm kiếm dược liệu, tôi nhận thấy cây thuốc nam có trong tự nhiên ở quê mình rất nhiều. Bên cạnh việc khai thác, cũng cần phải bảo tồn, nếu không, những cây thuốc hiếm sẽ cạn kiệt dần theo thời gian”. Tiềm năng nguồn dược liệu trên địa bàn tỉnh ta rất phong phú, chủ trương của tỉnh hiện nay là khai thác đi đôi với bảo tồn và phát triển cây thuốc đông y, trong đó sâm Ngọc Linh, quế, hồi, hòe, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả, nghệ… Nhiều cá nhân, đơn vị đã phát triển cây dược liệu như Công ty TNHH Đức Uyên (Hiệp Đức)  bên cạnh trồng các cây công nghiệp, công ty này còn trồng nhiều cây dược liệu quý như sa nhân, đương quy, giảo cổ lam, nghệ, cà gai leo và đinh lăng…. Nhiều hộ dân cũng trồng xen canh cây thuốc nam trong vườn nhà, dưới tán rừng, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, lại được hưởng lợi từ những vị thuốc quý quanh ta.

AN DÂN

AN DÂN