"Phân vai" cho văn hóa

C.B.L 25/01/2019 03:06

Văn hóa giờ đây đã được kêu gọi phát huy ở nhiều lĩnh vực cụ thể, như giao thông, kinh doanh, thậm chí có cả văn hóa phong bì bởi thói quen quà cáp của người Việt đã bị biến tấu rất nhiều kiểu. Văn hóa quá mênh mông, có hàng trăm định nghĩa, nhưng khách quan mà nói, khi gắn vào các lĩnh vực cụ thể, văn hóa đã phát huy “vai trò” của mình theo cái cách cụ thể mà nó được cắt nghĩa. Ví dụ ở lĩnh vực giao thông, nhiều người cắt nghĩa rằng văn hóa giao thông là tuân thủ luật giao thông và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Bằng cách cắt nghĩa rất riêng này, ta dễ nhìn thấy các tình huống như phóng nhanh vượt ẩu, chửi bới nhau khi va chạm trên đường... là những biểu hiện thiếu văn hóa giao thông. Hay trong kinh doanh buôn bán, cho nhận quà cáp cũng vậy, văn hóa nếu được cắt nghĩa ở lĩnh vực nào đó, ta cũng dễ dàng test nhanh những tình huống cụ thể theo lĩnh vực ấy.

Chia ra nhiều lĩnh vực cụ thể cần phải thực hiện như thế, theo tôi thêm cái lợi nữa là mỗi người dễ dàng nhìn thấy mình thiếu văn hóa ở khía cạnh nào để cải thiện, nâng tầm. Ví như thói quen hút thuốc nơi công cộng, người ta sợ bị xem là kém văn hóa hơn là sợ bị phạt theo các quy định, nên người hút có thể dần dà bỏ đi. “Phân vai” cho văn hóa ở nhiều lĩnh vực cụ thể, có khi là cách hữu hiệu để góp phần quản lý xã hội hiệu quả ở lĩnh vực ấy, như giao thông vận tải chẳng hạn. Có điều nhìn vào thực tế, người ta cũng có thể “mất khí thế” bởi xã hội có vẻ như đang có quá nhiều lỗ hổng văn hóa cần phải lấp đầy ở nhiều lĩnh vực; và con người có khi còn “tự ái” bởi hành vi được cho là thiếu văn hóa của mình. Bạn hãy dành một chút thời gian để nhìn xung quanh xem. Nếu ở nhà, bạn có thể sẽ nhìn thấy danh hiệu gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, rồi ra đường thì nhà văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan văn hóa... Một số ước lệ ở những nơi này đòi hỏi ở bạn là người phải có một “nền tảng” văn hóa nhất định, hoặc phải tương thích nhanh, nếu hoàn hảo thì càng tốt... Bởi nếu không thì dễ rơi vào tình cảnh người thiếu văn hóa vì trong một hoàn cảnh cụ thể rất dễ vi phạm. Và khi bị gọi là người thiếu văn hóa thì thực sự không mấy dễ chịu.

Để nâng tầm văn hóa, theo cái cách đã được cắt nghĩa ở nhiều lĩnh vực cụ thể như thế dù dễ dàng đối chiếu với mỗi người nhưng lại khó thực hiện bởi văn hóa còn phụ thuộc vào môi trường chung. Người ta dễ có văn hóa ở lĩnh vực giao thông hơn khi tình trạng kẹt xe giảm bớt, đường sá được quy hoạch, đầu tư thuận tiện...; hoặc việc kinh doanh có văn hóa hơn khi tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm không còn nhức nhối nữa, công tác quản lý hàng giả hàng nhái hiệu quả hơn... Tương tự, khu dân cư dễ có văn hóa hơn khi tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, nạn trộm chó không xảy ra...; hay văn hóa quà cáp dễ bị ảnh hưởng cũng bởi tình trạng tham nhũng... Vậy nên rất dễ nhìn thấy, từng con người cụ thể hay cả một cộng đồng, văn hóa có thể phai nhạt đi khi bị tác động quá nhiều từ môi trường sống.

C.B.L

C.B.L