Nhìn từ Ái Nghĩa...

THÀNH CÔNG 25/01/2019 03:01

Năm tháng hằn in một thời của lửa và hoa, của rạng rỡ chiến công lẫn muôn trùng gian khó nơi mảnh đất nối tiếp giữa sông và nguồn, giữa đồng bằng và trập trùng mây núi. Và, đi qua gian khó, khi cánh cửa đã mở, đất và người Đại Lộc không chờ đợi để chạm lấy giấc mơ của chính mình.

Cầu Ái Nghĩa bắc qua sông Vu Gia tạo động lực mới phát triển thương mại dịch vụ. Ảnh: T.C
Cầu Ái Nghĩa bắc qua sông Vu Gia tạo động lực mới phát triển thương mại dịch vụ. Ảnh: T.C

Chạm vào cơ hội

Bốn năm trước, khi quê hương Đại Lộc rộn ràng kỷ niệm 40 năm giải phóng, tôi về gặp ông Nguyễn Hữu Mai - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nghe ông kể về sự hồi sinh diệu kỳ, về những hố bom hóa ruộng cày ở vùng A, vùng B Đại Lộc sau ngày giải phóng. Khát vọng hồi sinh đã được ươm mầm, dậy lên từ những hạt phù sa. Những người đầu tiên trở về trong tổng số một vạn dân ngày ấy đã đổ mồ hôi và cả máu xương tưới để cho bao cánh đồng ngút ngát xanh trên Bàu Tròn, trên bãi biền dưới chân cầu Hà Nha… Bao người đã ngã xuống vì bom mìn sót lại, vì tàn tích chiến tranh. Như một miền quê chật vật với “tấm áo” đã quá cũ, khó nghèo chưa dứt. Câu chuyện công nghiệp còn xa, khi chỉ có một số ít những nhà máy, xí nghiệp với số lượng lao động khá khiêm tốn. Ái Nghĩa, từng là một thị trấn nhỏ lặng lẽ và trầm tư so với “những người bạn” là Vĩnh Điện (thị xã Điện Bàn), Nam Phước (huyện Duy Xuyên). Nhiều người nói vui, rằng khi đó, Ái Nghĩa là “thị trấn cổ” và mọi thứ đều bé nhỏ và cũ kỹ. Tôi gặp ông Vũ Thanh Mận (65 tuổi, Trưởng ban Đại diện người cao tuổi huyện Đại Lộc), nghe ông kể về cây cầu Ái Nghĩa cũ sau giải phóng, cây cầu may mắn sót lại sau cuộc chiến. “Một cây cầu nhỏ lót bằng sắt ri, chỉ có người đi bộ và xe đạp qua lại. Đến năm 1992, trụ sở làm việc của chính quyền mới được tu sửa, nhưng vẫn đơn sơ, cũ kỹ. Dấu mốc phát triển, là từ khoảng 8 năm trở lại đây. Dân bây giờ mới cảm nhận được những đổi mới của đất này. Tôi nhớ, khi chỉnh trang đô thị, chính quyền vấp phải nhiều khúc mắc, nhưng nhờ vận động, nhờ kiên quyết mới có một diện mạo của khu đô thị bây giờ ngay bên chân cầu Ái Nghĩa, làm tiền đề cho những đô thị mới mọc lên” - ông Mận nói.

khu vực chợ thị trấn Ái Nghĩa sầm uất hàng quán. Ảnh: T.C
khu vực chợ thị trấn Ái Nghĩa sầm uất hàng quán. Ảnh: T.C

Nhắc, để nhớ và để thấy đã có bao đổi thay trên vùng đất này, khi Đại Lộc đang từng ngày rất khác. Ái Nghĩa lột xác, mang hình hài phố khá rõ. Con đường mới thênh thang qua ngã tư, nhà cửa cao tầng san sát những hàng quán thương mại, dịch vụ. Phía tây, nơi từng là những ngọn đồi sỏi đá, nhìn đâu cũng chỉ thấy sim, mua giờ trở thành khu công nghiệp với hàng nghìn lao động. Những cụm, khu công nghiệp hình thành thay đổi hoàn toàn cơ cấu kinh tế. Nông nghiệp chỉ còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ và đang hướng tới một nền sản xuất sạch, bền vững. Rời khỏi ruộng đồng cằn cỗi, nhiều người dân vào nhà máy, sống với một “nhịp đời” khác. Phố thị không còn là giấc mơ, khi Đại Lộc đã chạm tay vào rất nhiều cơ hội mới mở ra, cho chính mình.

Ươm dáng hình phố thị

Rời khỏi ruộng đồng cằn cỗi, nhiều người dân vào nhà máy, sống với một “nhịp đời” khác. Phố thị không còn là giấc mơ, khi Đại Lộc đã chạm tay vào rất nhiều cơ hội mới mở ra, cho chính mình.

Những cánh cửa đã mở, khi cầu Giao Thủy bắc qua sông Thu Bồn được khánh thành, muôn nẻo đường sá cũng thênh thang hơn về Đại Lộc. Ông Nguyễn Công Thanh - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc nói, giải được bài toán hạ tầng, Đại Lộc đang tiến những bước dài đầy sôi động. “Phát triển kinh tế vẫn đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mà mũi nhọn là công nghiệp. Đại Lộc đang tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đã đăng ký nhưng chưa thực hiện, nhanh chóng kêu gọi thu hút đầu tư, đặc biệt là công khai quy hoạch bằng sổ tay quy hoạch để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đầu tư. Đã có 7 dự án đăng ký, các dự án đã triển khai cũng đang đầu tư nâng cấp, mở rộng công suất. Có thể nói, làn sóng đầu tư rộng khắp trong các cụm công nghiệp và đang phát huy, thu hút một số cụm vùng khác. Trên lĩnh vực thương mại dịch vụ, các dịch vụ buôn bán, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông có nhiều khởi sắc để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sinh hoạt. Nông nghiệp vẫn đang có bước tăng trưởng rõ, là nền tảng ổn định cuộc sống một số vùng” - ông Thanh thông tin. Một niềm tin được thắp lên từ những bước đi căn cơ nhất, tính toán cụ thể nhất. Thì đây, hàng nghìn du khách thay vì đến Mỹ Sơn bằng con đường cũ, đã ngang qua và ghé chân Đại Lộc bằng tuyến đường mới nhanh hơn, rộng thoáng hơn. Dịch vụ bắt nhịp với đổi thay, hứa hẹn gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế, song hành cùng du lịch.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2018 của Đại Lộc là 12,82% (giá so sánh năm 2010); trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 13,83%, thương mại - dịch vụ tăng 15,15%; nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 4,63%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tính đến cuối năm 2018: ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 61,81%; thương mại - dịch vụ 25,71%; nông - lâm - thủy sản 12,48%. Đến cuối năm 2018, Đại Lộc đã có 11/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hộ nghèo giảm còn 4,44% (tương đương 1.840 hộ).

Đại Lộc đã và đang là một điểm đến khá mới mẻ giữa những chuyến đi. Đã có những chiến lược cụ thể cho du lịch, khi trong tương lai, địa phương này dự kiến mở rộng cầu Bến Dầu để nối kết vùng tây, tạo một cung đường liên hoàn đến hồ chứa Khe Tân. Trên hành trình đó, có Bằng Am (xã Đại Hồng), một “chốn bồng lai” hứa hẹn sẽ là nơi níu chân nhiều du khách. Còn có dự án xây dựng cầu Tân Đợi (xã Đại Sơn) kết nối quốc lộ 14B đến Tượng đài chiến thắng Thượng Đức, nối xuống các xã Đại Đồng, Đại Nghĩa mở ra bao kỳ vọng. “Chúng tôi đang có một định hướng phát triển ở vùng B, phía bắc cũng như kết nối vùng A, xây dựng một “vùng vệ tinh” cung cấp nguồn lương thực thực phẩm, đặc biệt là phát triển chợ đầu mối. Đây sẽ là điểm thu gom nông sản trên cơ sở phát huy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp hàng hóa cho toàn vùng và sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ này. Lợi thế đã có, quan trọng là phải nắm bắt” - ông Thanh nói.

Tôi đứng ở ngã ba Hòa Đông, nơi sẽ là nút giao thông mới của Ái Nghĩa, nhìn xe cộ ngược xuôi trước trường THCS Nguyễn Trãi. Đã có một ngôi trường mới thay thế với mức đầu tư 44 tỷ đồng được khởi công, ngôi trường cũ sẽ nhường chỗ để khơi thông cung đường huyết mạch, nới rộng tấm áo cho vừa hình hài đô thị loại 4 - mục tiêu của thị trấn Ái Nghĩa đến năm 2020. Năm 2019 cũng là năm của đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, bằng những con đường mới, bằng 10 dự án đầu tư nhà ở đô thị đã được đăng ký và hàng loạt công trình khác.

Không ngủ yên với những giấc mơ, cơ hội đang được tự tạo ra và đón lấy, để quê hương Đại Lộc thức dậy, trong một dáng hình thật khác…

THÀNH CÔNG

THÀNH CÔNG