Cẩn trọng chuyển đổi mục đích sử dụng đất

TRẦN HỮU 24/01/2019 07:24

Trước việc các dự án đầu tư, công trình tác động đến đa dạng hệ sinh thái rừng, chính quyền tỉnh đã siết chặt quản lý, yêu cầu các địa phương phải cẩn trọng, lấy ý kiến người dân trong điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa được xem xét cẩn trọng. Ảnh: T.H
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa được xem xét cẩn trọng. Ảnh: T.H

Với dự án nhạy cảm tác động đến đất rừng, tồn tại nhiều ý kiến trái chiều, chính quyền tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với địa phương, ngành chức năng rà soát, điều chỉnh theo hướng giảm tối đa diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ. Đơn cử, với dự án khu du lịch sinh thái biển Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An) do Công ty CP Thương mại - du lịch - đầu tư Cù Lao Chàm làm chủ đầu tư, giữa tháng 1.2019 chính quyền tỉnh bắt buộc phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng dự án từ gần 2.600ha còn gần 260,4ha. Trong đó, đất xây dựng công trình gần 19ha, giảm còn gần 17ha; đất giao thông đường bộ giữ nguyên; đất cảnh quan, tiểu cảnh, hồ nước giảm từ gần 1.150ha xuống còn hơn 260ha. Quy hoạch mới còn quyết định dịch chuyển hàng loạt công trình như 9 căn biệt thự, nhà phục vụ, nhà hàng, nhà đón tiếp và bỏ 1 sân tennis.

Theo Sở TN&MT, từ ngày 1.7.2014 đến hết năm 2018, toàn tỉnh thực hiện 936 dự án đầu tư, phải thu hồi đất với diện tích hơn 2.394ha (theo điều 61 và điều 62 của Luật Đất đai năm 2013). Trong đó, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm 1.214ha. Danh mục thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng năm 2019 đã được HĐND tỉnh thông qua và thể hiện bằng Nghị quyết số 40 ngày 6.12.2018.

Năm 2019, cả tỉnh có 448 danh mục với tổng diện tích hơn 449ha được duyệt chuyển mục đích sử dụng đất lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng (đất chuyên trồng lúa nước 247ha, đất trồng lúa nước còn lại 62,3ha, đất rừng phòng hộ 107ha và đất rừng đặc dụng 32ha). Trong đó, có 315 danh mục sử dụng vốn ngân sách nhà nước với diện tích 300ha (đất chuyên trồng lúa nước hơn 163ha, đất rừng phòng hộ 54ha và đất rừng đặc dụng 28ha) và 133 danh mục sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước với diện tích hơn 149ha. Theo Sở TN&MT, với 88 danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và danh mục dự án thu hồi đất năm 2019 chưa đảm bảo thông tin về chủ trương đầu tư, nguồn vốn đầu tư..., UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành rà soát chặt chẽ về cơ sở pháp lý, nguồn vốn đầu tư của từng dự án, đảm bảo tính khả thi và chỉ được triển khai thực hiện khi đảm bảo các thủ tục pháp lý theo quy định. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng quả quyết: “Các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải có ý kiến của thường trực HĐND cùng cấp trước khi trình cơ quan cấp trên; đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn; quán triệt nguyên tắc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, không sử dụng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất cao, sản xuất hiệu quả, ổn định để khai thác quỹ đất, sản xuất kinh doanh, dịch vụ”. Trong khi đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm về cơ sở pháp lý, tính khả thi khi đề xuất các dự án cho mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đất ở có sử dụng đất trồng lúa nước ở địa phương mình. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đăng ký đối với những danh mục dự án đã được HĐND tỉnh thông qua, đưa vào kế hoạch sử dụng đất nhưng liên tiếp 2 năm không triển khai thực hiện để có hướng xử lý cụ thể. Việc điều chỉnh quy hoạch kế hoạch sử dụng đất bắt buộc phải triển khai lấy ý kiến người dân.

Đầu năm 2019, Sở TN&MT phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn các địa phương hoàn chỉnh hồ sơ kế hoạch sử dụng đất năm 2019, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện theo đúng quy định Luật Đất đai năm 2013. Rà soát, quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi rừng và đất rừng đúng quy định của pháp luật. Bất cập hiện nay ở nhiều địa phương miền núi là diện tích rừng chưa giao do UBND xã quản lý vẫn còn khá nhiều, một bộ phận hộ gia đình sống trên đất rừng, gần rừng vẫn còn thiếu đất sản xuất hoặc chưa được giao đất rừng để sản xuất dẫn đến tình trạng đất rừng bị xâm lấn, rừng bị chặt phá và khai thác trái phép để lấy đất sản xuất, làm nương rẫy. Đáng chú ý, xung đột lợi ích giữa người dân với các doanh nghiệp trồng cao su nhưng bỏ hoang hóa đất đai kéo dài nhiều năm. Năng lực của chủ rừng, các ban quản lý rừng thực hiện công tác bảo vệ rừng bước đầu có được cải thiện nhưng vẫn chưa tương xứng với diện tích lâm phận được giao.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU