Món quà cuối năm
Cuối giờ làm việc, tôi gặp chị làm ở phòng hành chính tổng hợp, chị bảo, chị có món quà cuối năm cho em đây. Vừa đến phòng, chị đưa tôi một hộp giấy nhỏ do bưu điện gửi. Tôi chưa kịp hỏi câu nào, chị nói tiếp, vừa rồi có cô là người Quảng Nam đi kinh tế mới ở tỉnh Bình Phước năm 1994, tìm số điện thoại của cơ quan trên mạng gọi đến nói có hiện vật thời chiến tranh cơ quan có nhận không. Chị nói cổ gửi ra đó, em xem có nhận được thì nhận không thì gửi trả lại cho cô. Tôi mang lên phòng gỡ ra, bên trong là cái bọc võng, kèm theo một lá thư tay.
Chiếc bọc võng và lá thư tay do cô Miễn gửi. |
“Kính gửi bảo tàng,
Đầu tiên, tôi gửi lời chào trân trọng chiến sĩ cán bộ bảo tàng.
Tôi là Nguyễn Thị Miễn trước đây tôi là bộ đội, ở Tiểu đoàn 91 Lam Sơn, Mặt trận 4 Quảng Đà. Nay tôi có cái bọc võng bằng dù đèn sáng 18 chéo. Vậy nay, tôi tặng bảo tàng làm kỷ niệm. Xuất xứ cái hiện vật này là của anh Hoàng Văn Thụ, quê anh Thụ ở Hải Phòng, vào ngày 9.10.1972 anh Thụ đi chiến đấu ở khu đông Duy Xuyên. Khi đi anh Thụ có gửi cho tôi một cái bọc võng, khi tôi biết anh Thụ hy sinh thì tôi không nộp vật này cho quân nhu hậu cần, mà tôi để dùng. Vậy tôi người có khuyết điểm, đến ngày giải phóng tôi cất nó đến nay, vì tôi cất kỹ quá nên tôi quên mất, thời gian này tôi lục đồ nhớ lại tôi định để làm kỷ niệm. Tôi tìm hiểu được biết bảo tàng trưng bày kỷ vật của thời kỳ kháng chiến, nên tôi liên hệ với bảo tàng gửi về để trưng bày. Nếu bảo tàng không dùng được gửi trả lại cho tôi. Tôi xin cảm ơn.
Cuối cùng chúc cán bộ chiến sĩ sức khỏe. Lời chào thân ái”.
Sau khi nhận được thư, tôi liên hệ với cô Miễn, được biết năm 19 tuổi cô tham gia bộ đội ở Tiểu đoàn 91 Lam Sơn, cô là tân binh, còn anh Thụ là lính lâu năm. Trong sinh hoạt, anh Thụ rất quan tâm đến cô, có bánh xà phòng giặt đồ anh cũng đem cho... Chiều ngày 9.10.1972 anh Thụ gửi một bọc võng nhờ cô giữ hộ. Anh nói, đi công tác mà bọc võng màu sáng quá nên không hợp, sau đó anh rút ví ra định gửi cho cô nhưng sau một hồi suy nghĩ anh không gửi. Cô hỏi anh đi công tác ở đâu, anh nói là vùng đông Duy Xuyên. Sau một thời gian, thấy những người đi công tác với anh đã về nhưng không thấy anh Thụ về nên cô hỏi thăm, mới biết anh Thụ đã hy sinh. Lúc đó cô đã nghĩ: “Thông thường khi đi công tác, bất cứ ai hỏi cũng không bao giờ nói địa điểm, nhưng anh Thụ lại nói rõ với cô, mà lạ một điều nữa là anh không gửi tư trang cho quân nhu mà gửi cho cô. Có thể anh Thụ linh cảm đến điều không lành trong chuyến đi nên đã gửi lại tất cả”. Sau đó trong suốt quá trình công tác cô vẫn giữ chiếc bọc võng làm kỷ niệm và khi cần thì sử dụng. Gần 50 năm trôi qua, hiện nay cô đã ở tuổi 65, có 4 người con, do cuộc sống nên cô không biết thông tin anh Thụ như thế nào, chỉ có kỷ vật anh Thụ gửi mãi theo cô cho đến hôm nay, cô vẫn muốn đi tìm người thân của anh Thụ để biết tình hình.
Cuối năm, nhận được “món quà” chất chứa bao kỷ niệm của người lính Tiểu đoàn 91 Lam Sơn - tiền thân của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa tăng cường cho chiến trường Quảng Nam vào năm 1967. Tôi rất vui, vì đây là “món quà” mình rất cần từ bấy lâu nay. Nhìn vào món quà, có thể phần nào hình dung cuộc sống của những người lính Tiểu đoàn Lam Sơn anh hùng năm xưa. Và hôm nay, dù cuộc sống còn bộn bề lo toan, nhưng họ luôn quan tâm nhau và không bao giờ quên kỷ niệm của một thời gian khổ sống chết có nhau, hơn thế nữa họ có ý thức trân trọng giữ gìn kỷ vật ấy như là một lời tri ân và để giới thiệu đến thế hệ trẻ.
TRẦN VŨ