Không chủ quan với bệnh sởi

CHÂU NỮ 23/01/2019 07:23

Trong khi bệnh sởi bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước thì đến nay ở Quảng Nam chỉ có một trường hợp trẻ chưa đến độ tuổi tiêm chủng dương tính với sởi. Dù vậy, ngành y tế vẫn chủ động triển khai phòng chống bệnh này.

Bệnh sởi có thể phòng bằng cách tiêm vắc xin. Ảnh: C.N
Bệnh sởi có thể phòng bằng cách tiêm vắc xin. Ảnh: C.N

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam, trong hệ thống giám sát của ngành năm 2018, toàn tỉnh có 20 trường hợp sốt phát ban nghi sởi - rubella. Tuy nhiên, qua xét nghiệm, có 19 trường hợp âm tính; đến đầu tháng 12.2018 mới phát hiện một trường hợp dương tính với sởi ở trẻ 8 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm phòng sởi) tại Hiệp Đức. Trường hợp này sau đó được gia đình đưa đến điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Phòng chống bệnh sởi
Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch. Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày. Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch... Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân. Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh

Thời gian qua, Bệnh viện Nhi Quảng Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhi nào nhập viện do sởi. Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện cũng đã cảnh báo tình hình mắc bệnh sởi ở các địa phương khác cho cán bộ, nhân viên y tế biết để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp phát sinh ca bệnh. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Nhi, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông - xuân, dễ lây nhiễm từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ gây biến chứng. “Khi phát hiện trẻ sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để khám” - bác sĩ Thoại khuyến cáo.

Bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, năm 2018 Quảng Nam có gần 27 nghìn trẻ được tiêm vắc xin sởi mũi 1 (từ 9 đến 12 tháng tuổi), đạt 94%; tỷ lệ trẻ tiêm sởi mũi 2 (từ 18 tháng) đạt 88,6%. Ngoài ra, trong chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubelle cho trẻ 1 - 5 tuổi ở 6 huyện miền núi cao (gồm Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My), tỷ lệ trẻ được tiêm đạt 92,2% và đang tiêm vét đối với các trường hợp còn lại. “Năm 2014, Quảng Nam có 63 trường hợp dương tính với sởi trong tổng số 105 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Trong khi đó, chu kỳ của bệnh sởi khoảng 4 - 5 năm. Như vậy, nếu ngành y tế và người dân không thực hiện tốt công tác tiêm phòng, nhiều khả năng năm 2019 bệnh sởi sẽ bùng phát vì đây là thời điểm nằm trong chu kỳ của dịch” - bác sĩ Quang nói. Ngoài 6 huyện miền núi cao đã tiêm vắc xin bổ sung, năm 2019 này, 11 huyện, thị xã, thành phố còn lại (trừ Tam Kỳ) sẽ triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella  cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi.

Để ngăn chặn sự bùng phát của sởi, theo bác sĩ Huỳnh Công Quang, yếu tố tiên quyết là trẻ em trong độ tuổi phải được tiêm vắc xin đầy đủ. Theo đó, các bà mẹ cần đưa trẻ từ 9 - 12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Và đặc biệt, dù đã được tiêm phòng nhưng phụ huynh cũng cần đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi trong các chiến dịch tiêm bổ sung.

CHÂU NỮ

CHÂU NỮ