10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu năm 2019
(QNO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cho biết, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe.
Tại một trung tâm chăm sóc sức khỏe. Ảnh: healthline |
1. Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu
90% dân số thế giới đang hít thở không khí ô nhiễm mỗi ngày. Các hạt bụi siêu mịn trong không khí được xem là “sát thủ” gây ra hàng loạt các bệnh về đường hô hấp, ung thư, tim mạch…giết chết 7 triệu người mỗi năm.
Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí (đốt nhiên liệu hóa thạch) cũng là tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
2. Các bệnh không truyền nhiễm
Đó là các bệnh như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh đường hô hấp mạn tính, chiếm hơn 70% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới.
Sự gia tăng của các bệnh này do năm yếu tố nguy cơ chính: sử dụng thuốc lá, thiếu vận động, uống rượu, chế độ ăn uống không lành mạnh và ô nhiễm không khí.
3. Đại dịch cúm toàn cầu
Điều duy nhất chúng ta không biết là khi nào dịch cúm sẽ xảy ra và mức độ nghiêm trọng của nó. Hằng năm, WHO khuyến cáo những chủng nào nên được đưa vào vắc-xin cúm để bảo vệ mọi người khỏi bệnh cúm theo mùa.
4. Môi trường dễ bị tổn thương
Hơn 1,6 tỷ người (22% dân số toàn cầu) sống ở những nơi có khủng hoảng kéo dài (như hạn hán, nạn đói, xung đột và dịch chuyển dân số) và các dịch vụ y tế yếu khiến họ không được chăm sóc cơ bản.
5. Kháng kháng sinh
Kháng sinh là một trong những phát minh kỳ diệu nhất của thế kỷ trước. Thế nhưng, mỗi ngày trung bình có 2.000 người chết vì thuốc kháng sinh không còn tác dụng. Việc làm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh ở người và trong các hoạt động nông nghiệp là nguyên nhân chính dấn đến tình trạng kháng kháng sinh.
6. Ebola và các bệnh nguy hiểm khác
WHO xác định các bệnh có khả năng gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng nhưng thiếu phương pháp điều trị và vắc-xin hiệu quả. Đó là Ebola, một số bệnh sốt xuất huyết khác, Zika, Nipah, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS)…
7. Chăm sóc sức khỏe ban đầu yếu kém
Chăm sóc sức khỏe ban đầu có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu sức khỏe của một người trong suốt cuộc đời của họ. Hệ thống y tế với chăm sóc sức khỏe ban đầu mạnh mẽ là cần thiết để đạt được bảo hiểm y tế toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia không có cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu đầy đủ, như do thiếu nguồn lực.
8. Không tiêm vắc xin
Tiêm vắc-xin hiện ngăn ngừa 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm và có thể tránh thêm 1,5 triệu ca tử vong khác nếu vấn đề tiêm chủng toàn cầu được cải thiện. Trong đó, việc tiêm vắc-xin đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ.
9. Sốt xuất huyết
Đây là bệnh truyền nhiễm do muỗi đốt, với khoảng 390 triệu ca nhiễm mỗi năm. Chiến lược kiểm soát sốt xuất huyết của WHO nhằm mục đích giảm 50% tử vong vào năm 2020.
10. HIV
Thế giới có nhiều thành tựu trong cuộc chiến chống HIV. Như việc sử dụng thuốc kháng retrovirus (ARV) mặc dù không phải là cách điều trị HIV, nhưng đây là giải pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp kiểm soát sự bùng phát của đại dịch.
Tuy nhiên hiện thế giới vẫn có khoảng 37 triệu người trên toàn thế giới sống với HIV, gần một triệu người mỗi năm tử vong vì bệnh này.
Năm 2019 cũng chứng kiến sự khởi đầu của kế hoạch chiến lược 5 năm mới của WHO để giải quyết các thách thức trên. Đó là đạt mục tiêu ba tỷ: đảm bảo thêm 1 tỷ người được hưởng lợi từ việc tiếp cận bảo hiểm y tế toàn cầu, thêm 1 tỷ người được bảo vệ khỏi các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và thêm 1 tỷ người được hưởng sức khỏe tốt hơn.
NAM VIỆT