Khai mạc hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới 2019

QUỐC HƯNG 22/01/2019 07:55

(QNO) - Hôm nay (22.1), hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2019 khai mạc tại thị trấn Davos, Thụy Sĩ.

Thị trấn Davos nổi tiếng của Thụy Sĩ, nơi diễn ra hội nghị WEF hằng năm. Ảnh: AFP
Thị trấn Davos nổi tiếng của Thụy Sĩ - nơi diễn ra hội nghị WEF hằng năm. Ảnh: AFP

Davos là thánh địa của những người yêu thích trượt tuyết, là khu nghỉ mát của giới nhà giàu. Davos càng trở nên nổi tiếng khi hằng năm, hàng nghìn nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp hàng đầu thế giới đổ về đây để tham dự hội nghị WEF nhằm thảo luận về những vấn đề nóng toàn cầu.

Hội nghị WEF năm nay diễn ra trong 4 ngày với chủ đề chính: “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc toàn cầu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.   

Chủ tịch WEF Borge Brende nhận định, hội nhập toàn cầu là điều không tránh khỏi nhưng toàn cầu hóa phải trở nên công bằng hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn. Còn người sáng lập và là Giám đốc điều hành của WEF Klaus Schwab nói: “Toàn cầu hóa tạo ra người chiến thắng và kẻ thua cuộc và không có thêm nhiều người thắng nữa trong 24, 25, 30 năm qua. Bây giờ chúng ta phải chăm sóc những người bị bỏ lại phía sau của quá trình này”.

Đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0 bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây, làm thay đổi cuộc sống nhanh chóng, song cũng gây nhiều lo ngại về rủi ro việc làm, gia tăng bất bình đẳng, nguy cơ bất ổn thế giới.

Trước thềm hội nghị WEF 2019, tổ chức OXFAM thông tin về 26 nhà tỷ phú giàu nhất toàn cầu, kiểm soát một nửa tài sản của nhân loại. Tài sản của các tỷ phú tăng 12% năm 2018, trong khi 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới lại phải đối mặt với số tài sản giảm đi 11%. Chính phủ ngày càng thiếu quỹ cho các dịch vụ công và thất bại trong việc quản lý vốn thuế. 

Ông Borge Brende cho rằng, thế giới cần hợp tác nhiều hơn, cần một khuôn khổ mới và một kiến trúc toàn cầu mới. Bên cạnh đó, hội nghị sẽ tranh luận những nội dung từ biến đổi khí hậu đến Brexit - nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu

Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2019 của WEF cho biết, khủng hoảng môi trường như thất bại trong việc giải quyết biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt trong thập kỷ tới.

Ông Klaus Schwab khẳng định, biến đổi khí hậu là thách thức mang tính tồn tại nhất của nhân loại, đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp toàn cầu.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới là 3,5% trong năm 2019 và 3,6% vào năm 2020, giảm 0,2% và 0,1% lần lượt so với dự báo hồi tháng 10 năm ngoái.

Giám đốc điều hành IMF - bà Christine Lagarde nói: “Sau hai năm mở rộng vững chắc, nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm hơn dự kiến và rủi ro đang tăng lên”.

Đặc biệt hội nghị năm nay cũng sẽ tập trung về vấn đề sức khỏe tâm thần. Đó là những nỗi lo sợ rằng tình trạng trầm cảm, lo âu và các vấn đề khác về sức khỏe tâm thần đang tăng lên nhưng không hề được đánh giá đúng mức cũng như không được lưu tâm và giải quyết thích đáng. Do đó, một trong những yêu cầu được nêu ra để giải quyết tình trạng trên, bao gồm việc cải thiện đời sống và điều kiện làm việc cho người lao động.

Mặc dù hội nghị WEF được cho là cơ hội có thể mang lại một bước đột phá trong việc giảm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung hay tranh luận những liên quan đến Brexit, thế nhưng diễn đàn năm nay thiếu vắng Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Theresa May hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron... do bận giải quyết các vấn đề trong nước. 

Ngoài ra, trong những ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ thảo luận đến các lĩnh vực quan tâm như tương lai của nền kinh tế, các hệ thống công nghiệp, an ninh mạng, nhân lực.  

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG